Những doanh nghiệp nào sẽ được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ?

Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành Thông tư về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong tháng 4/2023 và được thực hiện từ thời điểm thông tư có hiệu lực đến hết năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng dự thảo thông tư lần này về cơ bản nghiên cứu kế thừa quy định của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung). Trong đó, các khoản nợ được cơ cấu là các khoản dư nợ gốc và lãi trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến trong tháng 4/2023 sẽ ban hành Thông tư về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, để được cơ cấu nợ các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có nợ phát sinh trước ngày Thông tư có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Khách hàng được TCTD đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn được cơ cấu lại. Thời gian cơ cấu nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại dự thảo Thông tư được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết 31/12/2023.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cho TCTD, các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 50% và trích lập đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập tính đến thời điểm 31/12/2023.

Đồng thời, dự thảo quy định, lãi phải thu của các khoản nợ này TCTD không hạch toán lãi dự thu mà theo dõi ngoại bảng, khi thu được với được hạch toán thu nhập. Quy định này nhằm ngăn chặn việc TCTD lợi dụng chính sách để trục lợi.

Ngoài ra, để có cơ sở đánh giá tính hiệu quả của chính sách, trên cơ sở ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, kế thừa quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, dự thảo Thông tư này có bổ sung thêm phụ lục 02 để thống kê số lượng khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và số khách hàng không được áp dụng chính sách này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2022 - thời điểm kết thúc Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là 722.334 tỷ đồng với 1.090.725 khách hàng; Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là 92.425 tỷ đồng với 561.989 khách hàng.

Đến cuối tháng 02/2023: Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ còn 84.381 tỷ đồng; Dư nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn 9.946 tỷ đồng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nhung-doanh-nghiep-nao-se-duoc-co-cau-no-giu-nguyen-nhom-no-1092118.html