Những kỹ năng tuyệt đối không dạy cho trẻ trước tuổi

Nhiều bậc phụ huynh thường lầm tưởng, càng cho con học những kỹ năng tập đi, đi toilet, học đàn, vẽ ...càng sớm càng tốt. Thế nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm.

Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái trưởng thành và phát triển tối ưu. Tuy nhiên, trẻ cần có quá trình thích ứng theo đúng quy luật tự nhiên, nếu nôn nóng tập cho trẻ những kỹ năng sống quá sớm so với thời kỳ phát triển có thể sẽ lợi bất cập hại.

Tập đi: Độ tuổi thích hợp với trẻ là khoảng 1 tuổi

Nếu cho trẻ tập đi sớm hơn độ tuổi này sẽ gây nguy hại đến một số vấn đề sau:

- Ảnh hưởng đến sự phát triển hình thể của trẻ: Các chất keo trong xương khớp của trẻ khá nhiều, trong khi thành phần Canxi lại ít, vì vậy xương của trẻ còn rất mềm và non yếu, tổ chức cơ ở chi dưới và cơ duy trì độ cong của chân chưa phát triển hoàn chỉnh.

Nếu cho trẻ tập đi trước 1 tuổi, thể trọng cơ thể tất yếu sẽ trở thành áp lực đè lên chân và cột sống, thời gian dài dễ khiến trẻ xảy ra tình trạng biến dạng chi dưới và cột sống. Ngoài ra, những đứa trẻ mập mạp thì càng không nên tập đi quá sớm trước độ tuổi thích hợp.

- Ảnh hưởng quá trình tập bò của trẻ: Tập bò có nhiều lợi ích đối với sự phát triển tự nhiên của trẻ. Nếu bạn cho trẻ tập đi quá sớm, bỏ qua cả giai đoạn “trung gian” này sẽ vô tình đánh mất những ảnh hưởng tích cực cho sự trưởng thành của trẻ.

Tập đi giày trượt: Độ tuổi thích hợp với trẻ là sau 7 tuổi

Nếu bạn cho con tập đi giày trượt trước độ tuổi này thì có thể dẫn đến những ảnh hưởng sau:

Nguy hại khi cho trẻ tập đi giày trượt quá sớm?

- Dễ biến dạng chân: Bộ phận chân ở trẻ dưới 7 tuổi thực ra vẫn chưa phát triển hoàn thiện về xương, do đó khi tập cho trẻ đi giày trượt với tư thế hai chân thường “dạng” ra ngoài sẽ dễ khiến trẻ rơi vào tình trạng chân hình chữ X.

- Dễ tổn thương: Khi chơi giày trượt, phần hông, đầu gối và chân đều phải dung sức chống đỡ cơ thể, một khi trẻ chưa biết cách dung sức chính xác thì các bộ phận này rất dễ bị tổn thương. Do đó, tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 7 tuổi chơi trò chơi này, thậm chí những trẻ dưới 12 tuổi cũng phải có người chỉ dẫn đúng cách khi chơi và thời gian chơi không nên quá dài.

Tập đi toilet: Độ tuổi thích hợp là khoảng 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi

Nếu cho trẻ tập đi toilet trước độ tuổi này có thể gây nên những tác hại không tốt đến sức khỏe của bé.

Theo các chuyên gia y tế, ở độ tuổi khoảng 2 tuổi, chức năng bàng quang của trẻ dần hoàn thiện, hệ thống thần kinh cũng đủ khả năng điều khiển các tổ chức ruột già, bàng quang và hậu môn. Lúc này, trẻ mới thật sự có tín hiệu cảm giác từ cơ thể rằng muốn đi toilet. Vì vậy, tốt nhất là khi trẻ chưa đủ 18 tháng tuổi, bạn không nên vội tập cho trẻ đi toilet để tránh ảnh hưởng đến sự phát dục của các cơ và hệ thần kinh.

Ngoài ra, nếu tập cho trẻ đi toilet quá sớm, trẻ chưa chuẩn bị đủ tâm lý sẽ có cảm giác bị áp lực và sinh ra phản ứng phản khác, thời gian dài nếu người lớn không biết xử lý thích hợp có thể khiến trẻ bị táo bón và trầm cảm.

Tập đi xe đạp: Độ tuổi thích hợp với trẻ là từ 5 - 6 tuổi

Nếu cho trẻ tập đi xe đạp trước độ tuổi này, bé có thể sẽ bị nguy hại về xương. Bởi, xương của trẻ vẫn đang trong giai đoạn không ngừng phát triển, sức của cơ cũng rất yếu. Nếu cho trẻ tập đi xe đạp quá sớm, phần chi dưới phải dùng sức rất lớn, thời gian dài có thể gây tình trạng căng cơ và xương chân bị tổn thương, gây bất lợi cho sự phát triển hình thể bình thường của trẻ.

Học vẽ: Thời gian thích hợp là từ 8 - 9 tuổi.

Theo các chuyên gia, trẻ sau 1 tuổi rưỡi là đã bắt đầu vẽ những đường tròn nhưng chỉ sau 8 - 9 tuổi mới có thể học những kỹ năng vẽ thực sự. Do vậy, chỉ khi trẻ đến tuổi này thì bố mẹ mới nên cho con đi học vẽ.

Những nét vẽ “tròn tròn” kỳ thực là hành vi tự phát ở trẻ, bạn không nên “cố tình” dạy trẻ phải vẽ hình tròn cho đúng hay các hình khác. Khi trẻ được 9 tuổi mới bước vào giai đoạn “chủ nghĩa tả thực thị giác”, lúc này góc nhìn khi trẻ quan sát sự vật mới gần với năng lực của người trưởng thành và là thời điểm thích hợp để trẻ học kỹ năng hội họa. Trước 9 tuổi, nhất là khi trẻ chưa đủ 6 tuổi, những thứ được trẻ “vẽ” ra là cách biểu đạt suy nghĩ của mình chứ không hề có kỹ năng hay chủ ý khác. Nếu miễn cưỡng trẻ học cách hội họa quá sớm có thể gây trở ngại cho sự nhiệt tình, trí tượng tưởng và tính sang tạo tự nhiên ở trẻ.

Học đàn: Độ tuổi thích hợp với trẻ là sau 6 tuổi

Nếu bạn cho trẻ học trước tuổi này có thể gây hại cho bé.

Trước độ tuổi đi học, xương và khớp của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, nếu dùng sức tập đàn quá sớm có thể gây ảnh hưởng cho xương khớp ở tay.

Ngoài ra, trước 6 tuổi, thông thường các khả năng như ghi nhớ, tập trung, hiểu biết và ý chí của trẻ còn rất kém, khi được giáo dục học đàn chính quy quá sớm thật sự là một thử thách lớn với trẻ. Trẻ tập không tốt sẽ sinh ra cảm giác thất bại, tự tin, ảnh hưởng bất lợi cho việc hình thành tính cách sau này.

Ngân Khánh (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nhung-ky-nang-tuyet-doi-khong-day-cho-tre-truoc-tuoi-2016082518002912.htm