Những điều ít biết về Đền thờ Chu Văn An

Cách hồ Hoàn Kiếm chỉ hơn 8km, có một khu di tích đặc biệt mà năm vào những ngày đầu xuân, người dân khắp nơi đến thăm viếng với sự kính cẩn tôn nghiêm. Đó là Đền thờ Chu Văn An, nơi thờ phụng người thầy giáo với tấm gương mẫu mực về tâm đức sáng ngời, tọa lạc tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đình thờ Danh nhân tiên triết Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Đình được xây dựng năm Ất Dậu (1765). Suốt gần 250 năm qua, đình không ngừng được bảo quản và trùng tu. Hiện nay ngôi đình được xây dựng với quy mô Thủy đình, Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả - Hữu vu.

Đại bái là một ngôi nhà ngang năm gian, hai dĩ, hai mái chảy lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình tượng hổ phù đội mặt trời lửa, ngậm chữ Thọ, hai đầu bờ nóc là makara cách điệu, cuối bờ dải xây giật cấp. Từ bờ dải qua tường lửng, nối với biểu, tạo thế tay ngai, trụ biểu. Vào bên trong, tương ứng với năm gian là các bộ vì gỗ trên bốn hàng chân cột.

Di tích Đình thờ Danh nhân Tiên triết Chu Văn An.

Bộ vì ba gian giữa kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, hạ chồng rường, bẩy chéo. Bộ vì hai gian bên được làm theo kiểu thượng chồng rường, giá chiêng, vì nách kẻ ngồi, bẩy hiên. Chạm khắc trang trí tập trung ở các con rường và đầu dư gian giữa với đề tài rồng, lá lật, hoa văn sóng nước khá uyển chuyển.

Ngay sau Đại bái là Trung cung với lối kiến trúc hẹp lòng, bộ vì mai cua với tám khoảng hoành được chạm khắc trang trí hai mặt, đề tài cá chép hóa rồng, hổ phù, tứ quý rất sinh động, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hậu cung cũng là nếp kiến trúc hẹp lòng, gồm ba gian, hệ tường bao quanh được xây vượt cao lên. Bộ vì đỡ mái làm đơn giản theo kiểu chồng rường. Gian chính giữa Hậu cung là khám thờ Chu Văn An, hai bên là ban thờ hai vị Chu Đình Bảo và Lý Trần Thản.

Trong cung có tranh thờ và đầy đủ nghi trượng tế tự. Đến ngày 26 tháng 11 năm Ất Hợi (1995) xã đã tạc pho tượng gỗ để thờ. Các đồ thờ tự hầu hết được mua sắm từ năm Mậu Ngọ (1918) và được bổ sung, tôn tạo thường xuyên. Năm 2009 đình được tu bổ tôn tạo lại toàn bộ và mở rộng khuôn viên sân đình như hiện nay và được gắn biển “công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Trước đình là Lầu thủy tạ hình tròn đặt ở giữa Hồ bán nguyệt, rất mỹ thuật và phong thủy, được xây dựng năm 1941. Lầu thủy tạ này thường được lấy làm hình ảnh kiến trúc biểu trưng cho xã Thanh Liệt và cả huyện Thanh Trì. Tháng 6/2010, khi trùng tu Đình thờ Chu Văn An, Lầu Thủy tạ được hạ giải để nắn đường trả lại mở rộng sân đình.

Sinh thời Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.

Trong đình có nhiều hoành phi, câu đối. Chính giữa là bức hoành “Túc thanh cao” đã khái quát về đức hạnh của danh nhân. Có bức hoành “Thanh Liệt xã nghĩa dân” do vua Tự Đức ban năm Quý Mùi (1883) sau khi nhân dân Thanh Liệt trong một trận chiến đấu cùng nhân dân 5 xã trong vùng đã đánh thắng giặc Cờ đen ngày 20/7/1882 trên sông Nhuệ. Ở giữa là đôi câu đối Nôm: “Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho tuồng mãi quốc/ Lục kinh tro chửa nguội, biển huỳnh treo mãi chốn danh hương”.

