Những đề xuất, sửa đổi cần thiết cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng

Đề nghị cân nhắc giảm thời gian xác định chết não xuống còn 6 tiếng và bỏ quy định bác sỹ pháp y trong hội đồng xác định chết não; bỏ quy định phải có đơn vị ghép thực nghiệm đối với các cơ sở y tế khi cấp phép hoạt động lấy, ghép tạng...

Trước những vấn đề bất cập liên quan đến hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng hiện nay, đòi hỏi cần phải được đầu tư nghiên cứu, xem xét và đánh giá hiệu quả triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong gần 10 năm qua làm cơ sở đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan theo hướng đề xuất, sửa đổi sau:

1. Đề nghị cân nhắc giảm thời gian xác định chết não xuống còn 6 tiếng và bỏ quy định bác sỹ pháp y trong hội đồng xác định chết não; bỏ quy định phải có đơn vị ghép thực nghiệm đối với các cơ sở y tế khi cấp phép hoạt động lấy, ghép tạng.

2. Để tăng cường số người hiến tặng mô, tạng nhân đạo, vì lợi ích của cộng đồng và góp phần chống lại hiện tượng mua bán nội tạng gây bất ổn cho xã hội, cần có quy định tôn vinh xứng đáng sự hy sinh và nghĩa cử cao đẹp của người đã hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não theo hướng:

- Đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống (bất kể người hiến tặng là người than cùng huyết thống hoặc người hiến tặng vô danh):

+ Được ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng. Kể cả chí phí xét nghiệm, sàng lọc đến giai đoạn cuối cho kết quả người đăng ký hiến không đủ điều kiện để hiến tặng theo quy định.

+ Được thanh toán toàn bộ chi phí mổ lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất (theo yêu cầu của người hiến).

+ Được bồi dưỡng một phần vật chất để hồi phục sức khỏe sau khi đã hiến tặng mô, tạng (đặc biệt đối với người đã hiến tạng vì hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài đến người đã hiến là không nhỏ) như quy định trong hiến máu nhân đạo và phần vật chất này được trích từ ngân sách Nhà nước (qua Quỹ hỗ trợ người hiến tặng mô, tạng do Nhà nước thành lập hoặc từ Quỹ Bảo hiểm y tế...).

+ Được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp (không bị ràng buộc theo chuyển tuyến) và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100% và thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chết vất vả cho người hiến tặng.

+ Ngoài ra, cần có chế độ ưu đãi đặc thù khác như: Có chế độ ưu tiên học phí ở hệ thống các trường đào tạo công lập, chế độ miễn giảm viện phí (hoặc một trong những người con, cháu của Họ được hưởng quyền lợi này); được ưu tiên khi đi các phương tiện giao thông công cộng... và các chế độ, chính sách phù hợp khác.

- Đối với người hiến tặng sau khi chết, chết não:

+ Được miễn toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trước khi chết não và hiến tạng;

+ Được hỗ trợ vận chuyển thi thể về địa phương và chi phí mai táng;

+ Bố mẹ hoặc con được tặng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tặng và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100% và thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chết vất vả cho người hiến tặng.

+ Ngoài ra, có chế độ ưu tiên học phí ở hệ thống các trường đào tạo công lập cho bố mẹ hoặc con của Họ; được ưu tiên khi đi các phương tiện giao thông công cộng... và các chế độ, chính sách phù hợp khác.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế

3. Để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng trong khi vẫn bảo đảm nguyên tắc tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, cần thiết:

- Quy định thay thế hình thức đăng ký hiến tặng bằng cách ký đơn tình nguyện hiến tặng bằng hình thức đăng ký từ chối hiến tặng. Nghĩa là, nếu đến tuổi thành niên (18 tuổi) đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, nếu không đăng ký từ chối hiến thì mặc nhiên được chấp nhận là tình nguyện hiến tặng sau khi chết, chết não. Đây là quy định hiện đang được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng

- Đề nghị sửa đổi, bổ sung vào hệ thống pháp luật về cấp bằng lái xe, cấp chứng minh thư, cấp thẻ định danh công dân, hộ chiếu và cấp thẻ BHYT, theo đó bất kỳ Ai khi đề nghị cấp bằng lái xe hoặc cấp CMND, cấp thẻ định danh công dân, hộ chiếu hoặc cấp thẻ BHYT sẽ có mục trả lời câu hỏi có tình nguyện hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não không? nếu có sẽ được đưa vào một nội dung thể hiện cấu thành trên bằng lái xa, CMND, thẻ định danh, hộ chiếu hoặc thẻ BHYT đó. Với quy định này sẽ góp phần truyền thông mạnh mẽ, thiết thực và làm tăng số lượng người đăng ký hiến tặng mô, tạng lên rất nhiều lần. Đây cũng là quy định ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới đang áp dụng có hiệu quả.

