Những giả thiết về lãi ngân hàng

Nếu tất doanh nghiệp có thể tự thu xếp vốn đầu tư và mọi gia đình có thể tự thân bằng tiền tiết kiệm, thì những khoản vay của ngân hàng sẽ trở nên thừa thãi.

Dịch vụ ngân hàng dĩ nhiên là cần thiết để giúp cho nền kinh tế lăn bánh. Nhưng không vì thế mà lãi suất và các khoản phí khác mà người dùng dịch vụ tài chính phải gánh được xem là “đầu ra” của sản xuất.

Nếu tất cả các doanh nghiệp có thể tự thu xếp vốn đầu tư thông qua thu nhập giữ lại (phần lợi nhuận mà họ không phân phối cho cổ đông), và tất cả mọi gia đình có thể tự thu xếp bằng tiền tiết kiệm, thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ không cần phải vay mượn, sẽ không phải trả lãi suất và các khoản cho vay của ngân hàng trở thành thừa thãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Skitterphoto/Pexels.

Quy ước kế toán quốc gia công nhận nghịch lý này bằng cách xếp chi phí cho dịch vụ tài chính (FISIM và phí trực tiếp) là chi phí sản xuất của doanh nghiệp hay của chính phủ.

Hoạt động sản xuất của các tổ chức tài chính cung cấp nguồn quỹ cho hoạt động của doanh nghiệp và chính phủ ngay lập tức biến mất vào trong “tiêu dùng trung gian” của công chúng và lĩnh vực tư nhân phi tài chính.

Chỉ có dòng chảy hàng hóa và dịch vụ từ công ty phi tài chính (và chính phủ) mới được tính là sản xuất cuối cùng. Nhưng vẫn có ngoại lệ cho các dịch vụ tài chính cung cấp cho hộ gia đình và doanh nghiệp không cư trú trong đất nước; những dịch vụ này, và cả phí trực tiếp do tổ chức tài chính quy định, được xem là đầu ra cuối cùng, được tính vào GDP cùng với những thứ hộ gia đình và người không cư trú tiêu thụ.

Khoản vay hộ gia đình tại Anh và Mỹ tăng ổn định, và đa số các nước thuộc khối OECD từ thập niên 1990 đã tự động gia tăng tỉ trọng đóng góp của ngân hàng vào GDP, thông qua dòng thu nhập từ lãi suất họ thu về từ hộ gia đình.

Bản chất nguy hiểm ngày càng tăng khi họ cho vay thứ cấp và cho vay đến những hộ gia đình đang ngập trong nợ nhưng lại càng làm tăng đóng góp này, vì ngân hàng đã áp đặt chênh lệch cao hơn lãi suất cho vay so với lãi suất tham khảo để điều chỉnh theo kịp rủi ro gia tăng.

Thói quen báo cáo lãi suất liên ngân hàng thấp hơn thực tế, vốn dĩ thường được dùng làm lãi suất tham khảo, có lẽ đã khiến sự chênh lệch này trầm trọng hơn trong vụ tai tiếng Lãi suất liên ngân hàng năm 2008.

FISIM là yếu tố đảm bảo cho tỉ trọng đóng góp của ngành tài chính trong GDP vẫn tiếp tục gia tăng từ sau cú sốc tài chính năm 2008 - 2009, đặc biệt là tại Mỹ và Anh.

Nhưng nếu một dịch vụ trung gian trở nên hiệu quả, lẽ ra nó phải hấp thụ ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, đầu ra của khách hàng; nó đáng lẽ phải có đóng góp tỉ trọng nhỏ hơn trong GDP nếu nó hoạt động ngày càng hiệu quả.

Môi giới bất động sản, ví dụ, có thu nhập từ tiền hoa hồng mỗi lần giao dịch thành công. Nếu họ làm việc hiệu quả hơn, cạnh tranh sẽ làm tỉ lệ hoa hồng giảm xuống và những người tham gia sẽ phải sống sót bằng cách giảm chi phí - và do đó đóng góp ít hơn cho GDP.

Quy luật lại hoàn toàn khác trong ngành tài chính. Tài khoản quốc gia hiện giờ thể hiện rằng chúng ta sẽ giàu có hơn khi thu nhập của ta chảy nhiều hơn đến những người “quản lý” tiền cho ta, hay những người đánh cược với tiền của họ.

Mariana Mazzucato/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-gia-thiet-ve-lai-ngan-hang-post1463174.html