Những điều chưa biết về lưới lửa phòng thủ tên lửa hạt nhân quanh Moscow

Theo tạp chí National Interest, thành phố được bảo vệ chặt chẽ nhất trên thế giới hiện nay không phải là Washington, DC mà là Moscow. Thủ đô Nga là nơi duy nhất được bảo vệ bởi các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Vào năm 1972, Mỹ và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo (ABM). Hiệp ước ABM tập trung vào việc giới hạn số lượng vũ khí phòng vệ mà mỗi nước đang có trong tay, được thiết kế nhằm ngăn chặn các đợt tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

Theo lý thuyết, sự xuất hiện tràn lan của các tên lửa ABM của hai bên sẽ dẫn đến việc hai nước đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí tấn công hiện đại nhằm vượt qua hệ thống phòng thủ của nhau.

Hệ thống rađa cảnh báo sớm Don-2N, một phần rất quan trọng của các hệ thống tên lửa ABM quanh thủ đô Moscow.

Tuy nhiên, Hiệp ước ABM không cấm tất cả các loại tên lửa phòng không, mà mỗi bên được phép thiết lập một căn cứ tên lửa ABM tại bất kỳ vị trí nào mà họ muốn. Mỹ đặt hệ thống tên lửa ABM mang tên Safeguard tại Căn cứ Không quân Grand Forks tại bang Bắc Dakora nhằm bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công bất ngờ. Safeguard sau này bị ngừng hoạt động do chi phí quá cao trong khi ứng dụng của nó lại không nhiều.

Ngược lại, Liên Xô bố trí hệ thống tên lửa ABM gần Moscow, với lo ngại rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào thủ đô sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống tên lửa ABM của Liên Xô là A-35, được đề xuất từ những năm 1950 khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắt đầu thay thế oanh tạc cơ để trở thành hiểm họa lớn nhất đối với Moscow.

Ban đầu, Nga định bố trí 32 địa điểm đặt hệ thống A-35 bao quanh Moscow cùng 9 loại rađa khác nhau, nhưng trong quá trình phát triển, số địa điểm giảm xuống chỉ còn 4, mỗi nơi có 8 dàn phóng tên lửa và mỗi quả tên lửa đều được lắp đặt đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa A-350 trong một cuộc diễu binh tại Liên Xô.

Hệ thống A-35 được trang bị các tên lửa A-350, một loại tên lửa nhiên liệu lỏng nặng 72.000 tấn. Được lắp đặt đầu đạn có sức công phá khoảng 2 đến 3 megaton, nó được thiết kế để đánh chặn bất kỳ tên lửa nào đang bay ở độ cao lên đến 120km. Bên cạnh A-350, Moscow còn có 48 tên lửa đất đối không SA-1, mỗi loại có tầm bắn tối đa 50km và được lắp đặt đầu đạn thường hoặc hạt nhân để ngăn chặn máy bay ném bom của đối phương.

Mặc dù vậy, do số lượng vũ khí hạt nhân của hai bên ngày một tăng lên, A-35 dần trở nên lỗi thời. Sau khi được thiết lập, Mỹ đã có trong tay 1000 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III cùng khoảng 600 tên lửa Polaris. Một báo cáo của Mỹ năm 1968 ghi nhận rằng chỉ cần 66 tên lửa Minuteman và hai tên lửa Polaris cũng có thể quét sách tất cả các hệ thống tên lửa A-35 cùng các rađa đi kèm.

Đến giữa những năm 1970, Liên Xô nghiên cứu chế tạo một hệ thống tên lửa ABM mới mang tên A-135. Nó được thiết kế không chỉ để bảo vệ thủ đô Moscow trước một cuộc chiến tranh hạt nhân, mà còn có thể tấn công tầm ngắn. Mãi đến năm 1989, hệ thống này mới được đưa vào hoạt động và chỉ được coi là có độ tin cậy cao vào năm 1995.

Tên lửa phòng không mang đầu đạn hạt nhân OKB Fakel của Nga, được dùng cho các hệ thống A-135.

A-135 là một sự nâng cấp đáng kể so với người anh em đi trước mình. Nó có thêm 68 ống phóng tên lửa nữa, nâng tổng số tên lửa mà Nga có thể bắn trả lên đến 100 quả và tuân thủ đúng những điều kiện nêu ra trong Hiệp ước ABM. Nó sử dụng hai loại tên lửa là Novator 53T6 và OKB Fakel 51T6, cả hai đều được lắp đầu đạn hạt nhân có sức công phá 10 kiloton và nhỏ hơn loại được trang bị cho tên lửa A-350, nhờ vậy độ chính xác của nó được nâng lên.

Khoảng năm 2002 – 2003, tên lửa OKB Fakel đã hết thời hạn sử dụng và đã bị giải giáp vào năm 2006. Trong khi đó, Novator 53T6 được cho là đã được thay thế bởi một loại tên lửa mới có tầm bắn tối đa 80km và tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao tối đa là 30.000m.

Tương lai của hệ thống tên lửa ABM của Nga vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Phần lớn các thiết bị của hệ thống này đều đã cũ và sẽ phải thay mới trong tương lai, và Nga sẽ cần một khoản ngân sách không hề nhỏ. Theo hiệp ước New START mới, Nga chỉ được phép có tối đa 1.550 đầu đạn hạt nhân có thể được triển khai, và Moscow sẽ phải quyết định liệu họ có nên tiêp tục nâng cấp A-135 hay đầu tư hoàn toàn vào các loại tên lửa tấn công.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-luoi-lua-phong-thu-ten-lua-hat-nhan-quanh-moscow-post214347.info