Những điều mẹ bầu nên biết về dị ứng khi mang thai

Bệnh ngứa sẩn mề đay và phát ban thai kỳ tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ra tình trạng ngứa ran rất khó chịu ở phụ nữ mang thai. Bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu tìm hiểu được những chứng bệnh...

Dị ứng khi mang thai do bệnh mề đay, sẩn ngứa

Một số phụ nữ mang thai có thể xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như phát ban màu đỏ, rất ngứa, nổi thành các mảng sẩn mề đay rộng trên bụng. Điều này được gọi là ngứa sẩn mề đay trong thai kỳ hay là phát ban đa dạng.

Ngứa sẩn mề đay thường xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ hoặc có thể bắt đầu sớm hơn và đôi khi là trong hai tuần đầu tiên sau khi sinh con. Tình trạng dị ứng khi mang thai này phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai song sinh và con đầu

Các nốt phát ban có thể khiến các thai phụ bị ngứa, bắt đầu từ vùng bụng và xung quanh vùng da bị rạn (nếu có). Nó có thể lan rộng sang đùi, mông, lưng, và hiếm gặp hơn là ở tay và chân. Cổ, mặt, bàn tay, bàn chân thường không bị.

Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc mỡ để bạn bôi tại chỗ giúp cơn ngứa dịu đi, hoặc thuốc kháng histamin. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn có thể phải uống một đợt steroid.

Tuy nhiên, một điều may mắn là ngứa sẩn mề đay không gây nguy hiểm cho mẹ hoặc em bé. Nó thường biến mất trong vòng một vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh. Hơn nữa, bệnh hiếm khi tái lại trong lần mang thai tiếp theo.

Dị ứng khi mang thai do phát ban thai kỳ (hay sẩn ngứa trong thai kỳ)

Tình trạng này tương đối hiếm, đôi khi được gọi là phát ban thai kỳ, và có triệu chứng đặc trưng là cơ thể xuất hiện nhiều ban nhỏ, lúc đầu trông giống như các vết bọ cắn, sau đó do gãi mà lây lan ra.

Mẩn ngứa khi mang thai thường bắt đầu vào cuối tam cá nguyệt thứ hai hoặc đầu tam cá nguyệt thứ ba. Các mẩn nổi có thể rất ngứa và khó chịu, thường xuất hiện trên chân, tay hoặc thân trên của bạn. Bạn sẽ cần đi khám bác sĩ để được kê thuốc bôi và thuốc kháng histamine phù hợp. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể cần dùng một đợt steroid đường uống.

Tình trạng này sẽ kết thúc sau khi sinh con, tuy nhiên với một số ít trường hợp, nó kéo dài đến ba tháng, và có thể tái phát ở lần mang thai sau. Tuy nhiên, nó không gây nguy hiểm cho bạn hoặc thai nhi.

Làm thế nào để hết bị dị ứng khi mang thai?

Cách điều trị cho tình trạng dị ứng khi mang thai sẽ phụ thuộc một phần vào nguyên nhân gây ngứa. Nếu do làn da của bạn bị căng hoặc bị khô, lưu ý những cách đơn giản sau đây:

Tránh tắm nước nóng lâu dưới vòi sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm. Việc này có thể làm khô da và khiến tình trạng ngứa tồi tệ hơn. Bạn nên sử dụng loại xà bông nhẹ không mùi vì một số mùi hương có thể gây kích thích. Tắm kỹ cho thật sạch xà phòng, sau đó lau khô người nhẹ nhàng. Bạn cũng nên dùng các sản phẩm làm từ bột yến mạch và tắm với nước ấm.

Dưỡng ẩm da với sữa dưỡng thể không mùi sau khi tắm.

Đắp gạc mát trên vùng da bị ngứa.

Tránh đi ra ngoài trong những ngày quá nóng, vì nắng nóng dễ làm da mẫn cảm hơn.

Mặc quần áo coton mềm mại, thoáng mát.

Nếu các biện pháp này dường như không có tác dụng, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ để được kê thuốc bôi hay thuốc uống hay cả hai.

T/H

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhung-dieu-me-bau-nen-biet-ve-di-ung-khi-mang-thai-257930.html