Ngày 30/8/1945, đình Nội là địa điểm thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã Thanh Liệt và nơi chính quyền cách mạng ra mắt dân chúng. Đồng thời, đây cũng là nơi chứng kiến sự tan rã chính quyền thực dân phong kiến, chấm dứt sự thống trị của chế độ áp bức đế quốc thực dân.

Con đường cái quan trước đây chạy vòng bên ngoài Hồ bán nguyệt. Năm 1968, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nhà nước mở đường mới chiếu thẳng qua sân đình Nội. Đến năm 2010 con đường được nắn lại chạy ven bờ sông, trả lại cảnh quan sân đình như xưa. Cũng trước đây, cuối sân đình còn có hai cột hoa biểu lớn với tường ngăn. Hai đầu đình có biển “Hạ mã” (xuống ngựa) rất uy nghiêm.

Trải qua thời gian tồn tại và có những biến động qua các lần trùng tu, sửa chữa, song cơ bản di tích vẫn trong khu vực đất Thanh Liệt và còn bảo lưu được những di vật quý như: kiệu gỗ, khám thờ, y môn, cửa võng, hoành phi, câu đối, lộc bình, đỉnh trầm, bia đá, sắc phong, thần phả...

Đình Nội là một trong những di tích quan trọng của huyện Thanh Trì, nơi thờ vị danh nhân lớn của đất nước, di tích được bảo quản tốt, đã góp phần không nhỏ vào việc suy tôn Chu Văn An, người thầy mẫu mực trong lịch sử, có đóng góp quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà, đồng thời giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Những nét chữ đầu tiên của năm mới luôn hướng con người đến với cái Đẹp, cái Thiện.

Danh nhân tiên triết Chu Văn An là “Bậc Nho học tiêu biểu nhất của nước Việt ta”, “Bậc thánh cao nhất”, “Ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam”, Người được tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời). Tương truyền, sinh thời Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Hằng năm, cứ vào dịp đầu xuân, người dân và du khách thập phương lại nô nức về Đình thờ Tiên triết Chu Văn An khai bút, xin chữ đầu năm.

Tại Ngày hội khai bút đầu xuân Giáp Thìn vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đã chia sẻ: Tư tưởng lớn của Thầy giáo - Danh nhân Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Theo ông: “Việc dạy dỗ của thánh nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào”; đồng thời, học phải đi đôi với hành. Theo quan niệm của ông: “Học mới chỉ có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến bước được, có biết mới làm được, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, sâu sắc nhất”, giáo dục văn hóa đi đôi với giáo dục làm người.

Với quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, có thể nói Thầy giáo - Danh nhân Chu Văn An là truyền dạy Nho học một cách trọn vẹn vào nước ta; đã mở đường học kỷ cương, đạo lý, quyền uy không sợ - danh lợi không màng, nêu cao nghĩa khí của đạo học, người thầy trong tâm thức của nhân dân cả nước với cuộc đời thanh bạch và tiết tháo đã trở thành tấm gương sáng cho mọi thời đại, cuộc đời và sự nghiệp được đời đời sùng kính, tôn vinh.

Chu Văn An được tôn vinh là bậc thánh cao nhất về Nho học, là người tiêu biểu nhất về lĩnh vực giáo dục, học trò theo học thầy rất đông. Học trò của thầy không chỉ được học chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử; dù ở cương vị nào, học trò của thầy cũng là những tấm gương về tài năng, đức độ. Tấm gương Danh nhân Chu Văn An - Người thầy của muôn đời mãi mãi in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam như lời khẳng định của Cao Bá Quát: “Trời đất soi chung vầng hào khí/ Nước non còn mãi nếp cao phong”.

Những nét chữ đầu tiên của năm mới luôn hướng con người đến với cái Đẹp, cái Thiện, gửi gắm trong đó những hy vọng, mong muốn về những điều hạnh phúc, thành đạt, sự may mắn,…; đồng thời, có ý nghĩa rất sâu sắc, thiết thực nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-dieu-it-biet-ve-den-tho-chu-van-an-166514.html