Những món không thể bỏ lỡ khi đến Sóc Trăng

Nét ẩm thực của Sóc Trăng được kết hợp và giao thoa giữa ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tạo ra nét riêng biệt, khó nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Dưới đây là những món ngon Sóc Trăng bạn nhất định phải thử khi đến miền Tây sông nước này.

"Phải lòng" bánh cống Sóc Trăng

Hình dáng như chiếc bánh bông lan, nhân lại giòn tan, đậm đà ăn cùng nước mắm, rau sống như bánh xèo, bánh khọt, đến với Sóc Trăng, hãy thử một lần ăn bánh cống để cảm nhận hương vị vừa lạ, vừa quen mà vô cùng hấp dẫn.

Khi chiên bánh cống, người ta sẽ cho một ít bột bánh vào khuôn, thêm nhân và cuối cùng dặm thêm một lớp bột cùng con tôm tươi

Bánh cống là một trong những món ăn truyền thống của đồng bào Khmer, nổi tiếng nhất tại tỉnh Sóc Trăng. Bánh cống có tên gọi như vậy do người chế biến dùng những cái cống có lòng sâu như một cốc nước nhỏ bằng nhôm hoặc inox với cán dài làm khuôn để đổ bột và chiên với lửa lớn.

Nguyên liệu làm bánh cống cũng khá giống bánh xèo, bánh khọt, gồm bột gạo, đậu xanh, củ sắn, tôm, thịt heo, có nơi còn cho thêm khoai môn, cà rốt, hành tím,…

Điểm đặc biệt của bột làm bánh cống là pha thêm đậu nành, được chế biến theo tỷ lệ nhất định và mỗi gia đình sẽ có những bí quyết riêng để bột đặc vừa phải, khi chiên vẫn giữ được độ giòn, xốp và không bị sượng cứng. Bột làm bánh cống ngon nhất là gạo được ngâm qua đêm, sau đó đem xay mịn. Khi chiên, người ta sẽ cho một ít bột bánh vào khuôn, thêm nhân và cuối cùng dặm thêm một lớp bột, phía trên còn có một con tôm nguyên vỏ trông vô cùng bắt mắt.

Chảo chiên bánh phải là chảo lòng sâu, bánh được chiên ngập dầu mới có độ giòn bên ngoài và nhân thơm mịn, xốp nở bên trong. Khi bánh ngả sang màu vàng, nở đều, nhân bên trong cũng vừa chín thì lấy ra để ráo dầu. Bánh ăn nóng sẽ ngon hơn để nguội.

Bánh cống là món ngon không nên bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm vùng đất Sóc Trăng

Nước mắm dùng với bánh cống được pha tương tự như ăn bánh xèo, hòa quyện giữa vị chua, ngọt, thơm nhẹ kích thích vị giác. Có thể nói, bất kỳ món bánh nào, dù là bánh cống, bánh xèo,… thì nước mắm quyết định phần lớn độ ngon. Do đó, với nước mắm ăn bánh cống, người chế biến thường chọn nước mắm ngon, pha có độ sệt nhẹ cùng tỏi, ớt, khi dùng có thể thêm một ít củ cải trắng, cà rốt bào sợi, ngâm chua.

Bánh cống là món ngon không nên bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm vùng đất Sóc Trăng. Chiếc bánh cống nhỏ xinh nhưng hội tụ đủ sắc, hương, vị. Bánh dù chiên qua dầu nhưng không ngán, càng ăn càng cuốn. Bánh cống vừa chiên vàng thơm, dọn lên ăn cùng rau sống, nước mắm chua ngọt, có khi cũng dùng kèm chút bún tươi.

Chiếc bánh cống được cắt ra nhiều phần nhỏ vừa miệng. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi, béo của đậu xanh, khoai môn, dai ngon từ tôm, thịt hòa cùng độ giòn, dẻo mịn từ bột bánh sẽ khiến thực khách "phải lòng", ăn một lần nhớ mãi. Bánh cống - món ăn giản đơn nhưng đong đầy tình cảm của những người dân Khmer.

