Những đại biểu dân cử nơi đầu sóng ngọn gió (bài cuối)

Để những quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống nơi đảo xa, có vai trò rất quan trọng của những đại biểu dân cử nơi đầu sóng ngọn gió. Họ là những đại biểu HĐND trên các điểm đảo, là những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tâm huyết với Trường Sa, giúp 'Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa'.

Cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng

Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng khẳng định chủ quyền đất nước Việt Nam, đây là quần đảo có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng. Đặc biệt khi quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Địa Trung Hải. Chính vì thế, bảo vệ Trường Sa, giữ vững từng tấc đất, điểm đảo, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc rất cần sự đoàn kết, hiệp đồng của cấp ủy, chính quyền, quân và dân trên các đảo.

Nghi thức chào tàu xúc động tại đảo Trường Sa, tối 13/4/2023.

Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được gặp gỡ những đại biểu dân cử nơi đầu sóng ngọn gió - cầu nối chuyển tải tâm tư, tình cảm từ Trường Sa vào đất liền và từ đất liền ra Trường Sa. Trên bộ bàn ghế đá ngay trước khuôn viên tòa nhà UBND thị trấn Trường Sa, rót cốc nước vối đá mát lạnh mời phóng viên để hạ nhiệt trước thời tiết khắc nghiệt có thể làm bất cứ ai say nắng do chưa quen khí hậu ở đảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Trần Văn Hoàng nói, ông vinh dự, tự hào được sống, cống hiến, giữ đảo nơi "trái tim của Trường Sa". Phát huy vai trò là đại biểu HĐND, hàng năm, ông luôn đổi mới chương trình giám sát cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Phóng viên Báo CAND trò chuyện với CBCS đảo Sinh Tồn trước cột mốc chủ quyền.

"Bám sát địa bàn, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri để kịp thời phản ánh lên các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Kiên trì vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và trên đảo. Cùng với đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất, thắm tình quân, dân giữa các cử tri, sống dựa vào nhau, tương trợ nhau; nêu cao tinh thần cảnh giác và quyết tâm cùng CBCS, các lực lượng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND trên đảo được tổ chức hai lần mỗi năm, trước kỳ họp sơ kết 6 tháng và trước kỳ họp tổng kết cuối năm. Đặc thù cử tri trên đảo số lượng ít nên các ý kiến, kiến nghị phản ánh cũng ít hơn trong đất liền, song những buổi tiếp xúc cử tri diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Chẳng hạn, trong buổi tiếp xúc cử tri cuối năm 2022, hộ dân Nguyễn Văn Chương đã phản ánh, đề đạt nguyện vọng về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho quần đảo Trường Sa; cử tri Phạm Hoàng Dũng bày tỏ mong muốn cán bộ công chức, viên chức trên đảo được quan tâm hơn; Trưởng Trạm y tế Lã Văn Tuấn đề xuất chính sách phát triển y tế, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, cấp cứu cho ngư dân; nhiều cử tri đề xuất chính sách cho CBCS lực lượng vũ trang...

Chị Nguyễn Thị Phương Dung, quê huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, một hộ dân trên đảo Trường Sa cho hay, thời gian qua, chị và gia đình luôn được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, thường xuyên thăm hỏi tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vướng mắc khi có yêu cầu.

"Chính quyền và nhân dân luôn gần gũi, đoàn kết, chúng tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của đảo như dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, do đó hầu hết không gian trên đảo được phủ lên "áo mới" xanh mát, sạch đẹp. Rồi những buổi tham gia giao lưu văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc", chị tâm sự và cho biết, các công trình phục vụ đời sống văn hóa tâm linh trên đảo Trường Sa như nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa đều được quan tâm xây dựng, tôn tạo dựa trên những đề đạt, nguyện vọng của người dân nơi đây.

CBCS đảo Đá Đông A đọc ấn phẩm An ninh thế giới của Báo CAND.

