Những lựa chọn đầu tư chuẩn xác

Tại ASIAD 19, cùng với thể thao Hà Nội, thể thao CAND đã có kỳ ASIAD thành công khi có VĐV (môn cầu mây và karate) đóng góp vào việc giành 2 Huy chương vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Phía sau 2 tấm HCV ấy là tầm nhìn và sự đầu tư của đơn vị từ nhiều năm nay. Để rồi cuối cùng cho quả ngọt là 2 tấm HCV ASIAD đầy danh giá.

Chọn điểm đột phá

Tại ASIAD 19, so với nhiều tỉnh, thành, ngành khác, thể thao CAND không có quá nhiều VĐV trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam. Tổng cộng, thể thao CAND có 9 tuyển thủ dự ASIAD 19, trong đó có 4 cầu thủ đội bóng đá U23 nam, 1 tuyển thủ karate, 2 tuyển thủ bắn súng, 1 tuyển thủ cầu mây, 1 tuyển thủ bóng bàn. Dù số lượng VĐV không nhiều nhưng những người làm thể thao CAND vẫn hướng đến mục tiêu đóng góp 1-3 huy chương, trong đó có 1 HCV, tại ASIAD 19.

VĐV Nguyễn Ngọc Trâm (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội tại đội Kata nữ (môn karate) đăng quang ở ASIAD 19.

Chỉ tiêu là vậy, tưởng như quá sức nhưng nhìn vào tổng thể, người trong nghề từng nhận định các tuyển thủ của thể thao CAND có thể đóng góp tối đa vào việc giành 2 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở các môn karate và cầu mây. Ở môn karate, vốn là thế mạnh của thể thao CAND từ nhiều năm nay, nội dung đồng đội nữ biểu diễn quyền (Kata) với sự góp mặt của các VĐV Hà Nội và Công an nhân dân từ lâu nay đã được đầu tư cho mục tiêu giành HCV ASIAD.

Theo năm tháng, trình độ của đội dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hoàng Ngân phát triển ổn định và dần đạt tới đẳng cấp hàng đầu châu lục. Trong số này, võ sĩ của thể thao CAND là Nguyễn Ngọc Trâm đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội khi đứng trong đội hình chính của đội Kata nữ để rồi có một vị trí ổn định bên cạnh 2 VĐV của Hà Nội là Nguyễn Thị Phương, Lưu Thị Thu Uyên. Khi nhìn sự tiến bộ đều đặn của đội rồi dần chiếm vị trí trong nhóm đầu châu lục thì những người có trách nhiệm cũng có niềm tin về một tấm HCV tại ASIAD 19.

Trong khi đó, ở đội cầu mây nội dung đồng đội nữ 4 người, VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền của thể thao CAND cũng đã có nhiều năm “ăn cơm tuyển”. Cầu mây cũng là môn được thể thao CAND đầu tư từ nhiều năm nay khi các nhà quản lý nhìn thấy nhiều cơ hội tranh chấp huy chương quốc tế. Cách đây vài năm, đội nữ cầu mây Việt Nam còn ít cơ hội tranh chấp ngôi vô đich ở sân chơi châu lục khi dàn VĐV còn non về kinh nghiệm.

Đội không ít lần “vấp”, ngay cả ở sân chơi SEA Games. Tuy nhiên, khi đội nữ 4 người Việt Nam giành HCV ở Giải vô địch cầu mây châu Á năm 2023, đã có nhiều cơ sở để tin rằng đội sẽ có thể lên ngôi vô địch ở ASIAD 19. Trong số này, VĐV Nguyễn Thị Ngọc Huyền cũng là VĐV chủ lực ở đội nữ 4 người. Đó cũng là lý do để những người làm thể thao CAND tin rằng có thể tiếp tục có VĐV đóng góp HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD.

