Những hình ảnh xúc động về phái yếu ở Tajikistan

Loạt ảnh dưới đây miêu tả cuộc sống của những người phụ nữ Tajikistan, một quốc gia nghèo nhất ở khu vực Trung Á và vắng bóng đàn ông.

Có ít nhất 1,5 triệu người Tajikistan đang sống và làm việc ở Nga để nuôi sống gia đình vì khủng hoảng thất nghiệp nơi quê nhà. Hầu hết họ là những người đàn ông còn trẻ khỏe, làm việc cực nhọc và công việc thường nguy hiểm. Do đó, hơn 10 năm qua, Tajikistan trở thành một quốc gia chỉ toàn phụ nữ, họ phải chăm sóc cha mẹ già, con nhỏ, trông coi nhà cửa và mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống hằng ngày. ..

Adila có một gia đình lớn, chồng và 3 con trai, bà đã không trông thấy họ 2 năm rồi. Họ đang làm việc ở TP Omsk, Nga và chưa thể về nhà vì chủ lao động đang giữ hộ chiếu cho đến khi hết hạn hợp đồng lao động.

Chờ đợi: Farishta không ở bên chồng gần 1 năm. Vì nghèo và không có việc làm anh phải sang Nga làm việc chỉ 3 tuần sau khi cưới.

Phải mạnh mẽ: Anzurat sống trong một ngôi làng hẻo lánh cách đường cái đến 8 km, chị phải tự tay chăm lo mọi việc trong gia đình.

Hy vọng: chị Culnamo và chồng đang tiết kiệm tiền để xây dựng một căn nhà mới. Chồng chị đã làm việc ở Nga trong hơn 1 năm qua, nên Gulnamo phải chăm sóc gia đình một mình. Vợ chồng anh chị hy vọng sẽ xây nhà mới trong 2 năm.

Vâng lời chồng: Sunam không cho chụp khuôn mặt của chị, bởi vì chị sợ chồng đang làm việc ở Nga sẽ “ghen và tức giận” vì chụp ảnh với người lạ.

Nhẫn nhịn - tùy thuận: bố mẹ chồng của Ashona đối xử rất tệ với chị. Người phụ nữ phải săn sóc mọi việc trong nhà, dù vậy, chị đang cố gắng hết sức để học xong đại học điều dưỡng y tế. Ashona mơ ước sẽ theo chồng làm việc ở Nga.

Giữ cho lửa ấm không tàn: Ngôi làng Kara Art, nơi chị Baizo sinh sống, nằm ở sa mạc Pamir Alpine, nhiệt độ có thể hạ xuống đến -40-50 độ C. Dù vậy, chị vẫn chăm sóc tốt cho gia đình.

Chăm sóc cháu: bà Shukrona, 68 tuổi đang chăm sóc 4 cháu nội. Cha mẹ của những em bé này đã sang Nga làm việc khi đứa út vừa tròn 7 tháng tuổi.

Tin vào tình yêu: chỉ mới có 1 trong 4 con gái của bà Sayera lấy chồng, 3 cô còn lại đang chờ người yêu làm việc ở Nga. Họ thường qua lại chăm sóc cho cha, mẹ chồng đã có hôn ước.

Tròn chữ hiếu: Bahor trở về quê nhà sau 6 năm làm việc ở Moscow để chăm sóc cha mẹ già của chị

Mơ ước: chị Shakhnoza đang học bài, ở trường không có giáo viên ngoại ngữ. Chị tự học tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Farsi qua sách. Chị mơ ước trở thành một nhà báo.

Hoa Quỳnh

(Theo Ria Novosti)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-hinh-anh-xuc-dong-ve-phai-yeu-o-tajikistan-n123612.html