Những dấu hiệu cho thấy ngành thủy sản đang trở lại đường đua

Tháng 8, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Kết quả đó là tín hiệu cho thấy ngành thủy sản đang trở lại đường đua và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, tuy vẫn giảm hơn 15% so với tháng 8/2022, nhưng là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5,8 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Tổng cục Thống kê và Vasep

Xét về thị trường, lần đầu tiên tăng trưởng dương sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, Mỹ đã lấy lại vị thế số 1 với 165 triệu USD kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 8, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh: Vasep

Dù kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24%, nhưng tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng qua như: tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đang hồi phục chậm, nhưng thị trường Mỹ vẫn có xu hướng tốt hơn đối với tiêu thụ thủy sản đông lạnh. Trong khi giá bán lẻ thủy sản tươi sống tại Mỹ tiếp tục giảm, thì giá bán thủy sản đông lạnh đang tăng nhẹ 0,5%. Tới tháng 8, lượng người tiêu dùng Mỹ ăn uống bên ngoài đã cao hơn trước, cũng là dấu hiệu tích cực về xu hướng tiêu thụ trong những tháng tới.

Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.

Với thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, kim ngạch trong tháng 8 tuy cao hơn so với 2 tháng trước đó, nhưng chưa phản ánh rõ xu hướng hồi phục. Tuy nhiên, theo đánh giá của Vasep, vụ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ít nhiều đang làm xáo trộn thương mại thủy sản của nước này với các thị trường như Trung Quốc và các thị trường khác. Tác động tới thời điểm tháng 8 chưa thể hiện rõ ràng, nhưng có thể việc này sẽ làm giảm nhập khẩu thủy sản Nhật vào Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác.

Trước đó, ngay sau khi Tokyo bắt đầu đợt xả nước thải hạt nhân ra biển đầu tiên, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo đình chỉ nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản nguồn gốc Nhật Bản từ 24/8.

Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là các sản phẩm nhuyễn thể như sò, điệp, hàu, mực – bạch tuộc, cá minh thái, cá hồi, cá tuyết, tôm nước lạnh…cho cả mục đích tiêu thụ nội địa và chế biến. Diễn biến này có thể giúp thủy sản Việt Nam có thêm thị phần tại một số thị trường trong thời gian tới. Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn vào 4 tháng cuối năm, vừa để đáp ứng nhu cầu dịp lễ Tết Nguyên đán, vừa bù đắp phần nào sụt giảm từ thị trường Nhật.

Tại Hàn Quốc, kim ngạch tháng 8 cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm, nhưng so với cùng kỳ vẫn thấp hơn 24%.

Tuy nhiên, ngoài các thị trường chính với các xu hướng khác nhau, thì có nhiều thị trường nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 8, bao gồm: Australia, Philippin, Brazil, Arập Xêút và một số thị trường trong khối EU như Italy, Thụy Sỹ, Phần Lan…

Tháng 8 cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như cá tuyết, cá minh thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm… Những sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô…đang có nhu cầu nhập khẩu tăng so với năm trước.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tính đến hết tháng 7 đạt hơn 135 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 68 thị trường trong giai đoạn này. Trong đó, Mỹ, Đức và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất, chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam.

Ngoài các thị trường xuất khẩu cá ngừ đóng hộp truyền thống, dưới tác động của lạm phát năm nay xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang một số thị trường mới như Hàn Quốc, Chile trong 7 tháng đầu năm cũng đang tăng mạnh, lần lượt gấp 5 lần và 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

VASEP nhận định, sự gia tăng nhập khẩu này được đánh giá là do kinh tế suy thoái khiến cho người dân Hàn Quốc thắt chặt tiêu dùng hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng.

Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực như tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú, mực, chả cá đông lạnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, khiến doanh số xuất khẩu chung chưa thể bứt phá.

Do vậy tới hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn tăng trưởng âm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Các sản phẩm chính theo đó cũng đều thấp hơn 14 – 34%.

Song, với những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, dự báo cá tra và tôm trong những tháng tới sẽ tiến triển tốt hơn. Theo đó, xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8-1,9 tỷ USD, tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Như vậy, dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2022 và hoàn thành mục tiêu của năm 2023.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhung-dau-hieu-cho-thay-nganh-thuy-san-dang-tro-lai-duong-dua.html