Những giây phút cuối cùng của các nạn nhân trong thảm kịch tàu Titan

Tàu Titan là phương tiện lặn sâu đầu tiên có thân tàu được làm chủ yếu từ sợi carbon. Vào ngày 18/6/2023, tàu lặn này đã bị mất tích khi đang thực hiện một chuyến tham quan cùng với 5 hành khách.

Tàu Titan của OceanGate tận dụng công nghệ sợi carbon. Ảnh: OceanGate

Hành khách trên tàu Titan biết trước được thảm họa nổ tàu sắp xảy ra?

Tờ The Independent đưa tin, một bản ghi âm đã tiết lộ những lời cuối cùng giữa một người nào đó trên tàu Titan - được cho là Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush và một nhóm điều hành trên tàu mẹ Polar Prince.

Bản ghi âm đã đề cập tới một số lo ngại, đáng chú ý nhất là hành khách đã biết những vấn đề đang xảy ra với con tàu khoảng 18 phút trước khi vụ nổ diễn ra.

Trong khi tính xác thực của bản ghi âm trên vẫn còn đang gây tranh cãi thì một số nhà bình luận chỉ ra rằng, nội dung của nó là hợp lý dựa trên thông tin được các chuyên gia đưa ra trước đó.

Cụ thể, bản ghi âm đã cho thấy có sự liên lạc giữa tàu Titan và tàu mẹ bắt đầu lúc 7 giờ 52 phút sáng - khi các hành khách trên tàu Titan nhận được thông báo họ chuẩn bị tới gần xác tàu Titanic. "Chúc các quý ông lặn vui vẻ", tàu Polar Prince thông báo với các hành khách rồi hướng dẫn họ kiểm tra hệ thống và bật đèn xanh cho mọi việc được tiếp tục diễn ra.

"Tất cả hệ thống của tàu Titan hoạt động bình thường. Chúng tôi đều ổn. Tiếp tục lặn như kế hoạch", tàu lặn Titan thông báo lúc 8 giờ 34. Khoảng 15 phút sau, tàu Titan một lần nữa xác nhận mọi hệ thống vẫn ổn định và tàu tiếp tục lặn.

Sau khi lặn sâu xuống biển được 75 phút, tàu Titan thông báo mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và các hành khách đang tận hưởng chuyến đi.

Khoang kháng áp của tàu Titan là cấu trúc đặc biệt hình ống. Trong khoang không có ghế, hành khách phải ngồi bệt trên một sàn phẳng. Họ quan sát mọi thứ bên ngoài qua một ô cửa kính hoặc các màn hình kết nối với camera độ phân giải cao xung quanh. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau, mọi việc trở nên tồi tệ.

Theo đoạn ghi âm, lúc 9 giờ 26 phút, người điều khiển tàu Titan thông báo có báo động từ Hệ thống Giám sát trong thời gian thực (RTM). Do đó, tất cả mọi người trên tàu đều nhất trí sẽ không lặn sâu hơn nữa và bắt đầu trở lên mặt nước. Tuy nhiên, quá trình đi lên chậm hơn nhiều so với dự kiến và vào thời điểm họ đưa ra thông báo cập nhật lần cuối, RTM đồng loạt báo đỏ.

Lúc 9 giờ 50 phút, tàu mẹ Polar Prince gửi tin nhắn tới tàu Titan: "Chúng tôi không nhận được tin tức gì từ bạn. Hãy cập nhật tình hình". Tin nhắn tiếp tục được gửi đi với nội dung: "Chúng tôi không nhận được tin nhắn. Chúng tôi đang di chuyển đến tọa độ trục vớt. Vui lòng phản hồi nếu nhận được tin".

Đoạn ghi âm kết thúc lúc 9 giờ 57 phút sáng với thông tin của tàu mẹ Polar Prince: "Hãy phản hồi nếu có thể".

Nhiều chuyên gia sau khi nghe bản ghi âm đã phỏng đoán rằng, các hành khách trên tàu Titan dường như đã biết có điều gì đó không ổn trước khi vụ nổ thảm khốc xảy ra.

Thảm kịch tàu Titan được dự báo từ trước nhưng bị phớt lờ?

Nhiều năm trước khi tàu Titan của OceanGate bị mất tích ở Đại Tây Dương với 5 hành khách trên tàu, công ty này đã từng phải đối mặt với những cảnh báo về sự thiếu an toàn của con tàu.

