Những nghệ sĩ luôn vắng mặt trên sân khấu

Những tiếng vỗ tay dài không ngớt, những bó hoa tươi thắm chúc mừng nghệ sĩ đó là khi vở diễn sân khấu (tuồng, chèo, cải lương, kịch nói) kết thúc, tập thể nghệ sĩ của vở diễn gồm cả diễn viên chính và phụ dàn hàng ngang trên sân khấu chào khán giả. Để cho buổi biểu diễn hoàn thành, có những người làm công tác hậu đài, âm thanh, ánh sáng, phục trang, hóa trang, âm nhạc, nhắc vở...

Họ cũng miệt mài làm việc, và chưa từng một lần xuất hiện trên sân khấu. Bạn sẽ chẳng thể nhận ra họ, trong đám đông ấy, nếu không có họ vở diễn sẽ thiếu đi sự hoàn mỹ, như thể một bông hoa bị rách đi vài cái lá. Tận tâm cống hiến cho nghề Tổ, lặng lẽ khuất mặt, nhịn tên, họ là những con người vô danh nhưng yêu nghề, sống chết với nghề như một thứ duyên nợ dù rằng chịu thiệt biết bao năm.

Một sân khấu rất lạ trong vở kịch “Hedda Gable”.

Một lần, NSND Thúy Mùi (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) kể với tôi về câu chuyện của chị, trong sự xúc động nghẹn ngào, hình ảnh của quá khứ, hơn 40 năm về trước như những thước phim quay chậm. Đó là những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, lúc đấy vở diễn chèo "Nàng Si Ta" của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã nổi đình nổi đám, người ta chen chân, kéo hàng dài người xếp hàng rồng rắn đi xem vở do Đoàn Chèo Hà Nội diễn.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang khi đấy là người đi đầu trong việc cách tân chèo (gọi là chèo cải biên - ông bảo: cải biên, cải tiến cho phù hợp với hơi thở thời đại của ngày hôm nay). Sự táo bạo của vị đạo diễn nổi tiếng không chỉ dừng lại ở đấy, ông đã làm một việc cực kì thu hút khán giả bằng cách chọn ra một nữ diễn viên có ngoại hình xinh đẹp nhất trong đoàn vào vai chính đóng nàng Si Ta, và người được chọn là nữ nghệ sĩ Lâm Bằng.

Lâm Bằng nhan sắc yêu kiều lộng lẫy dễ dàng chiếm cảm tình của khán giả, nhưng khổ nỗi Lâm Bằng có sắc nhưng không có thanh (tiếng hát còn hạn chế), nên ông đã để Thúy Mùi lúc đấy là một nữ diễn viên trẻ, cứ mỗi đêm diễn lại đứng nấp mình ở trong cánh gà nhìn vào khẩu hình của Lâm Bằng đang diễn ngoài sàn diễn để hát thay cho Lâm Bằng.

Vở diễn "Nàng Si Ta" thành công hơn cả mong đợi, nàng Si Ta vừa đẹp rực rỡ vừa hát hay khiến khán giả đắm đuối, quyến luyến. Khi cánh màn nhung khép lại, khán giả ào lên sân khấu ôm hôn, tặng hoa nữ diễn viên chính và không ngớt lời khen cô hát hay, không ai biết đằng sau cánh gà, có một nữ diễn viên đã làm công việc thầm lặng.

NSND Thúy Mùi kể: "Lâm Bằng nhận được rất nhiều hoa và lời khen của khán giả, còn mình thì không nhận được gì cả, lúc đấy tủi thân lắm, nên nhiều hôm nước mắt cứ tự nhiên ứa ra tuôn rơi, mặc dù mình không muốn khóc". Đem câu chuyện đấy hỏi đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, ông vui vẻ bảo: "Giọng hát Thúy Mùi lúc đấy là số 1, mà nhan sắc Lâm Bằng cũng là số 1, kết hợp 2 trong 1 lại đương nhiên nàng Si Ta sẽ trở nên mê đắm hơn nhiều".

Nhiều nghệ sĩ qua quá trình khổ luyện và thời gian để thi thố với nghề đã thành danh, NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội bảo: "Trước khi nổi tiếng, để mọi người biết tên quen mặt như bây giờ tôi đã từng có thời gian làm chân chạy cờ, cầm quạt trên sân khấu, mỗi lần ra sân khấu 1 phút rồi lại chạy vào. Nhưng làm diễn viên, dù đóng vai chính hay vai phụ thì đều ra sân khấu được nhìn khán giả và khán giả nhìn mình, nghĩa là còn có sự giao lưu nhưng những người làm hậu đài, họ là những anh chị em cũng rất tận tâm với nghề, vở diễn nào cũng phải cần có họ, nhưng chẳng có ai biết đến họ là ai. Cả cuộc đời, họ cứ âm thầm lặng lẽ như vậy nhưng dù có thiệt thòi, rất ít người có ý định bỏ nghề…".