"Ngày rằm, mùng một hay những lúc nhớ nhà, tôi vào chùa thắp nén hương, nghe tiếng chuông ngân vang, mùi hương trầm thoang thoảng cũng thấy lòng mình dịu lại, bình yên hết đỗi, xua tan mọi muộn phiền"- chị Dung kể. Tương tự, chị Ngô Thị Kim Vũ sinh sống trên đảo Sinh Tồn cho hay, ngôi chùa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên quần đảo Trường Sa nằm ngay cạnh khu dân cư trên đảo giúp các hộ dân hằng ngày tiện sang hương khói, cũng là để anh linh của những người lính dũng cảm, kiên trung đã sống và chiến đấu hết mình, nằm lại giữa biển khơi được phần nào vỗ về, an ủi...

Không xa đâu, Trường Sa ơi!

Trao đổi với phóng viên Báo CAND khi vừa kết thúc chuyến thăm, tiếp xúc cử tri tại quần đảo Trường Sa trở về, ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa thông tin: "Chúng tôi đều tổ chức tiếp xúc cử tri huyện đảo Trường Sa trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Song, ngày 10/4/2023 vừa qua là lần đầu tiên của các khóa Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tổ chức tiếp xúc cử tri tại thị trấn Trường Sa. Do đặc thù, công tác chuẩn bị có những khó khăn, tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm, chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân; sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa và UBND huyện Trường Sa nên hội nghị tiếp xúc cử tri đã thành công tốt đẹp.

"Sáng hôm đó, tôi cùng đoàn ĐBQH đáp chuyến bay từ Cam Ranh ra đảo. Giữa biển trời Trường Sa, tôi rất xúc động và nhận thức sâu sắc rằng, đây vừa là trách nhiệm của người ĐBQH phải luôn gắn bó mật thiết, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, vừa là niềm vinh dự, tự hào khi được gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại một đảo thuộc huyện đảo Trường Sa - nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, nơi đầu sóng ngọn gió, tiền tiêu trên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.

CBCS đảo Cô Lin chào tạm biệt đoàn công tác sau thời gian thăm, làm việc trên đảo.

Cũng theo ông Hà Quốc Trị, hòa vào dòng chảy đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khóa XV luôn kịp thời đề đạt lên Quốc hội, Chính phủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện đảo Trường Sa liên quan đến việc cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trên các điểm đảo. Các ĐBQH đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để Trường Sa gần hơn với đất liền hơn, như hỗ trợ đời sống quân và dân trên đảo; tham gia các đoàn công tác thăm Trường Sa hàng năm; có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền nâng cao chế độ, chính sách cán bộ, công chức, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác, sinh sống trên quần đảo...

Để phát huy hiệu quả vai trò cầu nối giữa Trường Sa với cả nước, cả nước với Trường Sa, thời gian tới, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định sẽ cùng Đoàn ĐBQH thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế tại Trường Sa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để trang bị thêm cho quân và dân trên đảo các công trình, trang thiết bị... phục vụ đời sống vật chất và tinh thần; triển khai tốt các hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp và trực tuyến; tăng cường theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế biển, tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo an ninh biển đảo.

"Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa sẽ theo dõi, giám sát việc triển khai Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Nghị quyết số 55 của Quốc hội, cũng như các đề án, kế hoạch, chương trình do Trung ương và tỉnh Khánh Hòa ban hành để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, nhất là việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo", đại biểu nhấn mạnh.

