Những giai điệu xanh nơi cửa biển

Đến Nam Cầu Kiền hôm nay, ít ai ngờ vùng đất hoang phía nam sông Bính ngày nào đã trở thành một khu công nghiệp xanh, đóng góp vào sự phát triển của Hải Phòng mà người kiến tạo nên nó là Phạm Hồng Điệp. Nhưng không chỉ có vậy, anh cũng là người được giới văn nghệ sĩ thành phố cảng biết đến với không ít sáng tác thơ ca được phổ nhạc.

Tọa đàm thơ nhạc Phạm Hồng Điệp đầu Xuân 2023.

Cánh cửa mở cho tôi bước vào thế giới dạt dào thi ca và âm nhạc của Phạm Hồng Điệp chính là bài thơ “Hạt ngọc giữa đời” của anh. Có lẽ cái cộng hưởng giao hòa bí ẩn mang khởi nguồn từ gốc gác tôi và anh đều là người Hải Phòng, cùng là người con biển cả “ăn sóng, nói gió” nhưng lại biết tinh lọc nước biển tạo ra những hạt muối - những hạt ngọc giữa đời.

Trong cái nghiệt ngã của những diêm dân trên đồng muối, Phạm Hồng Điệp đã có những câu thơ chạm vào lòng người: Dưới nắng đỏ kết tinh thành hạt ngọc/Bỏng rát thân em chát đắng mồ hôi/Đôi vai gầy gánh hạt tình biển cả/Em trong tôi đôi mắt sáng dịu hiền.

Một thi ảnh đối lập giữa gam mầu nóng của nắng trời xối lửa với nét mảnh mai diêm nữ gánh muối trắng trên đồng đùa đôi vai. Thi ảnh ấy đã ám ảnh ta, buộc ta phải thôi thúc, phải trắc ẩn cùng thân phận thiếu nữ làm muối, thân phận của con người đang luyện mình như hạt muối - hạt ngọc giữa đời: Em lặng lẽ phơi mình nắng bỏng/Và âm thầm kết hạt ngọc tinh khôi.

Có lẽ nguồn thơ dạt dào ấy của Phạm Hồng Điệp đã tạo nên sự giao cảm với các nhạc sĩ. Họ đã cùng anh chắp cánh cho thơ anh bay bổng cõi nhân gian. Từ một bài thơ đầy suy tư của anh, nhạc sĩ Xuân Bình, tác giả bài hát “Tôi là người Hải Phòng” nổi tiếng đã thổi vào đấy một nhịp valse dịu dàng trong ca khúc “Khát vọng tuổi 20”: Tuổi đôi mươi của trời/Là màu xanh miên man/Tuổi đôi mươi của gió/Cuồng si nơi đỉnh đồi/Tuổi đôi mươi của biển/Là sóng trào cuộn sôi...

Tôi thích cái tiết nhạc tiếp theo của đoạn đầu như một sự dùng dằng rất phương Đông mà Văn Cao đã sử dụng trong bài “Suối mơ” thì ở “Khát vọng tuổi 20”, Xuân Bình chắc bị thơ lôi cuốn nên cũng dùng dằng như thế, thành ra phá vỡ đi cái cấu trúc vuông vắn của nhạc phương Tây trong khúc thức, tạo ra cấu trúc thuần Việt hơn: Mùa xuân từ chồi lộc/Mùa hạ từ nắng lên/Mùa thu mùa lá thả/Để mùa đông gió về. Một sự phá vỡ tự nhiên giống như sự xuất thần thay chữ “rơi” quen thuộc thành chữ “thả” là lạ ở câu Mùa thu mùa lá thả mà sau sự phá vỡ đó là sự cuộn dòng của cao trào điệp khúc.

Thơ Phạm Hồng Điệp có những khoảnh khắc hướng nội đến đắm chìm khiến nhạc sĩ Xuân Bình cũng phải lòng xao xuyến vào một điệu blue khi phổ nhạc bài “Nam Cầu Kiền nhớ em”. Day dứt làm sao những câu thơ: Ta nhớ em Nam Cầu Kiền ngóng đợi/Nỗi nhớ thẳm sâu như đêm trút thở dài. Độc đáo hơn là câu thơ: Ta nhớ em như nắng trào mướt mải và lắng sâu đầy ẩn dụ: Cá trong hồ quẫy nỗi nhớ trào dâng. Có thể nói, những câu thơ như vậy đã cho Xuân Bình cảm hứng để đắp bồi thêm các giai điệu tình ca cho ca khúc.