Ánh sáng tuyệt vời của những người làm hậu đài trong vở kịch thể nghiệm.

NSND Tự Long kể: Ở những vở diễn chèo về đề tài lịch sử, những anh em ở hậu đài (chuẩn bị kĩ lưỡng chi tiết từ cách chọn trang phục cho phù hợp, hóa trang làm sao cho phải thật giống, âm thanh, ánh sáng cũng phải khớp nhất… áp lực lắm nhưng những nhân viên đó lại là khán giả đầu tiên của vở diễn. Nhiều trích đoạn hay, họ chính là người vui sướng nhất chia sẻ niềm vui đó với nghệ sĩ chúng tôi.

Hồng Quế, cán bộ phòng Nghệ thuật - Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: "Thu nhập của người làm công tác hậu đài thấp, nếu như diễn viên còn làm thêm những công việc khác như đóng quảng cáo, đi làm phim truyền hình, chạy sự kiện để kiếm thêm thu nhập thì những người làm công tác hậu đài thường ít việc hơn, và thù lao cũng khiêm tốn hơn. Thi thoảng anh làm hậu đài như điều chỉnh ánh sáng được mời làm ánh sáng cho chương trình tổ chức sự kiện, những show ca nhạc… nhưng mang tính năm thì mười họa chứ không thường xuyên. Một số nữ nhân viên làm công việc hóa trang cho diễn viên nhà hát, ngoài giờ làm kiêm thêm nghề trang điểm cho những buổi sinh nhật, đám cưới… Đồng lương thấp nhưng họ lại là những người sống tình cảm, vì hằng ngày tiếp xúc với nghệ sĩ từ chị hóa trang cho diễn viên, tìm phục trang cho nhân vật, chiếu ánh sáng vào nhân vật... Sự gần gũi đấy trở nên gắn kết giữa diễn viên và anh em hậu đài như người một nhà.

Ông Đỗ Trắc Lộc, Trưởng Ban Nghệ thuật của Trung tâm Hội Chất độc da cam Hà Nội bộc bạch, mấy chục năm đưa những nghệ sĩ khuyết tật đi biểu diễn ở sân khấu ngoài trời ở khắp mọi miền Tổ quốc, theo quy trình của công tác hậu đài sân khấu, một chương trình tổ chức ngoài trời người làm công tác hậu đài phải đi tiền trạm, rồi chuyên chở dụng cụ hậu đài đến nơi diễn ra biểu diễn, sau đó ráp và hoàn thiện sân khấu. Người làm công tác hậu đài là người nhiều việc nhất, luôn phải bảo đảm độ an toàn, tính thẩm mỹ, trông coi, bảo quản sửa chữa từ loa thùng, đèn điện. Nếu có sự cố sân khấu thì phải ứng biến linh hoạt, nhanh chóng để chương trình diễn ra không bị đứt đoạn, sau khi diễn viên diễn xong, người làm công tác hậu đài lại là người về sau cùng để thu dọn, bê vác những dụng cụ hậu đài. Những hôm bất lợi vì thời tiết, nhiều khi anh em hậu đài vừa làm được một sân khấu ngoài trời đẹp nhưng lại gặp mưa to, giông lớn, chương trình không thể biểu diễn được, anh em hậu đài lại phải đội mưa gió để tháo rời từng bộ phận, sắp xếp để lên xe rồi ra về. Mặc dù công việc khá vất vả nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.

Người làm công tác hậu đài cả tháng theo đoàn đi công tác xa nhà, đôi khi cũng gặp những sự cố sân khấu như bị té ngã trong lúc đang làm nhiệm vụ. Hay đến những nơi heo hút chưa quen thổ nhưỡng, mọi người trong đoàn được nghỉ ngơi nhưng anh em hậu đài phải tay xách, nách mang khuôn vác lỉnh kỉnh đủ các thứ đồ. Công việc này với họ từ khi mới bắt chân vào đoàn cho đến những năm tháng sau này đã trở nên vô cùng quen thuộc. Nhận phần khó về mình, đôi khi vui vẻ buông tiếng vui đùa một vài câu, những người làm công tác đứng sau sàn diễn là những con người thân thiện, tốt tính.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhung-nghe-si-luon-vang-mat-tren-san-khau-i679460/