Những kỷ niệm về Trung tướng Phạm Hồng Cư

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, tôi đang là chiến sĩ của sư đoàn ra-đa thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, được điều về Tổng cục Chính trị làm trợ lý văn học.

Cũng thời gian đó, Cục Văn hóa tách khỏi Cục Tuyên huấn và Cục trưởng là Đại tá Phạm Hồng Cư vừa trở về sau Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến cuối năm 1978, tuy chỉ là chiến sĩ và sĩ quan trẻ nhưng tôi được làm việc nhiều với thủ trưởng Hồng Cư về công tác văn hóa-văn nghệ quân đội. Trong cảm nhận của tôi lúc đó, Đại tá Phạm Hồng Cư là hình ảnh tiêu biểu của một trí thức, tham gia quân đội từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đã trở thành một người chỉ huy, một cán bộ chính trị giàu tri thức và sự trải nghiệm sâu sắc. Rất nhiều kỷ niệm không thể quên trong công việc và cả trong đời thường với thủ trưởng Phạm Hồng Cư, tôi xin kể vài kỷ niệm thay nén tâm nhang tưởng nhớ ông.

Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ảnh: Vietnamnet.vn

Một buổi cuối năm 1975, ông gọi tôi lên giao nhiệm vụ: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam 30 năm qua có một đề tài lớn và cũng là thành tựu độc đáo là đề tài chiến tranh cách mạng (CTCM) và lực lượng vũ trang (LLVT). Quân đội với một đội ngũ nghệ sĩ-chiến sĩ ngày càng trưởng thành và phát triển đã trực tiếp góp phần làm nên thành tựu đó. Anh hãy dành thời gian nghiên cứu, tổng kết vấn đề này và báo cáo với lãnh đạo cục”. Thật đúng với mong ước từ lâu nên tôi dành 5-6 tháng đọc, nghiên cứu, suy nghĩ, trao đổi và có được đề cương chi tiết gần 70 trang. Thật bất ngờ và lo lắng khi thủ trưởng Phạm Hồng Cư yêu cầu tôi báo cáo trực tiếp kết quả đó với lãnh đạo cục. Hằng tuần, các thủ trưởng dành cho tôi một buổi. Có mặt thường xuyên trong các buổi báo cáo của tôi là Đại tá, Cục trưởng Phạm Hồng Cư và các phó cục trưởng: Đại tá, nhà thơ Chính Hữu, Đại tá Chu Tự Di và Đại tá Mai Trọng Thưởng. Các anh đã nghe và đóng góp nhiều ý kiến, có khi trao đổi, thảo luận say sưa, sôi nổi cả những vấn đề lớn vượt qua báo cáo của tôi. Kết luận đợt báo cáo đó, thủ trưởng Phạm Hồng Cư nói đại ý rằng: Tổng kết không phải là để đấy mà nhằm rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục tạo cho được các thành tựu mới về đề tài CTCM và LLVT, đề tài giải phóng và bảo vệ Tổ quốc sau chiến tranh. Đó là trách nhiệm của chúng ta!

Thấm nhuần sâu sắc chỉ đạo đó, nhiều năm sau, khi đảm nhiệm cương vị phó phòng, trưởng phòng văn nghệ, rồi Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, tôi cùng các đồng nghiệp, đồng đội tham mưu với thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng triển khai liên tục các cuộc vận động lớn, các hoạt động trọng điểm về văn hóa-văn nghệ trong quân đội có sự phối hợp chặt chẽ với văn nghệ sĩ cả nước để tiếp tục sáng tác, sản xuất, trình diễn, lưu giữ, truyền bá các tác phẩm mới về đề tài trên.

Kỷ niệm trên không phải của riêng tôi với thủ trưởng Hồng Cư mà có thể khẳng định rằng, ông là một trong những người có dự cảm sâu sắc, đặt nền móng cho sự phát triển của mảng văn học-nghệ thuật lớn, tạo nên sự độc đáo, vẻ đẹp riêng của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Dự cảm của ông thầm lặng, ít người biết đến, nhưng lại có vai trò rất lớn trong công tác sáng tạo văn hóa-văn nghệ về đề tài CTCM và LLVT.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phụ trách Cục Tuyên huấn, thủ trưởng Hồng Cư luôn nhấn mạnh vai trò của công tác tư tưởng trong xây dựng quân đội về chính trị. Ông thường xuyên nói rằng, hoạt động văn hóa-văn nghệ phải là một sức mạnh đặc biệt của công tác tư tưởng, trực tiếp xây dựng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tôi được biết, ông là người tham mưu và “nhà thiết kế” giàu kinh nghiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, phát huy tài năng của những người chiến sĩ-nghệ sĩ trong quân đội. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh việc đưa các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ đi sâu, đi xa, đi lâu đến các chiến trường khắp Bắc-Trung-Nam để “hòa mình” với cán bộ, chiến sĩ, với chiến trường, tạo cảm xúc để sáng tạo.

Năm 1978, từ Cục trưởng Cục Văn hóa (Tổng cục Chính trị), ông được điều động, đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 2. Trong thời gian đó, tôi cùng 5 nhà văn quân đội được cử lên Quân khu 2. Đoàn đến gặp ông tại Quân khu bộ đóng ở Yên Bái. Sau khi báo cáo ngắn gọn, ăn một bữa cơm với ông, ông nói: “Dũng đưa ngay các anh ấy lên mặt trận tiền phương của quân khu đóng ở Vị Xuyên (Hà Giang). Ở đó là cuộc đời thực của người lính đang chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc”. Ngay lập tức, đoàn chúng tôi lên Vị Xuyên, xin được lên chốt nhưng các đồng chí chỉ huy đơn vị không đồng ý mà bố trí cho chúng tôi gặp những chiến sĩ từ trên chốt trở về thay ca. Họ cắm chốt nhiều ngày, có người tóc dài như “cụ non”. Chúng tôi hỏi chuyện, các anh kể: “Chúng em bám vào đá để sống, để bảo vệ bằng được từng mỏm đá, dãy núi của biên cương Tổ quốc”...

Với lời khuyên chân thành, sâu sắc của mình, thủ trưởng Hồng Cư đã cho chúng tôi được gần gũi với bộ đội, thấu hiểu phẩm chất kiên cường, chịu đựng đến tận cùng mọi gian khổ, hy sinh mà họ vẫn rất lạc quan. Những đồng đội của chúng tôi xuống chốt, tắm rửa, cắt tóc, cạo râu và lại chuẩn bị cho đợt lên chốt mới. Sau chuyến đi ấy, những bài viết kịp thời của các nhà văn, nhà thơ, như: Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Hoa... ra đời, đậm sâu chất lính bảo vệ biên cương.

Xin chân thành cảm ơn Trung tướng Phạm Hồng Cư, người trí thức cách mạng, người chỉ huy, lãnh đạo giàu kinh nghiệm và từng trải trong hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội và cao hơn cả, đó là một tấm gương Bộ đội Cụ Hồ trọn vẹn trong cả cuộc đời mình.

Đại tá, GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG - Nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nhung-ky-niem-ve-trung-tuong-pham-hong-cu-651172