Những đồ vật đặc sắc của người Thái hút khách du lịch ở Nghệ An

Rất nhiều du khách khi đến xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã tìm đến xem nhiều đồ vật độc đáo của đồng bào người Thái.

Đồng bào người Thái ở các huyện miền núi Nghệ An có đời sống văn hóa vật chất, tinh thần rất phong phú trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, khi cuộc sống giữa miền xuôi và miền núi ngày càng rút ngắn khoảng cách, thì những tập tục, sinh hoạt cũ ngày xưa của đồng bào người Thái ngày càng mai một.

Anh Vi Văn Minh (SN 1972) là giáo viên dạy bậc tiểu học ở xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) cho biết, trong suốt 20 năm qua, hai vợ chồng anh đã sưu tầm, mua lại rất nhiều đồ dùng sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của đồng bào người Thái. Ở khu trưng bày tại nhà anh Minh gần như hội tụ hầu hết các đồ vật từ xưa đến nay của đồng bào người Thái từng sử dụng như các chảo bằng đồng để nấu thức ăn, chum đựng nước và thuốc, lục lạc đeo ở cổ trâu bò, bộ đồ cúng của thầy mo ở bản làng... và đặc biệt là rất nhiều đồ vật trang sức bằng bạc tinh xảo.

Du khách thích thú với nhiều đồ vật được trưng bày ở nhà anh Minh

Trong số các đồ vật được vợ chồng anh Minh lưu giữ, còn có một bộ đồ để sử dụng thuốc phiện gồm 12 dụng cụ khác nhau: Khay đựng đồ được đục bằng gỗ có nhiều hoa văn, cân tiểu ly, đèn dầu, chày cối nhỏ, chảo bằng đồng, vỏ quả bầu… và chiếc tẩu hút thuốc phiện dài khoảng 40cm, được đục, khắc chạm thành nhiều đoạn khác nhau.

“Chiếc đèn được gò từ ống đồng, đốt bằng mỡ lợn hoặc mỡ chó, tuyệt đối không dùng dầu hỏa” – anh Minh chia sẻ.

Nhiều người tò mò trước các vật dụng hút thuốc phiện được cất giữ hàng chục năm qua - Ảnh: Quốc Huy

Cũng theo vị gia chủ này, mặc dù anh đã bán đi nhiều bộ đồ chơi thuốc phiện, đây là bộ lâu năm nhất trong vùng mà anh còn lưu giữ được, vì vậy anh Minh không bán mà để trưng bày cho du khách đến xem.

'Chứng nhân lịch sử' của một trào lưu nguy hiểm

Theo ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu), các đồ vật của đồng bào người Thái cũng như bộ đồ hút thuốc phiện anh Minh sưu tập được đã có từ gần trăm năm, là một trong những 'chứng nhân lịch sử' của vấn nạn chơi thuốc phiện trong vùng một thời.

Ông Hoài cho biết, vào khoảng 30 năm trước, ở bản Hoa Tiến là nơi rộ lên vấn nạn hút thuốc phiện. Hầu hết đàn ông trong bản làng đều dùng thuốc phiện nên các vật dụng, đồ nghề hút thuốc rất nhiều.

“Trào lưu hút thuốc phiện đã có từ rất lâu. Thời đó, nhiều người từ khi mới 15 - 16 tuổi đã sử dụng thuốc phiện. Các cụ sinh vào khoảng năm 1930, vậy thì những bộ đồ này phải gần trăm năm tuổi” – ông Hoài kể.

Cũng theo ông Hoài, bản thân mình cũng sinh ra và lớn lên ở bản Hoa Tiến, từ khi còn nhỏ đã thấy nhiều người hút thuốc phiện. Ở thập niên 90 này, những người chơi thuốc phiện chia thành từng nhóm 3 - 4 người dùng chung một bộ đồ.

“Ở thời điểm đó không phải người giàu mới hút mà chỉ cần có điều kiện một tý là đã sử dụng thuốc phiện. Ngày trước ở Châu Tiến không trồng cây thuốc phiện, nguồn cung cấp chủ yếu là của người H’Mông trên dãy núi cao giáp Lào ở huyện Quế Phong. Mọi người thường mang vải vóc, muối trắng lên để đổi thuốc phiện về hút” – ông Hoài nhớ lại.

Những hình ảnh các đồ vật của đồng bào miền Tây Nghệ An một thời.

Bộ sưu tập duy nhất ở bản Hoa Tiến mà anh Minh đang trưng bày

Chum nhỏ đựng nước và thuốc

Một chảo nhỏ bằng đồng được lưu giữ hàng chục năm qua

Nhiều đồ vật trang sức bằng bạc được anh Minh sưu tầm

Lục lạc treo ở cổ trâu, bò cũng được đưa về trừng bày

Bộ đồ cúng của thầy mo ở bản làng được lưu giữ

Những chiếc gùi đựng lúa, ngô, sắn và những tấm vải được dệt từ sợi tơ tằm truyền thống của đồng bào người Thái

Bình vôi, chày giã gạo...

Cửa ra vào được đục giống hình sừng con trâu

Bộ bàn ghế được đục nguyên khối từ các gốc cây ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An - Ảnh: Quốc Huy

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-do-choi-thuoc-phien-vang-bong-mot-thoi-hut-khach-o-nghe-an-2060426.html