Những dấu chân mở đường - Bài 1: Khép lại cánh cửa nghèo khó

LTS: Tiếp bước những dấu chân khắc bằng xương máu của các thế hệ cha anh đi trước, từng dấu chân của đảng viên Biên phòng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (các anh) hôm nay lại được đơm hoa, kết trái bằng những mô hình, việc làm cụ thể, góp phần đẩy lùi đói nghèo ở 13 xã biên giới. Đồng bào gọi đó là những dấu chân mở đường, khép lại cánh cửa nghèo khó của đồng bào vùng biên.

Bài 1: Khép lại cánh cửa nghèo khó

Nêu cao tinh thần “ở đâu có buôn làng, ở đó có đảng viên Biên phòng”, các anh đã cùng với đồng bào vùng biên phát triển kinh tế gia đình, diện mạo ở các buôn làng nhờ đó mà thay da đổi thịt.

3 bám, 4 cùng

Vượt qua quãng đường rừng chừng 5km từ thôn Vai Trang (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei), chúng tôi đến “mỏ vàng” của gia đình ông A Đàn (dân tộc Giẻ Triêng) rộng 5ha. Nơi đây được phủ kín bằng màu xanh của cà phê, hạt tiêu, khoai mì, sầu riêng… tất cả được quy hoạch rất bài bản và chi tiết ở khu vực vùng biên giáp với nước bạn Lào.

Gia đình ông A Đàn 4 đời đều thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ lúc khó khăn nên khi muốn thoát nghèo cũng chẳng biết lối để đi. Nguyên nhân được cho là thiếu tư liệu sản xuất, không có kiến thức chăm sóc cũng như e ngại chuyển đổi giống cây trồng trước đó từ nhiều năm.

Ông A Đàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo.

Từ ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của ông A Đàn, Đồn Biên phòng Đăk Long (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) đã cử Đại úy Brôl Minh Phong (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) là đảng viên trực tiếp kết nghĩa hộ gia đình xuống trực tiếp “cởi bỏ nút thắt” này.

Được đả thông tư tưởng, ông A Đàn quyết tâm chặt bỏ toàn bộ số cây trồng không phù hợp, thay thế vào các loại cây có giá trị kinh tế cao. Sau 35 năm là hộ nghèo bền vững, năm 2022, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ nông dân làm kinh tế giỏi kiểu mẫu. Từ 1 cặp bò giống sinh sản được Đồn biên phòng hỗ trợ cho sinh sản 2 lứa bê con, số bê này đã được trao tặng cho những hộ gia đình có điều kiện khó khăn hơn tại địa phương.

Đại úy Brôl Minh Phong - đảng viên trực tiếp kết nghĩa hộ gia đình đang hướng dẫn cách chăm sóc cây cà phê cho ông A Đàn.

Thượng tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long cho biết, từ điểm sáng của gia đình ông A Đàn, Đồn cử thêm 2 đảng viên triển khai mô hình trồng cà phê tại hộ gia đình ông A Hai (dân tộc Giẻ Triêng, thôn Măng Tách) với 300 cây cà phê, mô hình trồng cây bời lời cho 2 hộ gia đình với tổng số 5.000 cây hiện đang phát triển rất tốt. Năm 2023, mô hình tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của Đồn đã có 9 đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt tại 9 chi bộ thôn, làng; 1 đồng chí đảng viên là Phó bí thư Đảng ủy xã.

Tương tự, anh A Hiền (dân tộc Ha Lăng-một nhánh của dân tộc Xơ Đăng, thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cũng chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ có thể thoát nghèo và làm đơn xin thoát nghèo. Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn, anh A Hiền không khỏi xúc động nhớ lại, anh lấy vợ năm 2013, cả 2 vợ chồng xuất phát kinh tế từ số 0 tròn trĩnh, phải ở chung với bố mẹ trong căn nhà nhỏ chừng 15m2 nên cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Khi ấy, Thượng úy QNCN A Hùng (Nhân viên Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) là đảng viên được phân công phụ trách sinh hoạt chi bộ tại thôn Rờ Kơi đã nhanh chóng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh A Hiền và tìm hướng đi giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo.

Thượng úy QNCN A Hùng, Nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cùng vợ chồng anh A Hiền.

Trong bước đầu xây dựng tổ ấm, Thượng úy QNCN A Hùng vận động anh A Hiền tách khẩu, dựng một ngôi nhà nhỏ để an cư. Diện tích đất xung quanh nhà được cán bộ, chiến sĩ của Đồn cải tạo, mua giống và hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch cà phê, hạt tiêu. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, Thượng úy QNCN A Hùng còn “hiến kế” cho anh A Hiền trồng lúa nước, khoai mì, chăn thả thêm vịt, gà vừa là đảm bảo lương thực cho gia đình lại tăng thêm thu nhập.

Với quyết tâm không an phận mãi với đói nghèo, năm 2021, anh A Hiền tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo, kinh tế gia đình đi lên khi đã xây dựng được một ngôi nhà mới khang trang, thu nhập hàng năm đạt 50 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) Trần Lệnh Tuyến cho biết thêm, sự hiệp đồng phối hợp nhịp nhàng của Đồn Biên phòng Rờ Kơi cùng các cơ chế, chính sách đã góp phần to lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong những năm gần đây. Năm 2023, tổng số hộ nghèo giảm còn 368 hộ, chiếm 25,5%; hộ cận nghèo giảm còn 202 hộ chiếm 13,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người/năm.

