Những hy sinh thầm lặng của người điều dưỡng

Trong công tác điều trị bệnh nhân, cùng với các y, bác sĩ thì đội ngũ điều dưỡng là lực lượng không thể thiếu. Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của người điều dưỡng đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân.

Điều dưỡng viên Nguyễn Tất Thắng (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn các điều dưỡng viên khác cài đặt máy lọc máu.

Khi nhắc đến điều dưỡng không ít người cho rằng công việc này chỉ phù hợp với nữ giới do đặc thù cần sự nhẹ nhàng, tỉ mỉ và khéo léo. Nhưng thực tế cho thấy nam hay nữ theo ngành này đều phù hợp, thậm chí, tại một số khoa đặc thù, số lượng nam điều dưỡng lại nhiều hơn.

Gắn bó với nghề điều dưỡng được 15 năm, anh Nguyễn Tất Thắng - Điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh, chia sẻ: 15 năm trong nghề là những đêm trắng thức cùng người bệnh ở hai khoa áp lực nhất bệnh viện là Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

24/24 giờ theo dõi sát diễn biến bệnh của người bệnh nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu chuyển nặng, chuẩn bị báo cáo tình trạng bệnh, kết quả cận lâm sàng để bác sĩ khám, thực hiện y lệnh, rửa vết thương, tiêm thuốc, cho người bệnh uống thuốc… là những công việc thường ngày của anh Thắng. Ở khoa này đa số người thân không được vào chăm sóc nên tất cả mọi việc từ uống thuốc, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo... cho người bệnh đều do điều dưỡng viên làm.

Do đặc thù của khoa, người thân không được vào chăm sóc nên tất cả mọi việc từ uống thuốc, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo... cho người bệnh đều do điều dưỡng viên như anh Thắng thực hiện.

Dạn dày kinh nghiệm điều dưỡng, lại ở những khoa thường xuyên chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết, anh có nhiều kỷ niệm đã làm thay đổi suy nghĩ về cả công việc và cuộc sống. Anh kể: Khoảng 7 - 8 năm trước, có một ca bệnh chuyển biến xấu đột ngột. Sau gần một tiếng nỗ lực giành giật sự sống cho người bệnh, tưởng chừng như không còn hy vọng. Nhưng trong phút chốc anh lại nghĩ, cố thêm một lần nữa, lại một lần nữa. Và cứ như vậy sau hai giờ đồng hồ, người bệnh đã bắt đầu lấy lại được nhịp tim, nhịp thở, các chỉ số sinh tồn như một kỳ tích. “Sau những lần đó, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn ý chí quyết tâm, không bỏ cuộc trong việc giành lại sự sống cho người bệnh của những người làm y tế. Điều đó càng làm tôi thêm yêu nghề, đam mê với nghề, mong muốn đem tâm sức của mình cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho mọi người”.

Hiện Khoa Hồi sức tích cực - chống độc có hơn 30 điều dưỡng viên. Vì đặc thù công việc cần nhiều sức khỏe để bê vác người bệnh, ép tim… nên đa số các điều dưỡng viên là nam giới. Tuy nhiên dù là nam hay nữ thì các điều dưỡng viên đều cần chú tâm vào công việc, nhiệt huyết, hết mình, coi người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình để chăm sóc, chữa trị. Có như vậy mới đem lại nguồn hy vọng, động viên đối với người bệnh và người thân của họ.

Cũng giống như anh Thắng, anh Đỗ Đức Tiến - Điều dưỡng, kỹ thuật viên Phòng khám, Bệnh viện Mắt đã có hơn 12 năm gắn bó với nghề. Những năm trước, anh là một trong số ít điều dưỡng viên nam ở đây. Một ngày của anh thường bắt đầu với việc đi thăm người bệnh, thực hiện các y lệnh của bác sĩ, cho người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc, truyền dịch, thay băng… và hơn hết là tạo niềm tin cho người bệnh bằng cách động viên người bệnh an tâm điều trị. Đến năm 2016, với tinh thần ham học hỏi và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đăng ký đi học đào tạo về chuyên khoa mắt và tham gia các buổi huấn luyện đào tạo vận hành thiết bị công nghệ cao từ đó làm chủ các máy móc, trang thiết bị phục vụ chuyên môn. Anh trở thành một trong những điều dưỡng viên - kỹ thuật viên đầu tiên của bệnh viện.

Điều dưỡng - kỹ thuật viên Đỗ Đức Tiến thực hiện đo nhãn áp không tiếp xúc cho người bệnh.

Anh Đỗ Đức Tiến chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm, làm bất cứ ngành nghề nào, mà đặc biệt là ngành y, phải luôn cập nhật kiến thức mới, làm chủ những máy móc, thiết bị mới để phục vụ sức khỏe, phục vụ con người. Nếu những người làm điều dưỡng - kỹ thuật như chúng tôi không học hỏi, trau dồi, nâng cao tay nghề thì không thể chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất cho mọi người được”.

Công việc điều dưỡng đã nhiều áp lực, nay lại làm tại phòng khám của bệnh viện, áp lực lại càng nhiều hơn. Anh Tiến cho biết, thời điểm giao mùa hoặc sau Tết, số lượng người đến khám và điều trị tăng gấp nhiều lần thông thường. Có những ngày anh đứng thao tác máy móc đo thị trường mắt và nhãn áp liên tục 6-8 giờ đồng hồ. Số lượng người khám đông nhưng không vì thế mà thao thác thiếu chính xác hay qua loa, mà ngược lại, cần phải đảm bảo tính chính xác nhiều hơn nữa.

Khi được hỏi về kỷ niệm nào trong nghề khiến anh nhớ mãi, anh chia sẻ, đó là khoảng thời gian tháng 6,7/2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát đỉnh điểm trong cả nước, nhận được lời kêu gọi của các cấp các ngành, anh cùng cán bộ y bác sĩ không ngần ngại, liên tiếp điền vào những lá đơn lên đường “chi viện” cho Bắc Giang và Bình Dương. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cùng sức trẻ sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, anh đã gạt bỏ đi những lo lắng và cả sợ hãi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cứu chữa nhiều người dân của hai tỉnh, góp phần vào thành công chung của cả đoàn công tác.

Cùng với những kinh nghiệm và kỷ niệm sau hơn chục năm làm nghề, bên cạnh tình cảm của đồng nghiệp và người dân, điều dưỡng viên Nguyễn Tất Thắng và Đỗ Đức Tiến đã nhận được sự ghi nhận và biểu dương của các cấp, các ngành: 14 năm liên tục được nhận giấy khen của Sở Y tế về hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch năm 2021. Đây là những thành tích và cũng động lực để các anh tiếp tục âm thầm cống hiến, nỗ lực vì sức khỏe nhân dân. Bởi với một điều dưỡng viên, được chăm sóc và chứng kiến người bệnh bình an trở về bên gia đình chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/nhung-hy-sinh-tham-lang-cua-nguoi-dieu-duong/191120.htm