Đó là tháng 1/2018, trước khi bàn giao tàu Titan cho một phi hành đoàn mới, giám đốc phụ trách hoạt động biển của OceanGate - ông David Lochridge cùng nhóm kỹ thuật của công ty đã lập một bản báo cáo cánh bảo nguy cơ tiềm ẩn đối với hành khách của tàu Titan khi tàu lặn đạt đến độ sâu cực cao. Đồng thời nhấn mạnh rằng, tàu Titan cần được thử nghiệm thêm một cách kỹ lưỡng để bảo đảm cho các hành khách trong tương lai.

Trong báo cáo của giám đốc David Lochridge và nhóm kỹ thuật đã chỉ ra: Tàu Titan không có các bộ cảm biến kiểm tra thời gian thực kết cấu vỏ tàu, mà chỉ gắn cảm ứng âm thanh (phát hiện tiếng nứt vỡ) của vỏ tàu. Điều này rất nguy hiểm vì khi nghe tiếng nứt là vỏ tàu sắp vỡ; cửa kính chỉ chịu được áp suất nước ở độ sâu 1,4km chứ không chịu nổi áp suất ở độ sâu 4km; không có các hệ thống an toàn dự phòng.

David Lochridge cũng cho biết thêm, khi ông thúc giục OceanGate thực hiện thử nghiệm, công ty sau đó đã thông báo rằng sẽ không trả tiền cho việc đánh giá như vậy.

Chính vì báo cáo này mà David Lochridge đã bị Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions - ông Stockton Rush sa thải. Đồng thời, OceanGate cũng kiện ra tòa vì cho rằng David Lochridge tiết lộ bí mật công nghệ và làm mất uy tín của hãng. Cuộc chiến pháp lý này đã kết thúc bằng một dàn xếp vào cuối năm 2018.

Sau 2 tháng bản báo cáo của ông David Lochridge được công bố, OceanGate tiếp tục nhận được những cuộc gọi khẩn cấp cùng những bức thư gửi về từ hơn 30 chuyên gia ngành công nghiệp chế tạo tàu lặn, những nhà thám hiểm đại dương, nhà hàng hải học.

Trong các bức thư gửi tới giám đốc Stockton Rush, các chuyên gia đều bày tỏ mối quan tâm về cách thức vận hành của tàu Titan và muốn biết về kế hoạch tiếp cận xác tàu Titanic diễn ra như thế nào.

Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu tàu Titan không được thử nghiệm và trải qua các quy trình đánh giá truyền thống như những tàu ngầm khác thì rất có thể trong tương lai sẽ xảy ra vụ tai nạn thảm khốc Titanic thứ hai.

Vì vậy, các chuyên gia mong muốn OceanGate sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá về các tiêu chuẩn an toàn của tàu Titan thông qua sự giám sát của công ty đánh giá rủi ro DNV hoặc một công ty chứng nhận hàng đầu khác.

"Mặc dù việc kiểm tra tàu Titan đòi hỏi cần có thêm thời gian và chi phí lớn. Nhưng chúng tôi nhất trí quan điểm rằng, tàu Titan cần phải được thông qua bài kiểm tra của bên thứ ba. Có như vậy mới bảo đảm được sự an toàn về tính mạng cho các hành khách khi sử dụng dịch vụ của tàu", bức thư được ký kết bởi các chuyên gia trình bày.

Tuy nhiên, ông Will Kohnen, Chủ tịch Ủy ban Tàu ngầm của Hiệp hội Công nghệ Hàng hải (Mỹ) cho biết, sự cảnh bảo này đã bị Giám đốc Stockton Rush phớt lờ. Ông Stockton Rush cho rằng, các tiêu chuẩn của ngành hàng hải đang kìm hãm sự đổi mới của công nghệ.

Trong một bài đăng trên blog (nhật ký trực tuyến) năm 2019 không được ký tên có tiêu đề "Tại sao Titan không được thử nghiệm?", OceanGate đã đưa ra những lập luận rằng vì con tàu Titan của họ quá sáng tạo nên có thể mất nhiều năm để nó được chứng nhận bởi các cơ quan đánh giá thông thường.