“Kéo” cái nghèo ra khỏi vùng đất mới

Được thành lập vào tháng 3-2015, huyện biên giới Ia H’Drai với xuất phát điểm thấp được coi là ốc đảo bởi “đất rộng, người thưa, nắng lửa, dân nghèo”. Nhờ có sự đồng hành của đảng viên biên phòng, cái đói cái nghèo đã dần được “kéo” ra khỏi vùng đất mới, kỳ vọng về một vùng “đất lành chim đậu” của đồng bào đã dần trở thành hiện thực.

Nhờ có đảng viên biên phòng như Thượng úy QNCN A Hùng, gia đình anh A Hiền mới có của ăn, của để.

Cùng thời điểm thành lập huyện, gia đình bà Lô Thị Đút (dân tộc Mường ở thôn 7, xã Ia Tơi) cũng di cư từ tỉnh Điện Biên về đây làm kinh tế mới. Cuộc sống gia đình bà khi đó quanh năm đối mặt với cảnh sông nuốt nương, núi lấp nhà, đến khi được tổ Đảng 1, Chi bộ Đồn Biên phòng Sê San đỡ đầu bằng 1 cặp heo giống, kinh tế gia đình ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà Đút bày tỏ: “Từ cặp heo giống, được cán bộ biên phòng hướng dẫn cách chăm sóc nên heo phát triển tốt, nhanh lớn và cho sinh sản lứa thứ 2. Nhờ có Bộ đội Biên phòng nên gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay, con cái cũng được chăm sóc, học hành đầy đủ. Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ khác tại thôn 7 cũng được đảng viên đồn luân phiên hỗ trợ heo giống. Sau khi heo sinh con thì tiếp tục luân phiên cho hộ khác nuôi đến khi heo đẻ tiếp lứa mới”.

Theo Thượng tá Võ Thanh Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê San (xã Ia Tơi, huyện Ia H'Dai), việc phát triển đàn gia súc, gia cầm hiện là cách tốt nhất để đồng bào vươn lên từng bước xóa đói - giảm nghèo đa chiều. Với phương châm “mỗi chuyến đi là một niềm vui mang đến cho bà con, mỗi việc làm là một nét đẹp đong đầy niềm tin ý Đảng”, Đồn đã triển khai nhiều mô hình từ những việc làm cụ thể như: 3 tổ Đảng đỡ đầu cho hộ gia đình thoát nghèo bền vững ở 3 chi bộ, đảng viên đội địa bàn kết nghĩa hộ gia đình… Đến nay, có 10 hộ gia đình ở thôn 7 và thôn 8 thoát nghèo, thoát nghèo vượt chuẩn cận nghèo.

Còn với đồng bào ở xã Ia Dom, sự đồng cam, cộng khổ của đảng viên Đồn Biên phòng Ia Dom (huyện Ia H’Dai) đã giúp đời sống kinh tế của đồng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ thoát nghèo tăng đáng kể. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho hay, tính đến hết năm 2023, toàn xã có 39 hộ thoát nghèo (trong đó 16 hộ thoát nghèo lên cận nghèo, 23 hộ thoát nghèo vượt chuẩn cận nghèo) và 189 hộ thoát cận nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Dom giúp bà con làm đường giao thông nông thôn.

Là 1 trong 189 hộ thoát cận nghèo năm nay, anh A Trung (sinh năm 1992, dân tộc Giẻ Triêng) không giấu nổi niềm vui sướng xen lẫn xúc động. Gia đình có 4 khẩu, là lao động duy nhất trong nhà lại ít có ruộng nương, tất cả chỉ trông chờ vào vài chục gốc cà phê, quanh năm đi làm mướn cũng không đủ ăn. Từ mô hình đảng viên sinh hoạt tại chi bộ giúp đỡ hộ gia đình, anh A Trung được trao hỗ trợ 1 cặp heo giống trị giá 3 triệu đồng, sau 6 tháng đã cho sinh sản lứa đầu tiên, dự kiến tháng 3-2024 sẽ cho lứa mới.

“Được cán bộ động viên và ân cần chỉ bảo, tôi đã biết canh tác theo thời vụ, áp dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn, hình thành kinh tế nông nghiệp tổng hợp, đa dạng. Tôi cảm thấy rất vui vì bây giờ đã có thể tự làm và kiếm thêm nguồn thu nhập từ công sức mình bỏ ra”, anh A Trung nói.

Chia sẻ về thành công của đơn vị, Thiếu tá Cao Anh Quốc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Dom nói, trong thời gian qua, Đồn luôn xác định rõ việc đưa đảng viên biên phòng về với hộ gia đình là giúp đỡ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhưng phải luôn đi cùng với việc bảo vệ biên giới quốc gia. Đến nay, 17 đồng chí đảng viên đã phụ trách 70 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, 4 đồng chí đảng viên sinh hoạt tại 2 chi bộ, 1 đồng chí đảng viên tham gia Phó bí thư đoàn xã. Ngoài ra, Đồn cũng tổ chức khảo sát, chuyển đổi mô hình bò giống sinh sản theo chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cho 1 hộ gia đình trị giá 10 triệu đồng.

Với phương châm “3 bám - 4 cùng”, các đồng chí đảng viên biên phòng đã nỗ lực sẻ chia, thấu hiểu để đồng bào thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất, chủ động học hỏi vươn lên trong phát triển kinh tế thông qua những mô hình sinh kế cụ thể. Đây được coi là phương hướng, là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực tự mình vươn lên thoát nghèo. Từ đó có thể khẳng định, chủ trương tăng cường đảng viên biên phòng xuống cơ sở là đúng đắn, rút ngắn “lộ trình” giảm nghèo bền vững tại vùng lõi nghèo khu vực biên giới tỉnh Kon Tum, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Video: Đảng viên Biên phòng tỉnh Kon Tum đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nhung-dau-chan-mo-duong-bai-1-khep-lai-canh-cua-ngheo-kho-765356