Những kiểu bài tập về nhà dịp Tết đặc biệt khiến học sinh thích thú

Với mong muốn học sinh có kỳ nghỉ Tết đúng nghĩa, thay vì tạo áp lực cho các em, nhiều thầy cô giáo đã có cách giao bài tập về nhà rất đặc biệt và lý thú.

Những yêu cầu thú vị

Trong dịp Tết này, Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội) đã đưa ra hình thức bài tập về nhà vô cùng đặc biệt. Cụ thể, trong nội dung thông báo gửi tới học sinh toàn trường về việc giao bài tập về nhà đã viết: "Các em học sinh trường Tiểu học Đoàn Kết thân mến! Tết Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần; người người, nhà nhà đang nô nức mua sắm để đón một mùa Xuân mới ấm no, đủ đầy và thật nhiều niềm vui. Vậy các con sẽ làm gì trong những ngày nghỉ Tết cổ truyền?

"Bài tập" Tết dưới đây sẽ rất đặc biệt. Bạn nào cũng nên làm bởi vì nó giúp các con cùng gia đình đón một cái Tết an toàn, đầm ấm, ý nghĩa, thú vị. Thầy (cô) giáo giao cho làm những bài tập sau:

1. Con hãy sắp xếp góc học tập của mình thật gọn gàng, khoa học. Chụp ảnh lại góc học tập sau khi dọn dẹp xong và chia sẻ lên nhóm lớp của mình (Các em học sinh lớp 1,2 có thể nhờ bố, mẹ chụp ảnh sau khi tự tay dọn dẹp)

2. Trước Tết, con hãy lên kế hoạch gấp lại quần áo gọn gàng, dọn phòng riêng, lau dọn nhà cửa cùng bố mẹ đón Tết.

3. Con hãy lên ý tưởng để cùng bố mẹ trang trí cây đào, cây quất của nhà mình. Thầy cô và các bạn rất háo hức muốn biết chúng sẽ thế nào sau khi được con tự tay trang trí.

4. Khai bút đầu Xuân là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam và thường được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền. Con hãy làm một bài tập nhỏ tùy ý để nhận được may mắn trong cả năm

5. Hãy chuẩn bị sẵn cho mình những lời chúc tốt đẹp để dành tặng cho những người thân yêu trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ, anh chị em..

6. Đầu năm mới con nhận được rất nhiều lời chúc mừng đúng không?

Con thích nhất lời chúc nào? Con hãy ghi lại và chia sẻ với thầy cô cùng các bạn vào buổi học đầu tiên nhé.

7. Bên cạnh những lời chúc ý nghĩa, con sẽ rất vui khi nhận được lì xì mừng tuổi. Đừng quên nói những lời cảm ơn con nhé, khi nhận lì xì mừng tuổi con nên có những ứng xử văn minh như: Nhận lì xì bằng hai tay, không mở bao lì xì ngay sau khi nhận, không so sánh số tiền mừng tuổi nhiều hay ít Con hãy tham khảo ý kiến của bố mẹ trước khi chi tiêu để mình có kế hoạch chi tiêu thông minh, ý nghĩa từ số tiền này nhé.

8. Đừng lãng phí thời gian chơi điện tử, ipad...Con hãy dành thời gian để tập luyện Thể dục thể thao, ăn uống điều độ, hạn chế ăn đồ ngọt và giữ gìn sức khỏe con nhé.

9. Các con hãy thực hiện văn hóa chào hỏi được học ở trường và chuẩn bị chu đáo sách vở khi trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết.

Sắc Xuân ngập tràn trong các lớp học tại Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội).

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Liễu - Hiệu trưởng nhà trường: "Những bài tập Tết đặc biệt mà nhà trường khuyến khích các em học sinh thực hiện trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là những bài tập gắn với các việc làm ý nghĩa tại gia đình phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi của các em học sinh. Thông qua đó sẽ giáo dục cho các em kĩ năng lao động, biết chia sẻ công việc với bố mẹ; đồng thời định hướng để các em có những trải nghiệm quí báu khi cùng bố mẹ trang trí cây đào, quất... giúp gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.

Bên cạnh đó, những bài tập còn chú trọng đến văn hóa ứng xử như văn hóa nhận lì xì, văn hóa chúc Tết để rèn cho các em hiểu được những nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền, ứng xử thanh lịch, văn minh. Những bài tập cuối là những lời khuyên, lời nhắc nhở để các em học sinh lựa chọn hình thức rèn luyện sức khỏe cho phù hợp, không mải mê vui chơi mà quên thời gian quay lại trường học".

Còn tại Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội), để giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng, năng lực khác cho học sinh, cô giáo Nguyễn Lệ Thi đã có "Phiếu bài tập Tết" đặc biệt thú vị giao cho học sinh lớp 4 với 8 nội dung như sau:

1. Phụ giúp bố mẹ, ông bà, anh chị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.

2. Tự sắp xếp lại tủ quần áo, góc học tập của mình.

3. Biết vào bếp phụ bố mẹ, ông bà dọn cơm, bày hoa quả dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.

4. Nhận bao lì xì bằng 2 tay, biết nói lời cảm ơn. Không mở bao lì xì trước mặt người mừng tuổi hay nói về số tiền mình nhận được.

5. Sau đêm giao thừa, học sinh ngồi vào bàn học nhưng không phải để học mà "Khai bút đầu năm" đặt mục tiêu, nhiệm vụ cho năm mới.

6. Biết nói lời chúc tốt đẹp với những người em gặp trong dịp Tết.

7. Ngày mồng 5 Tết, học sinh tự chuẩn bị đồng phục, soạn sách vở đầy đủ để chuẩn bị quay lại trường học.

8. Em để dành một ít tiền lì xì để mua một quyển sách ý nghĩa.

Ở mỗi mục, cô Nguyễn Lệ Thi chia 3 mức dành cho phụ huynh đánh giá là: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành. Đối với học sinh, các em cũng có góc để chia sẻ cảm nhận của mình về kỳ nghỉ Tết với nội dung, điều gì khiến em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của học sinh cả nước

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết tất cả các địa phương đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 tới học sinh.

Theo ghi nhận, đa số các tỉnh/thành đều cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2024 từ 10 đến 14 ngày. Tuy nhiên, do ngày 3 và 4/2 (24 và 25 tháng chạp) rơi vào cuối tuần, nên có địa phương cho học sinh nghỉ lên đến 16 ngày là Hà Giang. Bắc Giang và Hưng Yên là hai địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2024 ít nhất với 7 ngày. Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng... cho học sinh nghỉ nhiều hơn một ngày, tức 8 ngày bắt đầu từ 7/2.

Theo lý giải của các địa phương, thời gian nghỉ Tết của học sinh được xây dựng theo khung nghỉ Tết chung do Thủ tướng phê duyệt. Lịch nghỉ này sẽ không gây xáo trộn cuộc sống cho các gia đình, tránh được các tình huống mất an toàn khi trẻ được nghỉ học trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-kieu-bai-tap-ve-nha-dip-tet-dac-biet-khien-hoc-sinh-thich-thu-169240205101828805.htm