Những 'lời ru buồn' trên rẻo cao

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm đi đáng kể. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó hình ảnh 'bà mẹ trẻ con' vô tư hồn nhiên, cùng những 'lời ru buồn' trên rẻo cao…

Tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Những “lời ru buồn”

Theo chân một cán bộ Phòng Dân tộc huyện A Lưới, chúng tôi đến gặp một cặp tảo hôn mới làm đám cưới đầu năm nay, đó là T.X.N. (dân tộc Pa Cô, sinh năm 2004, ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới) và N.T.H.M. (dân tộc Vân Kiều, sinh năm 2007, ở huyện Phong Điền).

Theo lời kể của N., em bỏ học từ năm lớp 9, ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc gia đình, chăm sóc em nhỏ. Tình cờ quen H.M. khi đến thăm một người bà con ở huyện Phong Điền. H.M là họ hàng xa của N. Hai người quen biết nhau, qua một thời gian tìm hiểu, yêu nhau và quyết định về chung nhà.

Hiện tại, N. chỉ mới 19 tuổi và chưa có công việc ổn định. H.M còn là trẻ vị thành niên, chưa thể tự lo cho cuộc sống, vẫn còn phụ thuộc vào bố mẹ. H.M tâm sự: “Từ ngày lấy chồng đến nay, vợ chồng em vẫn chưa ổn định cuộc sống. Chồng thì ai kêu gì làm nấy. Mấy tháng trước có người thuê đi làm rừng tràm, rừng keo, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng, nhưng tùy theo thời vụ, không phải lúc nào cũng có. Còn bình thường chỉ quanh quẩn ở nhà, làm việc nhà giúp bố mẹ”.

Ông H.X.V, bố N. chia sẻ: “Chúng tôi cũng có dặn dò, nhắc nhở con nhưng chúng nó bảo yêu nhau quá, gia đình không cấm cản được nên đành làm đám cưới cho chúng nó. Bây giờ cưới nhau về, tôi vẫn khuyên con cố gắng kiếm công việc làm thêm để có ít đồng lo cho gia đình”.

Thăm một cặp hôn nhân cận huyết thống tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, đó là A.V.V.H. (người Cơ Tu, sinh năm 1996, tại thôn Chi Hòa), vợ là H.T.L. (người Tà Ôi, sinh năm 1998, trú tại thôn A Tin). Cưới nhau từ năm 2020, H. và L. có với nhau một người con trai tên H.V.M.K. Tuy nhiên, vì không thể đăng ký kết hôn do hôn nhân cận huyết thống (H. và L. có mối quan hệ con cô cậu ruột) nên người con trai của cặp đôi này phải mang họ mẹ. Vì là hôn nhân cận huyết thống, nên khi sinh K., cháu có vẻ không được bình thường.

L. tâm sự, chị tốt nghiệp đại học, dù biết rằng hôn nhân cận huyết sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nhưng vì đã lỡ yêu nên vẫn tiếp tục tiến đến kết hôn. Giờ đây, gia cảnh khá khó khăn, chồng là lao động chính trong nhà, một mình chồng vất vả làm ăn để lo cho hai mẹ con.

Điều đáng mừng là năm 2022, có một cặp đôi suýt kết hôn cận huyết ở thôn Chi Lanh – A Ro, xã Lâm Đớt, nhưng xã đã nắm thông tin và can thiệp kịp thời. Sau đó không lâu, cặp đôi này quyết định đường ai nấy đi.

Kịp thời chấn chỉnh

Ông Hồ Viết Ái, Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới cho biết, năm 2022 có 22 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Từ đầu năm 2023 đến nay có 8 trường hợp tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống không xảy ra. Năm 2023, tảo hôn giảm 8 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chẳng hạn như: Ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số; có thai là phải cưới; sự hiểu biết và nhận thức về quy định của pháp luật và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong người dân còn hạn chế; đặc biệt là sự ảnh hưởng của mạng xã hội, internet…

“Cùng với việc tuyên truyền, vận động các gia đình có con em vi phạm về cách chăm sóc phụ nữ có thai nhưng chưa đến tuổi kết hôn, giải thích thuyết phục các trường hợp có thai không nhất thiết phải cưới hỏi... , những trường hợp không chấp hành thì buộc phải xử phạt hành chính để răn đe, giáo dục. Những trường hợp này cũng sẽ không được đề xuất tặng quà hàng năm và ít nhất trong 5 năm không được xem xét thứ tự ưu tiên”, ông Ái cho hay.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nhung-loi-ru-buon-tren-reo-cao-130720.html