Những đảng viên tiêu biểu

Nhớ lời ông Ké “Không được lấy cái kim, sợi chỉ của dân”

Bà Nguyễn Thị Cát (trong ảnh) là cán bộ tiền khởi nghĩa, tổ dân phố Vĩnh Quý, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Đầu năm 1945, cả nước ta đang sục sôi kháng chiến chống thực dân Pháp, bà Cát tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đội viên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Châu Khánh Thiện (Chiêm Hóa) với bí danh Mai Sơn. Bà nhớ rõ, thời điểm tháng 4/1945, đội của bà gồm khoảng 7, 8 người vượt đường rừng đi bộ vòng sang Bắc Kạn, Thái Nguyên để di chuyển về chiến khu cách mạng Tân Trào (Sơn Dương).

Khi sang đến Thái Nguyên, bà là 1 trong 4 người biết chữ đã được đơn vị cử sang chiến khu cách mạng Tân Trào làm đội viên tuyên truyền phục vụ tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Bà tự hào kể: “Trong những tháng phục vụ cách mạng ở Tân Trào, tôi đã nhiều lần được gặp ông Ké, ông Văn. Nhưng mãi sau này chúng tôi mới biết đấy là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nhớ nhất lần đầu tiên gặp Bác Hồ, lúc đó khoảng tháng 4, mùa quả mận, quả mơ. Bác hiểu tâm lý chị em phụ nữ hay ăn vặt, sợ xuống nhà dân vặt quả. Bác đã căn dặn chúng tôi “Không được lấy cái kim, sợi chỉ của dân. Lấy cái gì của dân phải hỏi”. Lời căn dặn của Bác đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời”.

Cách mạng tháng 8 thành công, bà Cát tiếp tục làm đội viên tại Ban quản lý tỉnh Tuyên Quang, với nhiệm vụ vừa tuyên truyền nhân dân giác ngộ cách mạng, vừa mang muối lên các xã vùng cao huyện Na Hang đổi lấy gạo về phục vụ cách mạng. Sau năm 1948, không còn tham gia hoạt động cách mạng, bà vẫn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như tham gia Ban chấp hành Phụ nữ, HĐND xã Vĩnh Lộc.

Năm nay, dù đã bước sang tuổi 96, nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn. Bà nhớ như in ký ức năm tháng vượt rừng, lội suối đi tuyên truyền nhân dân tham gia cách mạng. Tình quân dân ấm áp, được nhân dân chở che, nhường cơm, sẻ áo bao bọc. “Sợ nhất cái đói, cái rét năm 1945. Đói lắm! Không có gạo ăn. Nhân dân rất tốt với cán bộ cách mạng. Dân nhường gạo, nhường sắn, khoai cho cán bộ cách mạng ăn, còn họ ăn củ nâu chống đói” - bà Cát rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm.

Được gặp và trò chuyện với nữ cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Thị Cát, chúng tôi trân trọng về những đóng góp của bà và các thế hệ đi trước. Sự hy sinh, cống hiến, tinh thần cách mạng cao đẹp của những cán bộ tiền khởi nghĩa sẽ mãi mãi là ngọn lửa sáng soi rọi cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Đảng viên gương mẫu

Đã gần 90 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng nhưng sự minh mẫn và mạnh khỏe dường như còn hiện rõ trên nét mặt ông Nguyễn Văn Đác (trong ảnh), hội viên CCB chi hội tổ dân phố 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) - Chiến sỹ Điện Biên năm nào.

Ông Đác kể, năm 1950 ông lên đường nhập ngũ, tham gia ở Đại đội 22, Sư đoàn 308, Binh chủng Thông tin và được bầu là Bí thư chi đoàn thanh niên của đại đội năm ông 25 tuổi. Trong 7 năm tham gia quân đội, ông vinh dự được phục vụ và cống hiến cho 6 chiến dịch gồm: Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Năm 1957, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Đác ra quân năm 1957. Về địa phương, ông vẫn phát huy bản chất “Bộ đội cụ Hồ”, tinh thần của người “Chiến sỹ Điện Biên”, gương mẫu trong mọi việc, có nhiều năm tham gia và cống hiến sức lực cho các nhiệm vụ của Đảng ủy, HĐND xã, Hợp tác xã, trung đội trưởng dân quân, bí thư chi bộ thôn Tiên Lũng... Ở nhiệm vụ nào, ông cũng luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Hội CCB phường Ỷ La cho biết, ông Đác là 1 trong 8 CCB tham gia Kháng chiến chống Pháp của phường còn khỏe mạnh. Năm 2018, ông là một trong những CCB của phường vinh dự được bầu là đại biểu dự Đại hội Hội CCB thành phố lần thứ VI. Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng Giấy khen CCB có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, giai đoạn 2014 - 2019 và là CCB tiêu biểu của phường được dự gặp mặt kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam tại thành phố Tuyên Quang.

Bài, ảnh: Thu Hương

Hạnh phúc 70 năm tuổi đảng

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào ngôi nhà của ông Nguyễn Tiến Tụng (trong ảnh), đảng viên chi bộ thôn 13, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là chiếc cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, chân dung

Các Mác, Lê Nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo ngay ngắn trên tường ở vị trí trang trọng nhất. Ở cái tuổi 94, với 70 năm tuổi Đảng, ông Tụng luôn vẹn tròn niềm tin với Đảng.

Năm 1949, khi tròn 21 tuổi, chàng thanh niên tên Tụng lên đường nhập ngũ, là chiến sỹ của Tiểu đoàn 61, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ ác liệt, ông đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu tại nhiều trận chiến khốc liệt tại địa phương. Ngay trong năm đó, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1957, ông nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 242, Quân khu Đông Bắc.

Ông Tụng là một trong những người đầu tiên xây dựng kinh tế mới ở Mỹ Bằng.

Năm 1960, ông Tụng chính thức chuyển từ bộ đội sang công nhân Nông trường Quốc doanh Tháng 10. Ông Tụng nhớ lại, ngày đó, ông công tác tại đội sản xuất Tiền Phong. Ông được tín nhiệm đảm nhiệm Phó Bí thư Chi bộ, Bí thư Chi đoàn, Thư ký Công đoàn đội Tiền phong. Năm 1968, ông nhận công tác ở Ty Xây dựng (Sở Xây dựng ngày nay) và nghỉ hưu năm 1978. Về với địa phương, ông tham gia cấp ủy của chi bộ thôn 13, không ngơi nghỉ trong phát triển kinh tế gia đình, giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng... Hiện nay, 6 người con của ông đều lao động, công tác tại địa phương, đời sống kinh tế khá, giàu. Ông có 1 người con trai, 2 người con gái là đảng viên. Gia đình ông là một trong những gia đình mẫu mực của địa phương.

Bà Phạm Thị Hưởng, Bí thư Chi bộ thôn 13 cho biết, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cho đến giờ, ông Tụng vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ. Ông là đảng viên mẫu mực, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên trong chi bộ nhìn vào ông để nỗ lực hơn trong rèn luyện, phấn đấu.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/nhung-dang-vien-tieu-bieu-128074.html