Phạm Hồng Điệp từng là một người lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và cũng như bao người Việt Nam khác đều yêu mến, kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau ngày Đại tướng mất, anh đã đầu tư xây dựng công trình “Vườn kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” với mong muốn góp phần giáo dục thế hệ trẻ học tập, lao động, khao khát vươn lên, làm giàu, cống hiến cho đất nước.

Vườn kỷ vật đã được tỉnh Gia Lai tặng trồng 111 cây Kơ nia với tất cả tấm lòng của người Tây Nguyên kính dâng lên anh linh Đại tướng. Cảm xúc từ món quà ý nghĩa này, Phạm Hồng Điệp đã có bài thơ “Tình yêu cây Kơ nia” được nhạc sĩ Ngọc Sơn phổ nhạc với giai điệu thấm đẫm âm hưởng dân ca vùng cao nguyên đất đỏ: Kìa bông hoa trắng trắng bay bay/Gửi vào gió hồn thiêng núi sông. Trong giai điệu của ca khúc có thể cảm nhận sự hòa điệu giữa gió núi Tây Nguyên và gió biển Hải Phòng, gợi nhớ về vị Đại tướng của lòng dân.

Cũng là cảm hứng về miền cao nguyên, nhưng nghiêng hẳn về trữ tình, Phạm Hồng Điệp lại khiến ta bất ngờ khi anh thong thả gieo con chữ vào cảm hứng với “Về xứ hoa” Đà Lạt. Bài thơ đã được nữ nhạc sĩ Ngọc Tuyết phổ thành những giai điệu sâu lắng dịu dàng khiến người nghe thổn thức một trắc ẩn đâu đó trong không gian ngào ngạt hương thơm của xứ hoa.

Ở đó: Có nắng vàng trong vắt/Ấp ngàn cây đâm chồi/Thông reo cùng gió nhẹ/Triền miên đỉnh đồi... Phạm Hồng Điệp còn có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay về hoa. Đó là hoa gạo đỏ tháng ba lại gợi nên bao nhớ mong đôi lứa trên các cung bậc yêu thương: Em có về mùa hoa gạo tháng ba/Thắp cả khoảng trời bao đêm khuya thao thức/Đếm sao anh chờ giấc ngủ/Con tim mải thương mải nhớ mong em.

Qua thời gian, tất cả sẽ đổi thay, nhưng tình yêu thì vẫn nguyên vẹn như thuở hồng hoang, bởi thế khi phổ nhạc bài thơ “Hoa gạo tháng ba”, nữ nhạc sĩ đã không chọn âm hưởng nhạc nhẹ mà lại như bị nhập hồn vào âm hưởng cổ điển. Đoạn sau của ca khúc được phát triển bởi sự tăng vọt của chữ âm qua khoảng tám đúng khiến người nghe nhận ra ở đó một luyến tiếc khôn nguôi những gì đã xa xăm.

Ngọc Tuyết còn có bài “Khúc tình xanh” phổ thơ của Phạm Hồng Điệp. Nữ nhạc sĩ đã tìm được cách tiếp cận bằng hơi thở của âm nhạc dân gian đương đại khá nhuẫn nhị: Giọt nắng thu say đắm ấp ôm đồi trà/Bạt ngàn xanh thấp thoáng dáng ai/Tay ngoan đưa nhanh hái từng búp trà/Đôi mắt huyền lung linh cao sang...

Có thể thấy, trong thế giới dạt dào thi ca và âm nhạc của Phạm Hồng Điệp một nhân tình thế thái gửi gắm, vừa chân thành, vừa giản dị song rất giàu cảm xúc. Nó là sự giao hòa trong lành cùng thiên nhiên của thi phẩm và nhạc phẩm chan chứa tình người, dịu dàng và hồn nhiên. Tất cả cứ triền miên điệp khúc xanh để nhận ra một Phạm Hồng Điệp - Khúc xanh dâng hiến cho đời.

NGUYÊN KHA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-giai-dieu-xanh-noi-cua-bien-post738512.html