'Những ký ức không thể quên': Mừng Đại thắng năm 1975 (Kỳ 16)

Cứ đến ngày 30/4-1/5 kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi lại bồi hồi nhớ tới chuyến chuyển máy bay MiG 21 của 13 Phi công chiến đấu thuộc Phi Đội 3 Trung đoàn không quân (KQ) 927 từ sân bay KÉP vào sân bay Biên Hòa. Câu chuyện xẩy ra cách đây đã 47 năm, ngày 13/5/1975.

Theo lệnh của Bộ Chỉ huy Quân chủng Phòng Không –Không quân, Trung đoàn 927 sẽ chuyển một bộ phận lớn vào tiếp quản sân bay Biên Hòa và thành lập Trung đoàn mới ở phía nam trên nòng cốt của bộ phận này. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Quân chủng, Bộ Tư lệnh Không quân đã cử 2 tổ lập sở chỉ huy tiền phương vào sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Sở chỉ huy ở Đã Nẵng do Thiếu tá Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyên Trung đoàn trưởng chỉ huy. Sở chỉ huy Biên Hòa do Trung tá Nguyễn Hồng Nhị là Trung đoàn trưởng đầu tiên của e 927 chỉ huy. Lực lượng còn lại của Trung đoàn ở sân bay kép do Thiếu tá Mai Cương Quyền, Trung đoàn trưởng chỉ huy.

Tiếp theo đó, các bộ phận của cơ quan Trung đoàn như: bộ phận kỹ thuật, gồm cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật viên (thợ máy) cùng các thiết bị vật tư kỹ thuật để bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. Bộ phận hậu cần phục vụ bay cũng được chuyển vào Đà Nẵng và Biên Hòa để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cho các máy bay sẵn sảng chiến đấu. Mọi công tác chuẩn bị xong trước ngày 10 tháng 5 năm 1975.

Trung đoàn KQ 927 tiếp tục cứ 1 đoàn công tác lên đường vào Biên Hòa -Sài gòn. Đoàn gồm 6 Phi công: anh Nguyễn văn Nghĩa làm trưởng đoàn cùng các anh Lê văn Kiền, Trần Thông Hào, Nguyễn thanh Quý, Hán Vĩnh Tưởng, Đinh Văn Bồng đi vào khảo sát sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đưa máy bay Mig 21 của ta từ Bắc vào. Ngày 11/5/1975 đoàn đi trên máy bay Li 2 vào sân bay Đà Nẵng, chiều tối có mặt tại sân bay Phù Cát. Sáng 12 /5 đúng 9 giờ, đoàn có mặt tại sân bay Biên Hòa, phối hợp với đoàn của anh Nguyễn Hồng Nhị. Anh em chúng tôi đã khẩn trương tiến hành khảo sát đường băng, đường lăn, sân đỗ máy bay và các yếu tố liên quan đến việc tiếp thu máy bay. Phải thú thực lần đầu tiên nhìn thấy sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, tôi thấy hoành tráng, có hẳn hai đường băng cất hạ cánh và hai đường lăn riêng biệt vừa dài vừa rộng. Hệ thống sân đỗ và các ụ chứa máy bay rất kiên cố và hiện đại. Tất cả các sân bay ở Miền Bắc thời điểm đó không có sân bay nào so sánh được. Tuy nhiên, vào thời điểm này ở tất cả các sân bay quân sự ở phía Nam, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống radar dẫn đường đều bị phá hủy hoàn toàn. Hệ thống Sở chỉ huy điều hành bay cũng nằm trong tình trạng đó. Bộ phận Sở chỉ huy tiền phương của ta lúc bấy giờ ở Đã Nẵng, Biên Hòa tổ chức liên lạc với máy bay ta chủ yếu bằng máy bộ đàm mang từ miền Bắc vào. Vì thế nên cự ly liên lạc chỉ với khoảng cách rất hạn chế. Do đó số Phi công tham gia bay để di chuyển máy bay phải xây dựng cho mình quyết tâm rất cao, phải bản lĩnh, phải tự chuẩn bị từ việc tính toán cẩn thận đường bay của mình vì không có radar, đài dẫn đường bổ trợ cho mình trong quá trình bay. Chúng tôi phải dùng các địa điểm trên mặt đất như các ngã ba của các cửa sông lớn, bờ biển, các đảo lớn làm vật chuẩn trong hành trình bay dài gần 1500km để bay chuyển máy bay. Nếu thời tiết và tầm nhìn tốt thì đó là một điều may mắn cho anh em. Còn nếu thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, nhiều mây phủ dầy đặc thì việc tìm đến sân bay quả là gian nan, phức tạp, như người mù dò đường đi. Đây là sân bay hoàn toàn mới đối với chúng tôi.

