Những ngày lửa bỏng nước sôi xuân Mậu Thân 1968

Một 'bà mẹ phong trào' cùng sinh viên, học sinh cùng làm việc tại Trung tâm cứu trợ số 04 Duy Tân, cùng chia sẻ nỗi vui buồn và nỗi lo sợ trong mùa xuân Mậu Thân 1968.

Số 04 Duy Tân sau trở thành Nhà Văn hóa Thanh niên. Ảnh: Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Tôi đến đây trong lúc số 04 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên) là trụ sở của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Và cũng nơi này là Trung tâm chính mà học sinh sinh viên tụ họp tổ chức 13 trung tâm chi nhánh khác để cứu trợ đồng bào bị chiến nạn...

Tôi là một “bà mẹ phong trào” với sinh viên - học sinh cùng làm việc, cùng chia sẻ nỗi vui buồn và nỗi lo lắng sợ công an bắt. Phần lớn các em gọi tôi bằng má, bằng cô, bằng mẹ Việt Nam! Sau này các má khác cùng đến với họ rất nhiều và cùng sát cánh với các con mình trong mọi gian nguy cam khổ suốt con đường dài đấu tranh giữa lòng địch. Trong lúc quanh thành phố tiếng bom nổ đạn rơi, giữa lòng thành phố, trước mũi bọn ác ôn, trong số 04 Duy Tân ấm áp này.

Tôi không biết nhà in nào chịu in và dám in tờ Sinh viên này, tờ báo do Nguyễn Trường Cổn làm Chủ bút.Thế là má con chúng tôi rủ nhau đi bán báo. Đoàn bán báo gồm 50 học sinh sinh viên tỏa ra khắp Sài Gòn như đàn chim sẻ. Một ngày là hết trơn báo. Đồng bào mua nườm nượp. Có một bác xích lô mua một tờ báo 100 đồng (giá thiệt là 5 đồng thôi).

Số 04 Duy Tân đã nổi tiếng và chiếm được cảm tình của đồng bào... Một hôm, có bác thợ hồ đến bảo:

- Tôi sẽ quét vôi cái nhà này nghen.

Và trụ sở số 04 Duy Tân mấy ngày sau sáng sủa sạch sẽ ra.

Một người nữa đến với chúng tôi, đó là ông chủ hãng gạch Đồng Nai. Xin gì ông cho ngay, cần gì ông giúp liền. Các em sinh viên gọi ông bằng Ba, gọi tôi bằng Má! Ôi! Nghe ngọt ngào và vui làm sao!

- Ba ơi, chiều nay tụi con cần 1.000 ổ bánh mì để giúp trung tâm Chi Lăng.

- Có liền.

- Tụi con cần giấy.

- Có liền.

- Má ơi, tụi con cần màn sân khấu để tổ chức những đêm kịch, múa hát cho đồng bào trong trung tâm giải trí.

- Để má đi xin.

Ôi! Cái gì cũng kêu má, cái cũng nhờ má xin. Và má con đều được đồng bào thành phố giúp đỡ tận tình. Tôi đã nói là ở số 04 Duy Tân này chúng tôi sống thật vui mà cũng thật sợ. Công an mật vụ ở lẫn lộn với đồng bào bị nạn. Các sinh viên ban đêm không dám ra đường, luôn luôn mặc bộ “quân sự học đường” của ngụy, tối ngủ cũng chen chúc trong đồng bào. Tôi nhớ Nguyễn Phú Hào (tức Nguyên Hạo), trong tuổi quân dịch, ngày đêm luôn mặc bộ “quân sự học đường”, đeo bảng hiệu trên ngực.

