Những khúc biến tấu của gió!

Mùa xuân đến, ngắm những nụ đào rung rinh trước gió, hẳn nhiều người nhớ về một câu 'Kiều': 'Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông'. Câu này có tích từ chuyện nhà thơ Thôi Hộ (đời Đường) đi chơi tiết thanh minh gặp một vườn đào rất đẹp, một ngôi nhà đơn sơ, xinh xắn bèn gõ cửa xin nước uống. Một cô gái tuổi trăng tròn đẹp như hoa nở xuất hiện trước cửa ý nhị mời người khách vãng lai...

Xao xuyến thẫn thờ trước cảnh đẹp, người đẹp, thi nhân muốn có ngay một bài thơ, nhưng cố mãi mà không ra ý tứ gì. Hình như đây cũng là một quy luật sáng tạo: nhiều khi quá ngưỡng, nồng nàn tràn trề cảm hứng nên chưa thể “xuất khẩu thành chương” (?).

Thần gió Fujin (Nhật Bản).

Phải một năm sau kỷ niệm giục nhà thơ quay trở lại tìm thi hứng. Nhưng cảnh còn mà người vắng, vườn đào vẫn đẹp nhưng cửa nhà khóa. Không một bóng người. Chính lúc ấy “thần hứng” mới nhập để có một thi phẩm nổi tiếng muôn đời: “Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Ngày này năm ngoái trong cửa này/ Mặt người và hoa đào cùng ánh hồng vào nhau/ Mặt người không biết đi xứ nào/ Hoa đào như cũ cười với gió đông).

Bài thơ đầy đủ và tiêu biểu cho vẻ đẹp thơ Đường hàm súc, dư ba, gợi mà không tả: Người đẹp như hoa hay hoa đẹp như người!? Một cái buồn sâu thẳm nhưng không bi, không não nề (như thơ bây giờ)... Một cái buồn trong vắt, thật đẹp và thật nhân văn. Thì ra để có thơ hay phải công phu và tài năng thật. Còn may mắn nữa! Giả sử nhà thơ lại được gặp cố nhân thì chắc không có bài thơ này!

Hình tượng “đông phong” (gió đông) thổi vào văn hóa phương Đông kết thành cổ mẫu (mẫu gốc) biểu tượng cho mùa xuân! “Chàng” gió xuân này là một sứ giả xe duyên cho biết bao đôi tình nhân hoặc đưa tin tốt lành tới bao người. Đã từng giúp thi nhân Nguyễn Trãi mở “lá” thư tình là “đọt chuối non”: “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem” (“Cây chuối”).

Cũng trong “Kiều” lại có một “làn gió” khác: “Dập dìu lá gió cành chim/ Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh” thì vẫn có “mẫu gốc” từ thời nhà Đường. Ở xứ Thành Đô, nhà nho Trịnh Sinh có một con gái tên Tiết Đào rất xinh đẹp. Đã thế lại rất thông minh, sắc sảo. Sáu tuổi đã có thơ hay. Một sáng thu, hai cha con ngồi chơi trước cửa ngắm cây ngô đồng với từng chiếc lá vàng xao xác rơi, người cha làm hai câu thơ... Không đợi cha tiếp tục, Tiết Đào đọc luôn: “Chi nghinh Nam Bắc điểu/ Diệp tống vãng lai phong” (Cành đón chim Nam Bắc/ Lá đưa gió lại qua).

Giật mình sửng sốt vui mừng vì có người con yêu là một tài năng văn chương. Nhưng rồi, với sự nhạy cảm của thi nhân, một linh cảm của người cha, ông lại buồn sững sờ: Con mình có tài nhưng mà rất khổ. Bởi trong thơ con ý tứ phóng túng có phần lả lơi... Thời gian thoi đưa. Trịnh Sinh qua đời. Phải nuôi mẹ già, nhà lại rất nghèo, Tiết Đào nuốt nước mắt buộc đi làm nghề kỹ nữ.