Xong nhiệm vụ ở sân bay Biên Hòa, đoàn công tác lên đường vào Sài Gòn tiếp tục khảo sát sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở đây, chiều ngày 12 tháng 5 đoàn trở lại miền Bắc trên máy bay IL 18 mang số hiệu 118. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Sau đó xe tải của Trung đoàn đón chúng tôi về sân bay Kép lúc 22 giờ ngày 12 tháng 5 năm 1975. Khi đi ô tô tải về đơn vị, đường đi thì xóc nên cũng oải, rồi họp luôn vào lúc 23 giờ để Chỉ huy Trung đoàn 927 giao nhiệm vụ cho anh em phi công chuyển máy bay Mig 21 và chuẩn bị vào sân bay Biên Hòa lúc này đã 12 giờ đêm

Do đặc điểm tính chất của nhiệm vụ, với những khó khăn như tôi nói ở trên, Phi công phải xác định tâm lý là tự đi, tự đến, tìm sân bay và hạ cánh. Tổng số có 13 máy bay phải chuyển đến sân bay mới. Ban Chỉ huy Trung đoàn phải chọn lựa các Phi công có trình độ kỹ thuật bay tốt, có kinh nghiệm xử lý các tình huống và đã từng trải qua huấn luyện và chiến đấu. Trung đoàn đã bố trí sắp xếp thành 5 Biên đội 2 chiếc và 1 Biên đội 3 chiếc. Cụ thể như sau: Biên đội 1: Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Hùng Thông; Biên đội 2: Lê văn Kiền, Lê văn Lập; Biên đội 3: Nguyễn thông Hào, Nguyễn Mạnh Hải; Biên đội 4: Nguyễn Thanh Quý, Dương Đình Nghi; Biên đội 5: Hán Vĩnh Tưởng, Trần Tuấn Việt; Biên đội 6: Đình Văn Bổng, Vũ Quốc Bảo, Nguyễn văn Nhượng.

Trong số các phi công tham gia chuyến chuyển máy bay lịch sử này ngay sau giải phóng miền Nam, Đoàn bay 358 có 4 phi công là các anh Lê Văn Kiền, Nguyễn Hùng Thông, Lê Văn Lập, Dương Đinh Nghi.

Mọi công tác đã chuẩn bị xong trước 12 giờ đêm ngày 12 tháng 5 năm 1975. Tức là sau 2 giờ kể từ lúc chúng tôi hạ cánh tại sân bay Gia Lâm trên chuyến bay IL 18 từ sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy thời gian rất ngắn, nhưng anh em phi công chuẩn bị rất kỹ càng và tỷ mỷ, tập trung vào xử lý bất trắc, nghiên cứu địa hình vật chuẩn trong quá trình bay và công tác SSCĐ. Nói chung, anh em chúng tôi rất quyết tâm với khí thế sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Tuy rất mệt, nhưng ai cũng phấn khởi và tự hào khi Trung đoàn giao nhiệm vụ khó khăn này.

Sau khi họp giao nhiệm vụ xong, chúng tôi được về nghỉ để chuẩn bị sáng mai sẽ bay sớm. Tôi cho hết các đồ đạc cá nhân, quần áo không dùng tới vào trong hòm quân trang để anh em trong đơn vị chuyển vào sau, chỉ mang theo một bộ đồ lót và một bộ quân phục. Tất cả anh em phi công đều như vậy. Đặt lưng xuống giường, lúc này đã gần 1 giờ sáng ngày 13 tháng 5 năm 1975, tôi muốn ngủ thiếp đi để giữ sức khỏe, nhưng vẫn thao thức nghĩ tới ngày mai không hiểu có được gập mặt bạn gái không. Tôi và em quen nhau đã được gần hai năm khi em mới nhập ngũ về đơn vị phục vụ nấu ăn cho bếp phi công. Với khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương, đôi mắt lúc nào cũng mở to trong trẻo của một cô học sinh. Trông em toát lên vẻ hiền lành, dịu dàng, gần gũi dễ thương. Lần đầu tiên khi nhìn thấy em trong bếp ăn, tôi cứ thỉnh thoảng lại nhìn em, không dám nhìn lâu, sợ anh em nhìn thấy. Hình như em cũng linh cảm một điều gì đó trong ánh mắt của tôi. Cứ mỗi khi tôi nhìn thấy em, em lại vội vàng quay mặt đi, đôi má ửng đỏ.

Dần dà, anh em phi công hình như biết tôi có tình cảm với em, nên họ cũng vun vào và có khi trong câu nói vui, họ cũng gán ghép tôi với em. Dần dà, chúng tôi cũng nói chuyện với nhau khi có dịp trong bếp ăn. Rồi một lần, tôi mạnh dạn nói em là bạn của tôi nhé. Tôi vừa nói xong thì má em bừng đỏ lên, không nói gì, chỉ khẽ gật đầu. Sau hôm đó, tôi mạnh dạn báo cáo với lãnh đạo đơn vị để chính thức hóa mối quan hệ này.