Từ chia sẻ của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cử tri có quyền tin tưởng rằng, việc hiện thực hóa những quyết sách của Quốc hội nơi đảo xa sẽ ngày càng gần hơn. Tôi chợt nhớ lại khoảnh khắc đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Mất 28 giờ lênh đênh trên biển với quãng đường 310 hải lý, đoàn công tác mới đến đảo đầu tiên là Song Tử Tây. Rồi từ Song Tử Tây qua các điểm đảo Sinh Tồn - Cô Lin - Đá Đông A - Trường Sa phải mất dặm dài hơn 560 hải lý. Thế nhưng, đến đảo nào, chúng tôi cũng thấy gần gũi, thiêng liêng bởi nghi thức chào đoàn trang nghiêm và những cái bắt tay hồ hởi, ấm tình đồng chí. Những CBCS ở đảo "mình đồng da sắt" luôn cười tươi rạng rỡ dù phải tất bật chuẩn bị đón đoàn, lưng áo ướt sũng, mồ hôi rơi lã chã trên gương mặt sạm đi vì nắng gió...

Đón đoàn đến rồi tiễn đoàn đi trong vội vã, vừa gặp gỡ đó lại rồi chia xa. Song, đọng lại trong ký ức mỗi người là hình ảnh đẹp người CBCS Hải quân vững tay súng giữa biển khơi, là mối quan hệ quân - dân gắn bó bền chặt trên đảo, là những giờ phút giao lưu văn nghệ bùng cháy, là phút giây chia tay nghẹn ngào khi đoàn tàu trở về đất liền. Có cán bộ tâm sự với tôi, mỗi lần đoàn ra rồi lại về khiến các anh càng nhớ đất liền, nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ những người đã gói ghém hơi ấm từ đất liền mang ra dành tặng cho đảo. Tuy nhiên, được bắt tay, được gặp mặt còn là may mắn, có những CBCS đúng vào ca trực và đang làm nhiệm vụ, chỉ nhìn thấy đoàn từ xa, hay nghe kể lại mà thôi.

Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (thứ ba từ phải qua) cùng các ĐBQH tiếp xúc cử tri, thăm các hộ dân trên đảo Trường Sa.

Có lẽ, trong sự nghiệp cầm bút của mình, tôi khó có thể quên được thời khắc 21h30 tối 13/4/2023. Sau 8 tiếng trên đảo Trường Sa, đoàn được lệnh trở về tàu đúng giờ để kịp hải trình đi nhà giàn ĐKI. Từ trên boong tàu nhìn xuống, cả một dãy dài CBCS, quân và dân các lực lượng trên đảo Trường Sa, kể cả những cháu bé mầm non mặc áo phông in hình cờ đỏ sao vàng đều có mặt, vẫy tay, dõi mắt theo tiễn đoàn. Trên tàu, đoàn công tác đồng thanh những bài hát về bộ đội, về biển đảo: "Hát mãi khúc quân hành", "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"... Trên tàu, dưới đảo đều hòa chung tiếng hát, niềm xúc động ngập tràn. Tự nhiên, nhiều thành viên trong đoàn sụt sùi, mắt hoe đỏ, cầm điện thoại ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ mà tay run run xúc động.

Hoàn tất các thủ tục, tàu KN491 chính thức rời đảo, nổi hồi còi dài chào tạm biệt, cũng là lúc tiếng hát của quân và dân trên đảo nhỏ dần, hình ảnh người dân trên đảo xa dần, chìm vào bóng tối giữa biển cả mênh mang. Anh chị em trong đoàn không ai bảo ai, liền hô vang: "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước"; "Yêu Trường Sa"; "Trường Sa vì đất liền, đất liền vì Trường Sa"... Nhiều người không kìm lòng được, khóc nấc lên. Đúng là, "dù rằng đời ta thích hoa hồng" nhưng "kẻ thù buộc ta ôm cây súng", ôm súng để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nên phải chia xa mảnh đất hương hỏa - một phần máu thịt của Tổ quốc, xa những người con đất Việt nơi đầu sóng ngọn gió khiến chúng tôi thương nhớ khôn nguôi. Trường Sa vì thế, tuy xa mà gần, luôn hiện diện trong trái tim mỗi con người Việt Nam...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nhung-dai-bieu-dan-cu-noi-dau-song-ngon-gio-bai-cuoi--i691377/