Nhờ tài hoa đủ cầm kỳ thi họa, nàng trở nên nổi tiếng chốn lầu hồng. Bao chàng trai phong lưu mã thượng đến ngắm nàng chứ không muốn lấy nàng, không có ai nghĩ đến việc kết tóc xe tơ. Nhưng một nhà thơ nổi tiếng tên Nguyên Chẩn xuất hiện, họ hợp nhau xướng họa, đồng thanh tương ứng... Nguyên Chẩn ra đi hẹn ngày trở lại “đưa nàng về... dinh”. Nhưng chàng đi thì giặc giã ập tới. Tiết Đào xiêu bạt. Nguyên Chẩn cho người đến tìm nhưng “bóng chim tăm cá”... Về sau có người nói rằng Tiết Đào chết trong cô độc!!!

Giông bão!

Thế là từ bấy giờ câu thơ định mệnh từ hồi nhỏ của nàng đi vào vườn điển tích mọc lên cây biểu tượng “lá gió cành chim” chỉ việc đưa đón khách làng chơi. Hoàn cảnh rất phù hợp với “mẫu gốc”: Người kỹ nữ như lá như cành đón những ngọn gió lả lơi, những cánh chim đến đậu... Tài năng Nguyễn Du ngoài cách dùng điển rất hợp, còn là cái tình thương cảm kiếp người tài hoa bạc mệnh!

Trong thần thoại Hy Lạp cổ có 4 vị thần đại diện cho 4 ngọn gió đều là con trai của nữ thần Rạng đông Eos và thần chiêm tinh Astraeus: Zephyrus - cơn gió Tây của mùa xuân, Notus - cơn gió Nam của mùa hè, Eurus - cơn gió Đông của mùa thu và Boreas - thần gió Bắc lạnh lẽo. Các vị thần này đem lại mưa gió thuận hòa, nhưng cũng có khi đem tới bão tố khủng khiếp. Trong số này Zephyrus là vị thần “lăng nhăng” nhất.

Vào mùa xuân chàng thường hóa thành những con ngựa gió để giao phối với bầy ngựa cái sinh ra cả đàn ngựa con. Zephyrus còn cưới nữ thần cầu vồng Iris và sinh ra một người con trai là vị thần của Đam mê Pothus. Có lẽ Zephyrus là người đầu tiên có tình yêu đồng giới, đem lòng yêu chàng trai trẻ đẹp Hyacinthus. Không được đáp lại, Zephyrus đã thổi bay chiếc vòng đập trúng đầu Hyacinthus. Tiếc thương một chàng trai chết oan, thần Apollo hóa Hyacinthus thành loài hoa dạ lan hương. Như vậy người Hy Lạp cổ xưa đã cắt nghĩa gió rất phức tạp, biết yêu nồng nàn đam mê và khi tức giận thì cũng giết chết cả người khác!

Tại sao gió lại gắn với sự phong tình phồn sinh trong mùa xuân như vậy? Vì một thực tế ngoài đời sống là mùa xuân đến, gió sẽ làm công việc thụ phấn cho các loài hoa. Cùng với các loài côn trùng khác, gió xuân đủ nhẹ để góp phần tạo ra ý nghĩa sinh sôi nảy nở này!

Thần thoại La Mã còn kể thêm, nhờ mối tình của Zephyrus với nữ thần hoa cỏ Chloris đã làm cho đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, cây trái tốt tươi.

Ngụ ngôn Aesop có “Thần Gió và Mặt trời” triết lý về kẻ mạnh yếu không hẳn ở vũ lực. Hai thần cãi nhau đều cho rằng mình khỏe hơn. Mặt trời bảo ai làm cho người khách bộ hành kia phải cởi chiếc áo ra sẽ là kẻ mạnh nhất!

