Những kỷ vật và ký ức không quên

Tháng Bảy về, luôn để lại cho chúng ta những bâng khuâng, xúc động tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh, ký ức về các anh vẫn luôn sống mãi trong các thế hệ hôm nay.

Trung tá Phạm Thị Kim Thúy – nhân viên tuyên truyền trưng bày, Bảo tàng Quân khu II giới thiệu về chiếc xe đạp thồ của đồng chí Ma Văn Thắng.

Bảo tàng Quân khu II những ngày tháng Bảy đón nhiều đoàn khách đến thăm quan. Nơi đây hiện đang lưu giữ hơn một nghìn tư liệu hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành qua các thời kỳ của lực lượng vũ trang Quân khu II. Những hình ảnh, hiện vật ở đây được trưng bày theo chín chủ đề: Khánh tiết; nền văn hóa và truyền thống đánh giặc của quân và dân Tây Bắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Mỹ, trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; lực lượng vũ trang Quân khu trong giai đoạn đổi mới; trong quan hệ quốc tế; với biển đảo quê hương đã đem đến cho người xem hiểu rõ hơn về cuộc sống của người lính nơi chiến trường, những khó khăn, gian khổ, sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh, mất mát, khát vọng của tuổi trẻ đầy tươi sáng và giàu lý tưởng sống cao đẹp.

Chiếc mũ cối của liệt sỹ Bùi Đức Hưng.

Dẫn chúng tôi đi thăm các khu trưng bày, Trung tá Phạm Thị Kim Thúy – nhân viên tuyên truyền trưng bày, Bảo tàng Quân khu II nghẹn ngào khi giới thiệu về chiếc mũ cối của liệt sỹ Bùi Đức Hưng sinh năm 1939 ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, nhập ngũ tháng 5/1967 thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 1 – người chiến sĩ Đất Tổ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh khốc liệt ở quận lỵ Đức Lập, căn cứ Đắc Sắc, tỉnh Quảng Đức (nay thuộc tỉnh Đắc Lắk).

Đầu tháng 8/1968, đơn vị đồng chí được lệnh tiến công quận lỵ Đức Lập, căn cứ Đắc Sắc thuộc tỉnh Quảng Đức (nay thuộc tỉnh Đắc Lắk). Quận lỵ Đức Lập nằm sát ngã ba Quốc lộ 14 và Quốc lộ 20, cách thành phố Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh hiện nay) gần 300km theo Quốc lộ 14. Sau gần 10 ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, đơn vị đồng chí Bùi Đức Hưng loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, trong đó có 15 cố vấn Mỹ. Cùng với đó, đơn vị tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 20 đại đội, 18 trung đội địch; bắn rơi 14 máy bay (6 phản lực, 8 trực thăng); thu 31 súng các loại, một PRC25, 5 máy thu thanh cùng một số quân trang, quân dụng… Tuy nhiên, về phía ta cũng chịu nhiều tổn thất, trong đó có sự hy sinh của Bùi Đức Hưng.

Bảo tàng Quân khu II hiện đang lưu giữ hơn một nghìn tư liệu hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành qua các thời kỳ của lực lượng vũ trang Quân khu II.

Đồng chí Bùi Đức Hưng hy sinh trong hoàn cảnh khốc liệt, không cân sức giữa ta và địch. Sau trận chiến đấu, người trực tiếp đấu súng với đồng chí Bùi Đức Hưng là trung sĩ Mỹ John Wast đã để ý đến một chiếc mũ cối nằm trên đất, trong vành mũ một bên khắc chữ Bùi Đức Hưng và cây cọ, một bên là con chim bồ câu xòe rộng đôi cánh. Ngay sau đó, John Wast quyết định mang chiếc mũ cối của người lính Việt Nam về Mỹ, gìn giữ như một kỷ vật trong chiến tranh. 46 năm sau, người cựu binh Mỹ sang Việt Nam, tìm về quê hương của liệt sỹ Bùi Đức Hưng để trao lại chiếc mũ cối cho gia đình. Ngày 6/1/2020, chiếc mũ cối đã được ông Bùi Đức Dực – cháu họ liệt sỹ Bùi Đức Hưng trao tặng cho Bảo tàng Quân khu II làm hiện vật truyền thống.

Cùng với chiếc mũ cối, hiện nay Bảo tàng Quân khu II còn trưng bày nhiều hiện vật giá trị khác. Trong đó có chiếc xe đạp thồ của đồng chí Ma Văn Thắng – dân công Phú Thọ đã lập kỷ lục vận tải trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ khi chở 370kg gạo trên một chuyến xe.

Vào tháng 11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và triển khai xây dựng biến nơi đây thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Về phía ta, Bác Hồ và Trung ương đã chỉ thị “Đây là một chiến dịch quan trọng có ý nghĩa trong nước cũng như quốc tế và phải huy động lực lượng toàn quân, toàn dân quyết thắng trong trận quyết chiến chiến lược này”. Để đảm bảo nhu cầu các mặt phục vụ cho chiến dịch, Phú Thọ đã huy động hàng vạn dân công và hàng ngàn phương diện các loại để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ từ sửa đường, cầu, chuyên chở bộ đội đến hàng hóa, vũ khí, đạn dược ra chiến trường.

Trong chiến dịch lịch sử này, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã huy động 73 ngàn dân công, ủng hộ 4.789 con trâu bò, trên 500 tấn thịt lợn, hơn 500 tấn gạo, đỗ, lạc… ngoài ra còn sử dụng hàng ngàn phương tiện như thuyền, mảng, xe đạp để chuyên chở hàng cho mặt trận. Trong đoàn vận tải bằng xe đạp của Phú Thọ có đồng chí Ma Văn Thắng đã đưa mức vận tải lên tới 370kg trên một chuyến đi, vượt mức thồ trung bình 70kg, tạo nên kỷ lục vận tải trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với những đóng góp đó, tỉnh Phú Thọ được nhận Cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tặng nhiều huân chương, bằng khen các loại… Chiếc xe đạp thồ của đồng chí Ma Văn Thắng cũng được bảo tồn, gìn giữ cẩn thận tại Bảo tàng Quân khu II.

Đồng chí Thượng tá Phạm Việt Tiệp – Giám đốc Bảo tàng Quân khu II cho biết: Trong suốt hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng vũ trang Quân khu II nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đã đóng góp nhiều chiến công đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi hình ảnh, hiện vật ở bảo tàng đều gắn liền với những câu chuyện khác nhau. Những câu chuyện ấy như nhắc nhớ mỗi chúng ta về những năm tháng chiến tranh bi thương và cũng rất hào hùng, với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.

Phát huy truyền thống, với tinh thần trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng, các cán bộ chiến sỹ đang đóng quân trên địa bàn luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, cùng chung tay gìn giữ, phát huy và tô thắm thêm những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nhung-ky-vat-va-ky-uc-khong-quen/185622.htm