4. Để giải quyết được những vấn đề bất cập liên quan đến việc khám, tư vấn và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, cần thiết phải có quy định bổ sung quy định sử dụng ngân sách Nhà nước (qua BHYT hoặc quỹ riêng) thanh toán kinh phí tổ chức khám, kiểm tra các thông số sức khỏe trước khi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

5. Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và khả thi trong việc điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, góp phần hạn chế và chống lại nguy cơ mua bán nội tạng, đồng thời góp phần vinh danh người hiến tặng mô, tạng vô vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh, cần phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để chủ động tiếp nhận, sàng lọc danh sách chờ ghép quốc gia, danh sách hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não (hiến tặng mô, tạng tiềm năng) và điều phối lấy, ghép mô, tạng hoàn toàn độc lập, khách quan trên hệ thống CNTN đó.

6. Cần xây dựng, định hình mạng lưới thu gom, điều phối mô tạng quốc gia với vai trò trung tâm điều tiết của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tạng đang khan hiếm. Theo đó, cần phải tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất cho Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, để Trung tâm này có đủ năng lực kiểm soát, điều phối hoạt động hiến, lấy, gép mô tạng trong cả nước một cách công khai, minh bạch và có hiệu quả.

7. Cần thiết phải thành lập 03 trung tâm điều phối vùng; tiếp tục phát triển các trung tâm ghép tại các bệnh viện và xây dựng, thông qua quy chế phối hợp giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với các cơ sở ghép, ngân hàng mô trong cả nước trong hoạt động hiến, lấy, ghép, điều phối mô, bộ phận cơ thể người.

8. Xây dựng, ban hành chiến lược phát triển ngành ghép tạng nước ta đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Làm cơ sở cho việc quy hoạch, các kế hoạch phát triển cụ thể.

9. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng trong toàn xã hội, theo đó trong những năm tới, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu sau:

- Xây dựng chiến lược, đề án truyền thông vận động hiến tặng mô tạng tổng thể của ngành y tế giai đoan 2015-2020, tầm nhìn 2030.

- Trên cơ sở đó giao cho các đơn vị có chức năng truyền thông của Bộ Y tế xây dựng Đề án giáo dục, truyền thông trong các trường đào tạo nhân lực, các cơ sở y tế trong cả nước; Đề án truyền thông trong các cộng đồng tôn giáo, cộng đồng xã hội; Đề án truyền thông đa phương tiện trên thông tin đại chúng.

- Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp giữa ngành y tế với các Tổ chức Chính trị - Xã hội, Tổ chức Xã hội, Cơ quan Nhà nước... trong công tác tuyên truyền vận động hiến tặng mô, tạng.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động truyền thông nhằm huy động các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cả cộng đồng vào hoạt động này.

10. Tăng cường năng lực xác định chết não, năng lực cấy ghép mô, tạng đồng thời với xây dựng hệ thống truyền thông, vận động, tư vấn hiến tặng mô, tạng trong các bệnh viện có đủ điều kiện trong cả nước đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: Trao đổi chuyên gia, đào tạo nhân lực, hợp tác khoa học-kỹ thuật và giáo dục, truyền thông.

Với những vấn đề tồn tại, bất cập trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, nếu được đánh giá, tổng kết và có quy định phù hợp như đề xuất nêu trên, chắc chắn sẽ bảo đảm tháo gỡ được những tồn tại, bất cập trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng hiện nay, qua đó tạo điều kiện, động lực thúc đẩy ngành ghép tạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, góp phần cứu sống tận cùng những người bệnh hiểm nghèo bị suy mô, tạng, đồng thời góp phần giảm tải sức ép lên quỹ BHYT đối với những bệnh nhân suy mô, tạng đang điều trị duy trì ở các cơ sở y tế cũng như góp phần giảm tải gánh nặng và quá tải của hệ thống y tế hiện nay.

Bài 1: 8 bất cập trong chính sách ghép mô, bộ phận cơ thể người

Nguyễn Hoàng Phúc

(Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-de-xuat-sua-doi-can-thiet-cho-hoat-dong-hien-lay-ghep-mo-tang-n124112.html