Những ngành nghề 'hot' nhất Việt Nam năm 2017?

Thị trường Việt Nam 2017 sẽ tạo ra nhiều điền kiện thuận lợi để phát triển kinh tế với một số ngành nghề sẽ mang lại thu nhập cao.

Gerrit Bouckaert, Giám đốc Quốc gia của Robert Walters Thái Lan và Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Phóng viên Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Gerrit Bouckaert, Giám đốc Quốc gia của Robert Walters Thái Lan và Việt Nam sau khi Robert Walters công bố Khảo sát Lương toàn cầu thường niên ngày 17/2.

Xin chào ông Garret Bouckaert, cám ơn ông đã dành thời gian cho Báo Tin Tức. Xin ông cho biết những ngành nghề nào sẽ "hot" nhất với thu nhập cao nhất cho nhân sự trình độ cao trong năm nay và kỳ vọng với mức lương trong năm 2017 sẽ là gì?

Nhìn vào bức tranh chung, chúng tôi thấy rằng thu nhập của ứng viên trình độ cao trong năm nay có thể thấp hơn hoặc cũng có thể cao hơn, nhưng ở khía cạnh tích cực họ có thể nâng cao thu nhập trung bình từ 10 – 25% khi chuyển việc.
Điều này còn phụ thuộc vào chúng ta đang nói đến ngành nghề nào cũng như chuyên môn của họ là gì. Những lĩnh vực sẽ mang lại thu nhập cao cho các ứng viên sẽ rơi vào công nghệ thông tin (CNTT), chuỗi cung ứng, kỹ sư.

Đây là những lĩnh vực có nhu cầu rất cao về ứng viên trình độ cao bởi đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên, điều này có nghĩa là cơ sở hạ tầng để sản xuất hàng hóa đang đổ đến Việt Nam và do đó chúng ta cần nhiều kỹ sư hơn trong khi phần cung còn thấp.

Đâu là nguyên do dẫn tới khả năng tăng thu nhập này thưa ông?

Việt Nam đang có nhiều lợi thế so với các nước khác, từ nhân khẩu học, đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng nhanh trong những năm qua với tăng trưởng GDP quanh mức 6,5% và dự báo tăng trưởng GDP 2017 của Việt Nam là 6,7%, đến lực lượng lao động trẻ, dân số trẻ, sự ổn định chính trị...

Đó là những lý do nhiều công ty quốc tế đang cân nhắc chọn Việt Nam làm một trong những địa chỉ để mở rộng kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á. Dĩ nhiên, khi các công ty này đến, họ sẽ muốn có các ứng viên với trình độ tiếng Anh tốt, từng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, có năng lực đánh giá kinh doanh tốt.

Trên thị trường hiện nay, số lượng các ứng viên như vậy không đủ nhiều, đó là lý do dẫn đến phần thu nhập có thể tăng thêm so với gói lợi ích hiện nay của ứng viên trình độ cao khi các công ty nước ngoài muốn tiếp cận họ.

Ông đánh giá tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao ở Việt Nam như thế nào và giải pháp là gì theo ông?

Chúng ta thấy Việt Nam là một thị trường đang cần nhân tài. Hiện có nhiều vị trí tuyển dụng hơn số lượng ứng viên có khả năng đáp ứng vị trí đó, hay cũng có thể nói là thông tin giữa cung và cầu chưa đạt 100%. Đó chính là nơi chúng tôi nhập cuộc với vai trò là công ty tuyển dụng, tìm kiếm các ứng viên đủ tiêu chuẩn mà các công ty không thể tự tìm kiếm.

Chúng tôi có thể làm việc với các ứng viên ở Việt Nam, nhưng nhiều khách hàng cũng cảm thấy hứng thú với nhóm người Việt đang làm việc ở nước ngoài. Tại Việt Nam, chúng tôi đang triển khai dự án “Come Home Phở Good”, hướng đến những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hay người Việt sinh sống hải ngoại, chủ yếu ở Mỹ, Singapore, Australia, Pháp để thuyết phục họ hồi hương.

Sau 10 tháng triển khai, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với 2.500 người và hiện đã có phản hồi từ 550 người, một nửa trong số đó cho biết sẽ sẵn sàng trở về với điều kiện đã có sẵn việc ở Việt Nam. Có nghĩa là họ sẽ tham gia quá trình tuyển dụng ở nước ngoài, khi có việc, họ sẽ về nước. Nhóm người này có độ tuổi trung bình từ 30 – 40 tuổi.

Đó là phần thứ nhất của câu chuyện. Thứ hai là, những người này nhận ra Việt Nam là một thị trường đang phát triển rất nhanh. Thứ ba là, họ có mong muốn cống hiến cho Việt Nam dù đang làm việc ở các thị trường phát triển.

Như ông có đề cập, dường như yêu cầu ngoại ngữ ngày một quan trọng hơn với lực lượng tìm việc làm?

Nếu chúng ta nhìn vào xếp hạng các nước sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ trong khu vực, tôi tin vị trí Việt Nam khá tốt ở vào khoảng nhóm 6 nước dẫn dầu. Các công ty có thể sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ làm việc, nhưng ngoài ra chúng ta còn có tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung. Vì vậy biết càng nhiều ngôn ngữ chắc chắn là một lợi thế khi đi tìm một vị trí tốt trong bối cảnh thế giới của chúng ta ngày càng toàn cầu hóa.

Có sự khác biệt nào trong nhu cầu nhân sự ở miền bắc và miền nam trong năm nay không thưa ông?

Tôi nghĩ cả miền nam lẫn miền bắc đều cần con người. Dù tập trung khảo sát ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đồng thời chúng tôi cũng tiến hành nhiều công việc ở Hà Nội. Theo dõi bảng lương trung bình, chúng tôi nhận thấy mức lương ở miền nam có nhỉnh hơn mức lương ở miền bắc, nhưng thị trường tuyển dụng có thể nói là tương tự nhau.

Do vậy, tôi nghĩ ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội các ứng viên đều có thể tìm được việc làm.

Xin cám ơn ông.

Vũ Anh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/viec-lam/nhung-nganh-nghe-hot-nhat-viet-nam-nam-2017-20170217115003023.htm