Thần Gió hữu dũng vô mưu tạo ra những cơn cuồng phong kèm với cái lạnh buốt da, buốt thịt. Nhưng gió càng lớn người kia càng cố giữ chặt chiếc áo. Đến lượt Mặt trời, thần tỏa ra những tia nắng vàng, người bộ hành cảm thấy ấm áp bèn nới cúc áo. Trời càng lúc càng nóng, người bộ hành tự động cởi bỏ áo khoác. Thế là Thần Gió thua cuộc vì tuy có sức mạnh nhưng thiếu trí khôn. Bài học giáo dục bật ra: Mỗi người phải biết tận dụng thế mạnh riêng của mình, phải biết khiêm tốn mới thành công được!

Nằm giữa đại dương tất nhiên hứng gió từ bốn phương nên văn hóa Nhật Bản tôn thờ thần gió Fujin và thần sấm Raijin. Truyền thuyết ca ngợi họ là những bậc “khai quốc công thần” nên được thờ cúng long trọng ở những ngôi đền lớn nhất. Nhưng chính vì thế mà Fujin và Raijin trở nên kiêu căng, Raijin trong trang phục màu đỏ, khuôn mặt dữ tợn, tay luôn cầm trống taiko khi gõ phát ra sấm chớp. Fujin có hình tướng gớm ghiếc của loài quỷ sứ có cái đầu mọc sừng trâu, mình quấn khố da hổ, hai tay luôn cầm chặt túi gió vì nếu túi này được mở sẽ tạo ra một trận đại cuồng phong cùng vòi rồng và bão tố...

Đất nước Trung Hoa cổ được thiên nhiên ưu ái nằm giữa đại lục, đất đai tươi tốt, cây cỏ hiền hòa, phong phú các loài động vật nên gió đi vào văn hóa có tên Phong Bá – một hình tượng của Đạo giáo có thân của nai, đầu chim, sừng hươu, đuôi rắn. Khi chạy thì hóa thân vào con báo. Vì gió vô hình vô ảnh nên được “hữu hình hóa” thành mô hình các con vật nhưng có mối liên hệ gần gũi. Ví như rất đúng với thực tế là báo chạy nhanh nhất trong các loài vật, đúng là “nhanh như gió” vậy!

Về bản chất, gió sinh ra từ sự chênh lệch áp suất khí. Sinh sống ở vùng nhiệt đới gió mùa nên người Việt làm bạn với gió mưa. Kho từ vựng người Việt, “gió” rất giàu có ý nghĩa. Ngay trong “Truyện Kiều” đã tới 40 lần gió “thổi”. Là “gió mây” chỉ vận hội tốt đẹp: “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”; là “gió mưa” chỉ tai biến bất ngờ: “Gió mưa âu hẳn tan tành nước non”; là “gió trăng” chỉ cảnh thanh nhàn “Đề huề lưng gió túi trăng”...

Cổ tích người Việt lý giải sự sinh ra của gió là do trẻ con nghịch ngợm. Hôm ấy Thần Gió đi vắng, vì tò mò, đứa con nghịch cái quạt thần tạo gió của bố. Thế là gió xối xuống hạ giới hất tung giá gạo người nông dân vừa đi vay về để nấu cháo cho vợ ốm. Người nông dân bèn kiện lên trời. Ngọc Hoàng lệnh đày đứa trẻ xuống làm kẻ ở cho người nông dân nọ. Sau đó còn biến nó thành cây ngổ gió mỗi khi sắp có dông bão thì báo cho mọi người biết bằng cách tự cuốn lá lại. Cây này còn dùng để trị chữa cảm mạo cho trâu bò. Rất đúng với cách sống duy tình, với người Việt coi gió như đứa trẻ con thân thương, gần gũi, đáng yêu nhưng có lúc thật ngỗ nghịch, khó bảo.

Những khúc biến tấu của gió chính là biến tấu của văn hóa!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nhung-khuc-bien-tau-cua-gio--i645795/