Những cú lừa ngoạn mục nhất lịch sử khiến nhiều người tin sái cổ

Lịch sử nhân loại ghi nhận một số người đã thực hiện cú lừa ngoạn mục khiến nhiều người 'tin sái cổ'. Mãi nhiều năm sau, sự thật mới được tiết lộ gây ngỡ ngàng.

Một trong những cú lừa ngoạn mục nhất lịch sử là việc Anna Anderson giả mạo công chúa Alias Anastasia (trong ảnh). Nàng công chúa Anastasia là con gái của Sa hoàng Nga Nicholas II. Theo các ghi chép, Sa hoàng Nicholas II cùng vợ và 5 người con (4 gái và 1 trai) bị giết hại năm 1918 và chôn cất ở vị trí bí mật.

Trong nhiều năm tiếp theo, dân gian đồn đại rằng có một thành viên trong gia đình Sa hoàng Nicholas II may mắn thoát chết trong thảm kịch năm xưa. Người đó được cho là công chúa Anastasia.

Vào năm 1920, Anna Anderson (phải ảnh) tuyên bố bà là công chúa Anastasia (trái ảnh) - thành viên cuối cùng chưa rõ sống chết trong gia đình Sa hoàng Nicholas II. Bà khiến nhiều người tin tưởng là vì có ngoại hình gần giống công chúa Anastasia cùng với hiểu biết sâu rộng về gia đình Ramanov cũng như cuộc sống hoàng gia.

Cuộc sống của Anna Anderson "đổi đời" từ đó khi một số thành viên hoàng tộc của Nga tin rằng cô thực sự là công chúa Anastasia. Nhờ vậy, Anderson nhận được một khoản thừa kế từ hoàng gia. Tuy nhiên, cô phải đối mặt với nhiều vụ tố tụng trong suốt nhiều thập kỷ cho tới khi qua đời vào năm 1986.

Trò lừa bịp của Anderson được phơi bày khi các chuyên gia Nga tìm thấy hài cốt các thành viên trong gia đình Sa hoàng Nicholas II vào những năm 1990. Theo đó, công chúa Anastasia được xác định đã qua đời cùng bố mẹ và các anh chị em trong thảm kịch năm 1918.

Công chúng từng "ăn cú lừa" ngoạn mục khác là vụ "người Piltdown". Vào tháng 12/1912, nhà sinh vật học người Anh Arthur Smith Woodward và nhà sưu tập đồ cổ nghiệp dư Charles Dawson tuyên bố với thế giới rằng, họ đã phát hiện một hóa thạch người thời kỳ đầu rất đáng kinh ngạc ở Piltdown, Anh. Nó được đặt tên khoa học là Eoanthropus dawsoni, nhưng thường được biết đến với tên Người Piltdown.

Ông Woodward và Dawson tuyên bố hóa thạch Người Piltdown có niên đại khoảng 1 triệu năm tuổi. Tại thời điểm đó, phát hiện của họ gây chấn động giới nghiên cứu. Nguyên do là bởi sau khi Charles Darwin xuất bản cuốn "Về nguồn gốc của các loài" vào năm 1859, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm kiếm bằng chứng hóa thạch của tổ tiên con người đã tuyệt chủng.

Giới nghiên cứu hy vọng tìm được những hóa thạch của các loài người cổ xưa để có thể tìm ra sơ đồ tiến hóa hoàn chỉnh của nhân loại. Vì vậy, phát hiện của ông Woodward và Dawson khiến các nhà khoa học vui mừng vì góp phần giúp hoàn thiện sơ đồ tiến hóa của loài người.

Tuy nhiên, đến những năm 1950, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch Người Piltdown mà ông Woodward và Dawson tìm thấy chỉ dưới 50.000 năm tuổi. Hóa thạch này nhiều khả năng là của một người hiện đại, trong đó phần quai hàm có thể thuộc về một con tinh tinh thời hiện đại.

Elise Wright (16 tuổi) và Frances Griffiths (9 tuổi) là chị em họ sống tại Cottingley - một ngôi làng vùng ngoại ô Yorkshire nước Anh đã tạo ra một cú lừa huyền thoại trong thế kỷ 20. Họ gây xôn xao dư luận khi công bố ảnh chụp các nàng tiên vào tháng 7/1917.

Câu chuyện của Elise và Frances càng hấp dẫn công chúng hơn khi kể rằng đã gặp và trò chuyện với các nàng tiên trong một khu vườn gần nhà. Nhờ vậy, họ đã dùng máy ảnh chụp được những bức ảnh bên các nàng tiên. Một số chuyên gia khi ấy đã kiểm tra các bức ảnh và tuyên bố đó là "những bức ảnh thật, chưa được chỉnh sửa".

Nhờ vậy, Elise và Frances trở nên nổi tiếng và kiếm được khoản tiền lớn nhờ bán các bức ảnh cũng như đi nhiều nơi kể chuyện gặp gỡ các nàng tiên.

Tới năm 1983, Elise và Frances mới thừa nhận đã dàn dựng để chụp ảnh các nàng tiên. Theo đó, họ tạo nên các "nàng tiên" bằng cách sao chép lên bìa cứng tranh các cô gái nhảy múa từ một cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng và vẽ thêm cánh. Hai người dùng kẹp tóc để cố định và chụp ảnh. Đến lúc đó, nhiều người mới bừng tỉnh, nhận ra đã bị lừa một cách hoàn hảo.

Mời độc giả xem video: Cuộc sống của “tiểu thư lừa đảo” nổi tiếng toàn cầu sau khi ra tù.

Tâm Anh (theo LV)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-cu-lua-ngoan-muc-nhat-lich-su-khien-nhieu-nguoi-tin-sai-co-1900343.html