Những chuyến lên rừng, xuống biển

Xác định gắn bó với nghề làm báo cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy. Với những người làm báo mặc áo lính, có lẽ sự vất vả càng nhân lên gấp nhiều lần, bởi đặc thù hoạt động của lực lượng vũ trang là luôn hướng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn… Những chuyến lên rừng, xuống biển ấy luôn mang đến cho chúng tôi thật nhiều ý nghĩa và kỷ niệm khó quên.

Tác giả (giữa, phóng viên chuyên mục Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) phỏng vấn thanh niên chuẩn bị nhập ngũ. Ảnh: H.H

30 năm trôi qua, kể từ ngày chập chững bước chân vào nghề, nhưng với tôi, chuyến đi đến với xã miền núi Axan (huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), nay là huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hề phai mờ trong ký ức. Dịp đó, Tiểu đoàn 72 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hành quân về xã làm công tác dân vận - vận động quần chúng. Nhóm phóng viên cả trong và ngoài quân đội theo chân các bạn trẻ đội văn nghệ xung kích của Tỉnh đoàn đi cùng một chuyến xe lên xã để viết bài. Quãng đường từ Trại giam An Điềm (huyện Đại Lộc ) đến trung tâm xã khoảng gần 20 cây số là đường núi độc đạo, chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Và đó là chuyến đi bộ đầu tiên xa nhất trong đời tôi. Nắng tháng 7 chói chang như dội lửa, phải vượt qua những con dốc vừa cao vừa khúc khuỷu, khát cháy cổ, đôi chân đau buốt tưởng chừng không nhấc nổi. Nhưng kinh khủng hơn cả vẫn là những con vắt rừng cứ chực bám vào chân. Một hành trình có thể nói là dài dằng dặc với một nữ nhi như tôi.

Niềm vui từ sự sôi nổi yêu đời của các bạn trẻ, từ tiếng hát hò, cười đùa rộn rã trên suốt chặng đường đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi để đi đến đích, chứng kiến tận mắt hình ảnh bộ đội giúp nhân dân làm đường, sửa nhà, tặng quà cho gia đình nghèo, giao lưu văn hóa văn nghệ… Và tôi đã trở về với những bài viết mang hơi thở cuộc sống sinh động của những bản làng vùng cao với tình cảm quân dân thắm thiết, keo sơn. Sau này, tôi còn có nhiều chuyến lên rừng ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang… viết bài về công tác quân sự địa phương, về những chuyến đi tìm mộ liệt sĩ, thăm gia đình chính sách, mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp dân làm đường điện thắp sáng, xây nhà vệ sinh… Chuyến đi nào cũng đáng nhớ bởi tình cảm chân thành, nồng ấm của những đồng đội mặc áo lính và của bà con dành cho.

Năm 1996, có lần lên huyện Đông Giang viết bài, lúc trở về trên chuyến xe đò chật ních người, tôi bị chèn giữa một đống bao sắn, bắp của bà con chở xuống đồng bằng, trên đầu thì bị những bao măng tươi nhỏ nước xuống ròng ròng. Đã vậy lúc xe đang bon bon xuống dốc Kiền, một bánh xe văng ra ngoài lăn lông lốc trong sự đứng tim, nín thở của hành khách trên xe. Những lần lên huyện Hiệp Đức đưa tin công tác tuyển quân hay đi cứu trợ bão lụt ở huyện Đại Lộc, vì đường sá bị ngập lụt hư hỏng nặng nên các loại xe không thể đi được, thế là từ những vị đại tá đến cánh phóng viên chúng tôi đều xắn quần, xách dép, vác máy ảnh, máy quay phim lội bùn hàng chục cây số đến với người dân nơi rốn lũ, để ghi lại những hình ảnh sinh động, cụ thể nhất về sự có mặt kịp thời của những người chiến sĩ giúp đỡ nhân dân trong cơn hoạn nạn. Những thước phim, những bài viết có được từ các chuyến đi gian khổ ấy không chỉ phản ánh được các hoạt động ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ quân đội, mà thật sự mang theo cả nhiệt tình, tâm huyết của những phóng viên mặc áo lính chúng tôi.

Một lần ra viết bài ở đảo Cù Lao Chàm (Hội An) vào năm 1995, nơi có Tiểu đoàn 70 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đứng chân. Khi đi trời yên biển lặng nhưng lúc về biển đột ngột nổi sóng dữ dội. Giữa ban ngày mà mênh mông một màn sương mù dày đặc. Chiếc tàu gỗ chở chúng tôi lênh đênh trôi mãi giữa biển không tìm thấy đường về. Biển động xô sóng ầm ào, chúng tôi nằm dưới khoang say đừ không còn biết gì. Cuối cùng tàu cũng về cập bến sau hơn nửa ngày trời mất phương hướng trên biển. Một lần ra làng Vân (phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu) làm phóng sự về đợt huấn luyện của trung đội dân quân biển, lúc về, vì không có phương tiện nên chúng tôi lần đầu tiên được nếm trải cảm giác vượt biển bằng thuyền thúng của ngư dân làng chài Nam Ô. Hơn mười người leo lên một cái thuyền bé tí, tròng trành lắc lư, mấp mé cách mặt nước chỉ vài centimet... Rồi làng Vân với những con người hiền lành, chân chất, với những chiến sĩ biên phòng đêm ngày tận tụy vì dân đã trở thành mảnh đất đi về ấm áp của chúng tôi trong nhiều năm cầm bút.

Tình yêu với nghề, sự cảm phục trước những hy sinh của đồng đội thân yêu nơi đầu sóng ngọn gió, nơi rừng thẳm núi cao đã giúp chúng tôi vượt qua mọi thử thách, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đưa hình ảnh, việc làm lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đến với người đọc, người xem thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách nhanh nhất, sinh động nhất. Đó là động lực mạnh mẽ để chúng tôi luôn xung phong về phía trước và làm tròn nhiệm vụ của những phóng viên - chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố.

HỒNG HẠNH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5399/202306/nhung-chuyen-len-rung-xuong-bien-3947297/