Những cung bậc nghĩa tình

Khi đọc thơ của Vũ Duy Hòa (bút danh Minh Trang), có nhà thơ nhận xét: 'Thơ Vũ Duy Hòa không phải là tuyên ngôn cho sự trống rỗng của cuộc sống, mà ở đó neo đậu một tấm lòng bao dung, ân tình, biết ơn đối với quá khứ, với lịch sử, với đất nước, quê hương và xóm mạc. Tôi đã nhận ra sự mất ngủ từ những câu thơ bình dị đến ngạc nhiên, những câu thơ tồn tại như vốn nó phải thế, để tạo nên sự kết nối thông điệp giữa người với người, giữa bạn và tôi, giữa quá khứ và hiện tại hay đó là những tiếng vọng của tâm hồn sáng lên trên những con chữ biết nói của nhà thơ'.

Nhà thơ Vũ Duy Hòa.

Thật vậy, thơ của Vũ Duy Hòa mộc mạc, giản dị nhưng được viết nên bởi cảm xúc sâu lắng của tâm hồn được chắt ra từ cuộc sống, do đó đã đọng lại trong lòng người đọc những tình cảm nồng ấm, chan chứa nghĩa tình.

Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo khó, Vũ Duy Hòa đội mũ rơm, đi chân đất đến trường. Quê hương, tuổi học trò đã để lại trong ông bao hoài niệm khó quên cho những vần thơ về xóm nhỏ, đường làng, nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông được tái hiện diệu vợi với những cánh cò trong lời ru của mẹ, đó là nỗi nhớ, là tình yêu tha thiết của Vũ Duy Hòa với xứ sở quê hương. Quê hương trong thơ Vũ Duy Hòa không chỉ là tháng ngày gieo neo vật lộn với đói nghèo, là dòng sông xanh thẳm, cánh đồng mênh mông, bờ tre, giếng nước cùng ước mơ của thời niên thiếu... mà tình yêu quê hương của ông luôn quyện chặt với hình ảnh ông bà, cha mẹ, những người đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng ông nên người cùng với vợ con, cháu chắt trong gia đình đã kết tụ thành những vần thơ sâu nặng nghĩa tình. Đó là sự biết ơn vô bờ đối với các bậc sinh thành, tình vợ chồng chung thủy, là tình cảm đầm ấm với anh em, con cháu, họ hàng.

Vừa học xong cấp ba phổ thông bước qua cổng làng, theo tiếng gọi của non sông, Vũ Duy Hòa trở thành người lính. Những năm tháng huấn luyện vất vả, rồi mải miết hành quân trên đỉnh Trường Sơn nếm trải mưa rừng sốt rét, cùng đồng đội băng qua lửa đạn, vượt lên chết chóc, hiểm nguy trong chiến trường ác liệt thời chống Mỹ để chiến đấu cho đến ngày chiến thắng cùng ca khúc khải hoàn đã khắc vào thơ ông tinh thần của lớp trai trẻ thời chiến, đó chính là dáng đứng kiêu hãnh của một thế hệ quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do. Bước ra từ cuộc chiến đầy máu lửa chống kẻ thù xâm lược nên thơ ông đầy ắp hình ảnh về truyền thống kiên cường của một dân tộc anh hùng, ở đó có lớp lớp chiến sĩ đã dấn thân vì non sông đất nước. Những ký ức bi hùng đó luôn căng tràn theo năm tháng, nên những vần thơ của Vũ Duy Hòa đong đầy nỗi nhớ về đồng đội, gắn bó, chia sẻ cùng đồng đội, ông đã lặng lẽ, cặm cụi viết về đồng đội, viết cho đồng đội và vì đồng đội. Không những thế thơ ông còn là lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, là sự chia sẻ sâu sắc với những người có may mắn trở về sau chiến trận đã để lại một phần xương thịt, tuổi xuân ở chiến trường máu lửa, đồng thời cũng là sự tri ân đối với những người cha, người mẹ, những gia đình đã không tiếc máu xương, sức lực, của cải cùng góp sức đấu tranh giành thắng lợi, đất nước sạch bóng quân xâm lược, non sông thu về một mối.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ của người lính, Vũ Duy Hòa chuyển ngành, đi học, rồi trở thành người cán bộ mẫn cán. Trải qua những tháng ngày bao cấp, thơ của Vũ Duy Hòa hằn lên bao vất vả, nhọc nhằn, vật lộn mưu sinh trong cuộc sống, theo đó là những tình cảm chia ngọt, sẻ bùi của anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí đã đồng cam cộng khổ với ông vượt qua bao trở ngại để phấn đấu hoàn thành tốt chức phận được giao. Trước thực tế cuộc sống muôn màu, thơ ông cũng không khỏi băn khoăn, day dứt trước những thân phận, mảnh đời éo le, bất hạnh mà ông từng thấy, từng gặp và chứng kiến. Nhưng vượt lên tất cả, thơ Vũ Duy Hòa đã góp phần thắp lên ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời, mang đến cho cuộc sống những hy vọng, niềm tin và lẽ sống lương thiện, thành tâm. Đồng thời, thơ Vũ Duy Hòa thể hiện tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Một tấm lòng sắt son với Đảng và trách nhiệm với Nhân dân; đó chính là nền tảng, là gốc rễ, là hồn cốt trong thơ Vũ Duy Hòa. Là một người lính đã đi qua chiến tranh, từng chứng kiến đau thương mất mát và tận hưởng những chiến thắng kỳ diệu của niềm tin chính nghĩa, Vũ Duy Hòa làm thơ như là ghi nhật ký hành trình, những vần thơ dù không trau chuốt, cầu kỳ nhưng được viết ra bằng tấm lòng, bật ra từ trái tim, ngân lên bởi tâm hồn đầy ắp yêu thương, có chút đa cảm nhưng dạt dào ân nghĩa với đời. Với ông thơ là phương tiện giãi bày, là niềm vui và cũng là tài sản vô giá được ông chăm chút nâng niu lưu giữ để theo ông đến suốt cuộc đời. Vài chục năm suy ngẫm, Vũ Duy Hòa cho ra đời trên 600 bài thơ, trong đó có trên 40 bài đã được phổ nhạc, vài chục bài chuyển thể chèo và dân ca ví giặm. Vài trăm bài thơ của ông đã đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Ông đã xuất bản 8 tập thơ, 2 tập truyện ngắn, 1 tập thơ và bình luận, 2 tập bút ký.

Hà Nhân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-cung-bac-nghia-tinh/189652.htm