Sáng mai bay sớm rồi, không hiểu có gặp được em không, rồi tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm đến nhà ăn, tâm trạng hồi hộp, quả thực tim cũng đập nhanh, không hiểu có gập được em không. Đến nơi, đã thấy em đứng ở cửa, tôi khẽ nói với em: “hôm nay anh phải thực hiện nhiệm vụ bay chuyển máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh có lẽ thời gian xa nhau hơi lâu”, em chỉ nhìn tôi không nói gì cả, tôi nắm tay em, thấy tay em run lên, cảm giác ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, mặc dù đã ở tuổi 75 rồi. Thấm thoát chỉ đứng nhìn nhau, nói được dăm ba câu đã hết thời gian ăn sáng. Anh em đã lục tục đứng dậy, chuẩn bị ra sân bay cất cánh về Nội Bài để đổ thêm xăng vào thùng dầu phụ. Tôi vội ăn qua quýt quả trứng, mẩu bánh mỳ, bụng vẫn lép kẹp cùng anh em ra sân bay.

Lịch trình chuyển máy bay sang sân bay mới chia làm 3 giai đoạn

Giai đoạn 1: Máy bay cất cánh từ sân bay Kép về sân bay Đa Phúc hạ cánh để nạp đầy dầu máy bay và 3 thùng dầu phụ, vì ở sân bay kép, đường băng cất hạ cánh không đủ độ dài cho máy bay mang 3 thùng dầu phụ chứa đầy dầu cất cánh

Giai đoạn 2: Cất cánh từ sân bay Đa Phúc bay vào sân bay Đà Nẵng hạ cánh

Giai đoạn 3: Cất cánh từ sân bay Đà Nẵng bay vào sân bay Biên Hòa hạ cánh

Đúng theo kế hoạch từ 8h30’ đến 9h ngày 13 tháng 5 năm 1975 tất cả các máy bay lần lượt cất cánh rời sân bay Kép và hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc nạp dầu. Sau khi kiể̉m tra xong, đúng 12 giờ, lần lượt các biên đội cất cánh với giãn cách giữa các biên đội là 1 phút 30 giây bay vào sân bay Đà Nẵng, theo đội hình đã được bố tri.

Hôm đó thời tiết từ miền Bắc vào Đà Nẵng trời tốt. Tuy có mây, nhưng bay ở độ cao 8000 m, chúng tôi vẫn nhìn rất tốt vật chuẩn làm mục tiêu trên mặt đất, địa hình ven biển theo đường bay đã chuẩn bị. Chúng tôi qua máy bộ đàm vẫn giữ liên lạc tốt giữa các biên đội với nhau. Khi khoảng cách còn 35 - 40 km, theo tính toán, tôi đã phát hiện được bán đảo Sơn Trà và khu vực sân bay Đà Nẵng. Khi nhìn thấy các mục tiêu chuẩn nói trên, tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm đưa máy bay vào vòng bay hạ cánh. Lúc này chúng tôi đã liên lạc được với sở chỉ huy qua máy bộ đàm.

Sau 1 giờ 15 phút kể từ lúc cất cánh tại sân bay Đa Phúc đúng 13h15’, chiếc máy bay đầu tiên của anh Nghĩa đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Biên đội tôi cũng tiếp tục thực hiện các động tác hạ cánh theo biên đội của anh Nghĩa. Sau đó các máy bay lần lượt hạ cánh an toàn xuống sân bay. Như vậy giai đoạn thứ hai chúng tôi đã hoàn thành tốt.

Theo kế hoạch, 15 giờ cùng ngày, tất cả các máy bay tiếp tục cất cánh vào sân bay Biên Hòa. Nhưng do thời tiết trong đó rất xấu nên kế hoạch phải tạm dừng. Bảy giờ sáng ngày 14 tháng 5 năm 1975, Phi đội tiếp tục chuẩn bị và cất cánh lúc 9h15’. Đúng 10h30’, chiếc máy bay đầu tiên của anh Nghĩa điều khiển ha cánh xuống sân bay Biên Hòa, lần lượt các Biên đội tiếp theo nối nhau hạ cánh an toàn trong niềm vui của đội ngũ Phi công, cán bộ chiến sĩ có mặt tại sân bay. Cuộc bay chuyển sân của Phi đội máy bay Mig21 Trung đoàn 927 đã kết thúc thắng lợi và bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Một điều bất ngờ, cũng là niềm vinh dự đối với chúng tôi, khi toàn bộ chúng tôi ha cánh xong, có đoàn đại biểu đến gặp mặt và chào đón. Dẫn đầu Đoàn đại biểu là Thượng tướng Trần văn Trà, anh chị lãnh đạo chính quyền lâm thời tỉnh Đồng Nai, các mẹ các chị miền Nam. Tuy không có cờ hoa, nhưng với những nụ cười trìu mến, những cái bắt tay nồng ấm và những vòng ôm thân thiết của các bà các chị là nguồn động viên rất lớn đối với anh em chúng tôi. Những con người đã thực hiện chuyến chuyển máy bay lịch sử từ trước đến nay của lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam

