Những hy sinh phía sau 'cuộc chiến'

Họ là những chiến sĩ áo trắng luôn vì nhân dân mà cố gắng, vì sức khỏe người bệnh mà hy sinh. Bên trong Bệnh viện dã chiến, đằng sau những “cuộc chiến sinh tử” với dịch bệnh là tình người ấm áp, sẻ chia như người thân yêu ruột thịt từ những con người xa lạ vốn chưa từng quen biết.

Coi bệnh nhân như người thân

Một bệnh nhân 74 tuổi mắc Covid-19 được chuyển từ cơ sở điều trị Covid-19 của huyện Vĩnh Tường vào Bệnh viện dã chiến tỉnh số 1 liên tục bị khó thở, giảm oxy máu, sức khỏe tiến triển rất chậm. Với trường hợp này, các bác sĩ, điều dưỡng luôn phải theo dõi sát sao, vì chỉ cần một phút sơ sẩy, bệnh nhân có thể ngưng thở bất cứ lúc nào.

Điều dưỡng Bệnh viện dã chiến tỉnh số 1 chăm sóc từng bữa ăn và phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất cho người bệnh. (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng đang điều trị ở Bệnh viện dã chiến tỉnh số 1. Bác sĩ CKII Trần Văn Tích, phụ trách công tác điều trị tại đây cho biết, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện liên tục tăng, vì thế, áp lực công việc đối với nhân viên y tế tại bệnh viện cũng nhiều hơn.

Mặc dù một kíp trực chỉ làm việc trong thời gian 4 tiếng đồng hồ, nhưng khối lượng công việc rất lớn, phải đối mặt trực diện với vi rút, nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bên cạnh đó, vì phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ nhiều lớp nên rất khó di chuyển.

Dù trước và trong ca trực, các bác sĩ, điều dưỡng hầu như không uống nước để hạn chế tối đa nhu cầu thiết yếu nhất của bản thân, dành toàn bộ thời gian cho công việc, thế nhưng, những giọt mồ hôi vẫn tứa ra qua từng lớp áo. Đối với cán bộ y tế là nữ, trải nghiệm này thật sự không dễ dàng.

Trong số bệnh nhân đang điều trị tại đây, có nhiều bệnh nhân là người già có nhiều bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… nên công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có bệnh nhân do tâm lý căng thẳng, áp lực stress dẫn đến rối loạn tâm thần, quá khích, không hợp tác điều trị gây ảnh hưởng đến cán bộ y tế và những người xung quanh.

Để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 nên hầu như bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 1 không có người nhà chăm sóc. Vì thế, cùng với công tác điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện còn “kiêm” luôn nhiệm vụ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, phục vụ những nhu cầu thiết yếu nhất cho người bệnh.

Nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh, cán bộ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) còn đi "gõ cửa" các nhà tài trợ, nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ sữa tươi, sữa bột cho nhiều người bệnh đang điều trị tại đây.

Điều dưỡng Hoàng Thị Bắc, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh số 1 chia sẻ: “Với lưu lượng bệnh nhân như hiện nay, trong 1 kíp trực, mỗi điều dưỡng phụ trách chăm sóc từ 8-10 người bệnh. Thời gian cao điểm, số lượng bệnh nhân tăng lên thì khối lượng công việc cũng nhiều hơn.

Ở khu vực tôi làm nhiệm vụ, có rất nhiều bệnh nhân cao tuổi. Tôi ấn tượng nhất là trường hợp bệnh nhân 81 tuổi quê ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường mù cả 2 mắt; không có người nhà đi cùng.

Cùng với việc truyền thuốc, thực hiện phác đồ điều trị theo y lệnh của bác sĩ, hằng ngày, tôi còn bón cháo sữa, dìu cụ đi vệ sinh, thay rửa cho cụ. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại trò chuyện, động viên để giúp cụ yên tâm điều trị.

Mới đây, một bệnh nhân 98 tuổi sau thời gian dài điều trị hiện đã khỏe, xét nghiệm Covid-19 âm tính nên đủ điều kiện ra viện khiến tôi và đồng nghiệp thấy rất hạnh phúc. Với chúng tôi, niềm vui lớn nhất là bệnh nhân khỏi bệnh và được trở về nhà, đặc biệt với các cụ già, do sức khỏe yếu lại nhiều bệnh lý đi kèm nên để điều trị thành công thực sự không dễ dàng".

Sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ

Qua cuộc trò chuyện với bác sĩ CKI Phạm Lê Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện GTVT hiện đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2, tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng cầm đồ chơi dỗ dành những em nhỏ để các cháu không hoảng sợ, phối hợp điều trị.

Từ sự vận động, quyên góp của cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều hộp sữa dinh dưỡng đã được trao tận tay người già và trẻ nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 1. (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Hay đó là khoảnh khắc các anh chị đọc tin nhắn, lời cảm ơn của người bệnh, người nhà bệnh nhân mà dòng nước mắt xúc động cứ nghẹn ngào rơi. Với đặc thù là cơ sở điều trị Covid-19, nên việc tuân thủ các nguyên tắc hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn là điều rất quan trọng. Thế nhưng, những em bé, những thai phụ đang điều trị tại đây không cảm thấy đơn độc vì họ luôn được cán bộ y tế động viên tinh thần, sẻ chia tình người ấm áp để yên tâm điều trị.

Sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, nên nhiều cán bộ y tế dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn xung phong vào tâm dịch. Điển hình như hộ lý Phan Thị Hiếu, sinh năm 1979, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con nhỏ, nhưng vẫn tình nguyện vào cơ sở điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2.

Hay điều dưỡng Nguyễn Thị Ánh Xuân, cán bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến tỉnh số 2 từ ngày 24/11 đến nay. Chị Xuân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì có 2 con trai nhỏ tuổi, một bé 7 tuổi và một bé 3 tuổi.

Chồng chị vừa trải qua cuộc phẫu thuật ghép thận vào đầu năm 2021, tuy sức khỏe còn yếu, không thể lao động, nhưng vẫn tình nguyện làm hậu phương vững chắc để chị yên tâm tham gia chống dịch. Xa chồng, xa con gần 1 tháng ròng, nên chị Xuân rất lo lắng và nhớ nhà. Thế nhưng, khi nhìn thấy những nụ cười của bệnh nhi nhỏ tuổi, chị lại tự trấn an mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những hy sinh không thể nói hết bằng lời của hàng nghìn cán bộ y tế Vĩnh Phúc đã cống hiến cho cuộc chiến này. Ngay cả trong giây phút đối diện trực diện với hiểm nguy, dù bị mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ nhưng nhiều cán bộ y tế không lùi bước mà vẫn kiên cường ở lại cùng người bệnh để vừa điều trị cho bản thân, vừa tình nguyện chăm sóc bệnh nhân. Những hành động đẹp và sự hy sinh to lớn ấy xứng đáng được tôn vinh, trân trọng hơn bất cứ điều gì!.

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71926/nhung-hy-sinh-phia-sau-cuoc-chien.html