Che mắt công an bằng mọi cách như thế đó. Chúng như lũ mèo, lũ cáo, luôn rình rập “bắt nóng”, “bắt nguội” các sinh viên - học sinh tích cực. Vậy mà trong tất cả các trung tâm cứu trợ, đêm nào cũng có ca múa nhạc, hát toàn những bài từ “sử ca”, “kháng chiến ca”, “tranh đấu ca”: Nào là “Bạch Đằng Giang, nào là “Hội nghị Diên Hồng”, nào là “Bắc Sơn”, nào là “Người đợi người” vẫn vang lên khí thế như Đêm văn nghệ Quang Trung.”

Ở số 04 Duy Tân này có một cái kho chất đầy bánh mì khô, bánh mì mới, cơm khô, cá khô, dầu ăn, nước mắm, nước tương, thuốc viên đủ loại, thuốc đỏ, bông băng. Sau này tôi hiểu đó là kho lương thực của số 04 Duy Tân trong thời gian “người đợi người”... và càng về sau tôi càng phát hiện nhiều điều bí ẩn khác...Thằng cháu tôi, Trần Đình Nam, (Bảy Nam), đứt liên lạc với Thành Đoàn, thiếu giấy tờ hợp pháp, cũng tá túc tại đây, có bữa lên cơn sốt rét rừng do nhiều năm trong chiến khu, không dám vào bệnh viện, nhờ Đoàn Y tế Lưu động của bác sĩ Lưu Trọng Hậu tại số 04 Duy Tân điều trị cắt cơn sốt rét... Các bác sĩ cũng không hỏi do đâu mắc bệnh này, vì bệnh này chỉ có những người... trong rừng ra.

Cô nữ sinh Lê Văn Duyệt - Phạm Thị Thu Vân (Bảy Thủy), bạn phong trào với con trai tôi, trong lúc chiến sự ác liệt nhiều lần về đây tìm chỗ ngủ vùi, sau đó lại đi, rồi biền biệt không trở về nữa. Sau này tôi mới biết Thu Vân hy sinh vào tháng 5/1968 tại Long An khi dẫn đường cho Quân Giải phóng tiến vào nội đô.

Một hôm, má của Phạm Thị Bạch Cúc chạy hớt hơ hớt hải đến số 04 Duy Tân tìm con gái mới hay con mình bị công an “bắt nguội” và tra tấn dã man. Tôi biết má của Bạch Cúc lúc cơ khổ, ba Bạch Cúc bị ở tù, đến tìm tôi xin được gửi các con vào “Ấu Trĩ Viện Gia Đình”, nơi nuôi trẻ con nghèo khổ, mồ côi mà tôi làm cô giáo tại đó.

Tờ Sinh viên số 2 đang lên khuôn. Một hôm tôi “đi xin” về tới cổng thì một cậu học sinh đón tôi, đưa túi quần áo cho tôi và nói nhỏ như muốn khóc:

- Mấy ảnh biểu má về nhà đi, về liền đi.

Má đừng vô đây nữa. Công an nhóc ở trỏng. Anh Cổn bị bắt rồi!

Tôi không hỏi thêm, nắm lấy cái túi, qua bên kia đường kêu xích lô về Gia Định.

Sau đó, tôi nghe trong radio:

- Nguyễn Trường Cổn, chủ bút tờ Sinh viên lãnh án 5 năm khổ sai!

Lý do bị bắt vì trên tờ Sinh viên số 2 có bài thơ “Hy vọng” của Thiên Lý tức bác sĩ Lý Thiện Sanh, người gốc Huế, hiền lành nhỏ nhẹ mà làm bài thơ quá dữ dội:

... Đã mấy hôm rày tim đập mạnh

Hy vọng nghẹn lời ngợp

tiếng hát thành công

Đã mấy hôm rày không dám ngủ

Đợi người vào hẹn ước phá cùm gông

Đã mấy hôm rày thấp thỏm chờ trông

Bà con ơi hãy đứng cả lên

thành rừng thành núi...

Tôi đã sống với một thế hệ trẻ như thế trong những tháng ngày lửa bỏng nước sôi...

Hợp Phố / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ngay-lua-bong-nuoc-soi-xuan-mau-than-1968-post1395179.html