Ngày 15 tháng 5 năm 1975 tại thành phố Hồ Chí Mình, Đảng, nhà nước và Quân đội tổ chức trọng thể lễ mừng Miền nam hoàn toàn giải phóng. Theo chỉ thị của cấp trên, lực lượng máy bay Mig 21 mặc dù mới chuyển vào sân bay mới được 1 ngày đã tham gia diễu binh mừng chiến thắng. Hai biên đội 4 chiếc gồm các Phi công Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Hùng Thông, Lê Văn Kiền, Lê Văn Lập. Bốn chiếc khác là các phi công Nguyễn thông Hào, Nguyễn Mạnh Hải, Nguyễn Thanh Quý, Dương Đình Nghi điều khiển đã bay qua Lễ đài đúng kế hoạch để ra, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mấy ngày sau, lần lượt các Biên đội tiếp tục cất cánh để biểu dương lực lượng.

Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển máy bay sang sân bay mới, một nửa số số Phi công được điều ra trung đoàn cũ ở Kép để làm nòng cốt xây dựng Trung đoàn. Số Phi công còn lại ở luôn Biên Hòa để xây dựng Trung đoàn mới

Ngày 21 tháng 5 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn không quân chiến đấu mang phiên hiệu e935 trực thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không –Không quân đóng tại sân bay Biên Hòa. Bộ Tư lệnh đã nhanh chóng điều động thêm một bộ phận cán bộ, Phi công, nhân viên kỹ thuật trong Quân chủng, chủ yếu lấy từ Trung đoàn Không quân 927 về Trung đoàn 935 nhận nhiệm vụ. Trung đoàn 935 Biên chế 2 đại đội Phi công. Đại đội 1 sử dụng máy bay Mig 21 do Phi công Nguyễn thanh Quý làm đại đội trưởng, Phi công Lê văn Kiền làm chính trị viên, Phi công Nguyễn thanh Xuân đại đội phó. Đại đội 2 sử dụng máy bay F 5 (máy bay chiến lợi phẩm ta thu được ở sân bay Biên Hòa trên 40 chiếc) do Phi công Lê Khuông làm đại đội trưởng, Phi công Đinh Văn Bổng làm chính trị viên và Đường Đình Nghi làm đại đội phó

Sau 2 năm ổn định Trung đoàn, một số anh em cán bộ chúng tôi lại được chuyển ra Bắc về Trung đoàn cũ của mình ở sân bay Kép và sau đó được đi học bồi dưỡng

Đời Phi công chiến đấu thì có rất nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có, gian nan vất vả thì cũng chẳng kém phần. Chuyện sinh tử trong các trận không chiến đối mặt với kẻ thù cũng như khỉ bay huấn luyện, bay nhiệm vụ thường xuyên xảy ra những tình huống mà mình không lường trước. Nhiều lúc ngầm nghĩ lại cũng thấy tự hào khi đã vượt qua và chiến thắng chính mình trong chiến đấu hoặc bay thử nghiệm cũng như bay huấn luyện.

Trước khi có bạn gái, có cô gái đã nói với tôi, các anh đẹp và trong sáng như bình pha lê, nhưng rơi một cái là vỡ, làm bạn với các anh, em rất thích, nhưng cứ nghĩ đến nỗi cô đơn thì em lại không vượt qua được. Lại nói về bạn gái của tôi, sau năm tháng ở Biên Hòa, tôi có dịp được ra công tác vài ngày, chúng tôi đã tổ chức lễ cưới và đến bây giờ đã sắp có thể tổ chức lễ cưới vàng hay kim cương gì đó mà các con tôi thường trêu bố mẹ. Tôi hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc khi Trời Phật đã ban cho tôi người vợ hiền thảo yêu thương tôi hết mực.

Đối với chúng tôi, những phi công thực hiện chuyến bay chuyển sân này rồi sau đó được bay diễu qua lễ đài chào mừng chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời phi công.

L.V.K.

Trái tim người lính

Đại tá, phi công Lê Văn Kiền/ Biên tập: Trần Sơn Lâm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-ky-uc-khong-the-quen-mung-dai-thang-nam-1975-ky-16-a21000.html