Những cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội

TP - Một hiện tượng bất thường trên sàn chứng khoán: Cổ đông lớn bán sạch cổ phiếu ngay khi lên sàn, nhà máy ngừng hoạt động nhưng cổ phiếu Cty vẫn có giá cao nhất sàn Hà Nội, vừa lên sàn đã chào bán hàng trăm triệu cổ phiếu để gom đủ vốn... khiến nhà đầu tư lo ngại.

Nhà máy ngừng hoạt động, giá cổ phiếu Cty vẫn ngất ngưởng Theo ông Nguyễn Kim Phương- GĐ Sở Công Thương tỉnh Bình Định, Nhà máy Sản xuất Xỉ titan của Cty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã chứng khoán SQC sàn Hà Nội) đã ngừng hoạt động từ tháng 6-2010 vì lo bị lỗ. Trả lời Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT SQC cũng thừa nhận nhà máy đã ngưng sản xuất. Tuy nhiên, cho đến phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cổ phiếu SQC vẫn đứng ở mức 90.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất sàn Hà Nội hiện nay. Dù cao ngất ngưởng như vậy nhưng 10 phiên giao dịch gần đây, SQC chỉ có lượng giao dịch trung bình chưa đến 300 cổ phiếu/phiên. Đáng chú ý hơn, chỉ số P/E (hệ số giữa giá giao dịch một cổ phiếu với lợi nhuận) của SQC đã lên tới 1.087 (tính đến 1-10) trong khi chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) hết quý 2-2010 chỉ còn 0,08. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, chưa khi nào xuất hiện cổ phiếu có P/E cao như vậy. Thông thường các cổ phiếu có giá cao như SQC, được nhà đầu tư ưa chuộng và Cty kinh doanh tốt thì P/E luôn dưới 15 và EPS thường hơn 3,0. Nhà đầu tư ngày càng e ngại SQC khi Cty có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng này chỉ lãi 27 triệu đồng trong quý 1- 2010 và 4 tỷ đồng trong quý 2, với việc ngừng hoạt động của nhà máy xỉ titan tại Bình Định, lợi nhuận quý 3-4 được dự báo âm. Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này kỳ vọng vào việc Chính phủ sẽ hạ thuế xuất khẩu titan từ 15% xuống 5%. Tuy nhiên, điều này khó thành hiện thực vì hiện nay, Chính phủ luôn chủ trương hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng năm 2010 như SQC công bố khó khả thi. Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM phân tích: “Trường hợp doanh nghiệp ngừng sản xuất như SQC, việc đầu tư vào cổ phiếu này gặp rủi ro khá lớn và giá cổ phiếu SQC phải hạ tương ứng với PE, EPS mới đúng với giá trị thực”. Vừa lên sàn, cổ đông lớn đã xả hàng Ngoài cổ phiếu lạ SQC, gần đây sàn Hà Nội xuất hiện không ít trường hợp tương tự. Cty nhựa An Phát (mã chứng khoán AAA) lên sàn Hà Nội vào ngày 15-7-2010. Ít lâu sau, trong 5 cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ, thì 4 cổ đông (đều là tổ chức) bán gần như toàn bộ số cổ phiếu AAA mà họ sở hữu. Chỉ ông Phạm Ánh Dương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AAA là chưa được quyền bán cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất của AAA là Cty cổ phần đầu tư Tam Sơn (chiếm hơn 30%) công bố bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu mình nắm giữ. Trước việc chưa từng có trên TTCK Việt Nam này, AAA đã phải giải trình với UBCK và Sở GDCK Hà Nội, nhưng hiện tượng bất thường trên đang bị nhiều nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán đặt nghi vấn. Việc giá cổ phiếu của Ngân hàng Nam Việt (mã chứng khoán NVB- sàn Hà Nội) đã xuống dưới mệnh giá chỉ còn 9.500 đồng/cổ phiếu vào phiên cuối tuần qua cũng cho thấy nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng hơn với các cổ phiếu “lạ”. Điều làm nhiều nhà đầu tư chùn tay nhất là vốn điều lệ NVB khi lên sàn ngày 13-9-2010 mới chỉ có 1.000 tỷ đồng, trong khi hạn chót phải nâng vốn lên 3.000 tỷ vào ngày 31-12 lại quá gần. Cùng thời gian, NVB chào bán 250 triệu cổ phiếu từ nay đến hết năm 2010 với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) để gom 2.500 tỷ đồng cho đủ vốn điều lệ vào giờ chót, nếu không muốn bị giải thể, sáp nhập như quy định.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/514265/nhung-co-phieu-bat-thuong-tren-san-ha-noi.html