Độc đáo bún nước lèo

Có lẽ đây là món bún đặc trưng nhất khi nhắc đến Sóc Trăng, nó là món ăn thể hiện rõ nhất sự kết hợp văn hóa giữa ba dân tộc qua các nguyên liệu. Trong tô bún bạn có thể cảm nhận được rất rõ hương vị từ mắm của dân tộc Khmer (theo đúng truyền thống là mắm bò hóc hay còn gọi prahok nhưng ngày nay người ta thường nấu bằng mắm cá sặc, mắm cá linh để phù hợp với khẩu vị người Việt hơn).

Một tô bún nước lèo đầy đủ sẽ có heo quay đến từ người Hoa, thịt cá lóc, các loại rau như: giá, rau muống đến từ người Kinh. Những tưởng những thứ đến từ các nền ẩm thực khác nhau sẽ không liên quan gì đến nhau. Nhưng món bún này đã cho chúng ta thấy điều ngược lại, các nguyên liệu kết hợp với nhau một cách hài hòa, tinh tế tạo nên một món ăn độc đáo.

Bún nước lèo Sóc Trăng (Ảnh: Internet)

Khi đến Sóc Trăng bạn có thể dễ dàng tìm kiếm bún nước lèo ở khắp mọi nơi, từ các hàng quán nhỏ lề đường, đến các nhà hàng đều có phục vụ món này để thực khách thưởng thức.

Địa chỉ một số quán bún nước lèo ngon:

- Bún nước lèo Cây Nhãn: 18 Võ Đình Sâm, phường 6, TP Sóc Trăng

- Bún Nước Lèo Quế Nhi: 44 Phú Lợi, Phường 2, Sóc Trăng

Bún gỏi dà: phiên bản khác của gỏi cuốn

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều quen thuộc với món gỏi cuốn, thì bún gỏi dà là một phiên bản khác của món ăn này. Vì muốn tiết kiệm thời gian người dân đã biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu của món gỏi cuốn vào tô, cho thêm nước dùng, cho ít tương xay vào trộn đều rồi thưởng thức.

Bún gỏi dà (minh họa từ internet)

Tương xay là gia vị không thể thiếu khi ăn bún gỏi dà, nó giúp món ăn của chúng ta thêm ngon miệng và bắt vị hơn.Bún gỏi dà (Ảnh: Internet)Tên gọi của món ăn này cũng độc đáo không kém cách ăn của nó khi được ghép từ hai từ "gỏi" của gỏi cuốn và "và" (một hành động dùng đũa và cơm vào miệng).

Từ "và" được đọc theo cách người Tây Nam Bộ và "dà" và thế là tên gọi "bún gỏi dà" xuất hiện và tồn tại từ xưa đến nay.

Địa chỉ một số quán bún gỏi dà ngon:

- Bún gỏi dà Cô Hằng: 13 Nguyễn Văn Hữu, phường 1, TP Sóc Trăng

- Bún gỏi dà Phạm Ngũ Lão: 23 Phạm Ngũ Lão, phường 1, TP Sóc Trăng

Bánh pía: đặc sản nổi bật của Sóc Trăng

Bánh pía được xem là món đặc sản nổi bật nhất của Sóc Trăng. Lớp vỏ bên ngoài của nó khá mỏng, mềm dẻo để dễ bao bọc lấy phần nhân bên trong. Phần nhân bùi béo được tạo nên từ đậu xanh và trứng. Tất cả các nguyên liệu hòa quyện tạo nên hương vị đặc trưng của bánh pía mà không loại bánh nào có được. Mặc dù rất nhiều tỉnh miền Tây có loại bánh này nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Sóc Trăng. Hơn 10 thương hiệu bánh pía nổi tiếng đều tập trung ở Sóc Trăng như Tân Huê Viên, Long Hưng, Tân Phúc Thịnh....

Bánh pía cũng được rất nhiều người lựa chọn làm quà vì sự đặc biệt và tiện lợi của nó. Ngoài ra bánh pía Sóc Trăng còn được xuất khẩu sang rất nhiều nước như: Mỹ, Úc, Hồng Kông, Campuchia…

Địa chỉ một số thương hiệu bánh pía ngon:

- Tân Phúc Thịnh: 31 Văn Ngọc Chính, P3, TP Sóc Trăng (đường vào chùa Dơi)

Tân Huê Viên: 153 Quốc lộ 1A, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

NS (th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/mon-ngon/nhung-mon-khong-the-bo-lo-khi-den-soc-trang-20230922113605701.htm