Tàu Titan là một trong những tàu lặn hiện đại nhất thế giới, được thiết kế để khám phá xác tàu Titanic ở độ sâu gần 4.000 mét dưới đáy Đại Tây Dương.

Khoang kháng áp của tàu Titan là cấu trúc đặc biệt hình ống, được làm bằng sợi carbon kết hợp với titanium. OceanGate, đơn vị vận hành tàu Titan, cho hay đây là công nghệ tiên tiến, giúp Titan nhẹ hơn đáng kể so với các loại tàu lặn khác làm bằng thép hoặc titanium đơn thuần.

Vào ngày 18/6/2023, tàu lặn này đã bị mất tích khi đang thực hiện một chuyến tham quan cùng với 5 hành khách, trong đó có ông Stockton Rush - Giám đốc điều hành của OceanGate.

Điều tra nguyên nhân tàu Titan nổ tung ở Đại Tây Dương

Arun Bansil, Giáo sư vật lý của trường Đại học Northeastern (Mỹ). Ảnh: Matthew Modoono/Northeastern University

Sau vụ nổ tàu Titan, các chuyên gia, bao gồm Arun Bansil, một giáo sư vật lý nổi tiếng tại Đại học Northeastern (Mỹ), đang điều tra nguyên nhân khiến con tàu nổ tung ở Đại Tây Dương hơn hai tuần trước.

Theo Giáo sư Arun Bansil, vụ nổ xảy ra với tàu Titan khác với những vụ nổ mà ta thường quan sát thấy trên đất liền.

Cụ thể, thay vì nổ tung ra bên ngoài (explode), tàu Titan gặp nạn do xảy ra cơ chế co sập, bắt nguồn từ một vụ nổ tung vào bên trong (implode). Về cơ bản, nó đối nghịch với cách thức hoạt động của một vụ nổ thông thường.

"Trong một vụ nổ thông thường, lực tác dụng hướng ra bên ngoài, nhưng trong một vụ nổ ngược, lực tác dụng lại hướng vào bên trong", Giáo sư Arun Bansil cho biết.

Cụ thể, khi một chiếc tàu lặn càng xuống sâu dưới đáy biển, nó sẽ chịu lực tác động lên bề mặt do áp suất nước. Khi lực này trở nên lớn hơn khả năng mà thân tàu có thể chịu được, một vụ nổ ngược sẽ xảy ra đến từ các lực ép của áp suất bên ngoài.

Chia sẻ thêm, ông Arun Bansil cho rằng, một vụ nổ ngược có thể rất dữ dội. Một khi thân tàu vỡ ra, áp suất bên ngoài rất lớn, khiến một nguồn năng lượng khổng lồ được giải phóng.

"Những người bên trong có thể chết ngay lập tức. Họ thậm chí không kịp nhận ra bất kỳ điều gì, cũng như cảm thấy đau đớn", Giáo sư Arun Bansil nói.

Mảnh vỡ được cho là bảng điều khiển của tàu Titan đã co rúm do tác động của áp suất. Ảnh: AP

Lý giải cho nguyên nhân xảy ra thảm kịch tàu Titan, Giáo sư Arun Bansil cho rằng, khả năng thân tàu được làm bằng sợi carbon được chế tạo chỉ trong 6 tuần có thể là nhân tố chính gây ra thảm họa.

Theo Giáo sư Arun Bansil, mặc dù vật liệu tổng hợp sợi carbon mang lại những ưu điểm như trọng lượng nhẹ, khả năng chống ăn mòn và độ bền cao, nhưng khả năng chịu được áp lực dưới biển sâu của chúng vẫn chưa được hiểu rõ. Chất liệu này có thể khiến vật liệu bị nứt và vỡ đột ngột. Điều này cho thấy cần phải nghiên cứu và thử nghiệm thêm trong các ứng dụng như vậy.

Giáo sư Arun Bansil kết luận, tàu Titan đã thực hiện nhiều lần lặn xuống xác tàu đắm Titanic, và chúng ta nên ngừng phán đoán về nguyên nhân chính gây ra vụ nổ cho đến khi các cuộc điều tra đang diễn ra hoàn tất.

Nguồn: The New York Times, Gizmodo

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-giay-phut-cuoi-cung-cua-cac-nan-nhan-trong-tham-kich-tau-titan-179230709172032185.htm