Cách đây 5 năm, ở ASIAD 18, thể thao CAND cũng lần đầu có VĐV giành HCV ở đấu trường ASIAD là Nguyễn Văn Trí (pencak silat). Nhưng đến kỳ ASIAD 19, môn pencak silat không có trong chương trình thi đấu. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 5 năm từ ASIAD 18 đến ASIAD 19, các đội tuyển karate, cầu mây (có sự góp mặt của VĐV CAND) kịp tìm thấy cơ hội tranh chấp HCV tại ASIAD 19. Không kể, thể thao CAND cũng tập trung đầu tư cho đội bắn súng và cũng nhờ vậy mới có tấm vé dự Olympic 2024 của xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Thế nên, ngay trước ASIAD 19, 3 môn bắn súng, karate, cầu mây (bên cạnh cờ tướng) được xem như “điểm tựa” giành HCV ASIAD cho thể thao Việt Nam nói chung, thể thao CAND nói riêng. Cuối cùng đúng như dự báo của người trong nghề, các đội tuyển bắn súng, karate, cầu mây đều mang về HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam, trong đó VĐV CAND góp mặt ở 2 đội giành HCV ASIAD 19. Nếu có thống kê cụ thể, rõ ràng VĐV CAND giành tỷ lệ cao nhất về số VĐV góp mặt trên số HCV giành được ở ASIAD 19.

Và đương nhiên, đó là thành tích đầy tự hào của tất cả những người làm thể thao thành tích cao CAND.

Giữ vững thành quả

Năm 2018 có VĐV giành HCV cá nhân tại ASIAD 18. Đến năm 2023, có VĐV giành tới 2 HCV nội dung đồng đội ở ASIAD 19. Dù là HCV cá nhân hay đồng đội thì tấm HCV ASIAD vẫn luôn danh giá, không phải bàn cãi và sẽ luôn là niềm tự hào của những người làm thể thao CAND. Giờ đây, câu chuyện không phải là tận hưởng chiến thắng mà sẽ là làm thế nào để có thể duy trì được đà đóng góp cho thể thao Việt Nam tại các sân chơi quốc tế, đặc biệt là ASIAD hay Olympic.

Thực tế, làm thể thao thành tích cao bằng nguồn kinh phí từ ngân sách chưa bao giờ dễ dàng. Cũng vì vậy, từ lâu nay, với nguồn kinh phí có hạn, thể thao CAND luôn phải “liệu cơm gắp mắm” để đầu tư cho những môn thể thao thực sự phù hợp với đặc thù của ngành hoặc chắc chắn có cơ hội giành huy chương quốc tế. Cho nên những môn võ, vật, bắn súng vẫn luôn là ưu tiên trong định hướng đầu tư của thể thao CAND.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao CAND kể rằng, cái khó nhất là giữ được thành tích. Ngay từ lúc này, những người làm thể thao CAND đã phải tính tới bài toán giành huy chương ở ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật Bản và gần hơn là làm cách nào để góp phần giúp xạ thủ CAND Trịnh Thu Vinh có thể thi đấu tốt ở Olympic 2024.

Nếu như Trịnh Thu Vinh thi đấu ở nội dung cá nhân thì các VĐV CAND giành HCV tại ASIAD 19 đều ở nội dung đồng đội, phụ thuộc vào những đồng đội thi đấu cùng. Thế để thấy hết cái khó trong việc thực hiện tiếp mục tiêu bảo vệ tấm HCV ASIAD tại ASIAD 20 diễn ra sau đây gần 3 năm.

Nhưng dù thế nào thì những người có trách nhiệm với thể thao CAND vẫn phải đầu tư tối đa cho VĐV của mình, kể cả khi VĐV đã hưởng chế độ ăn, tập trên đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, còn là việc tìm thêm những nhân tố mới, đầu tư cho các VĐV trẻ để họ có thể được gọi vào đội tuyển quốc gia và mở thêm nhiều cơ hội đóng góp huy chương cho thể thao Việt Nam. Và đó cũng là cách để khẳng định vị thế của thể thao CAND.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/nhung-lua-chon-dau-tu-chuan-xac-i710041/