Những chuyện chưa kể về các tác phẩm chưa công bố của họa sĩ Phan Kế An

Tháng 3 và tháng 4 này, nhiều tác phẩm chưa từng được công bố của cố họa sĩ Phan Kế An đã lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng Hà Nội. Họa sĩ Vũ Đỗ, người tìm kiếm, bảo tồn và lựa chọn các tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An và bà Phan Thanh Thúy, con gái của cố họa sĩ, đã chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về các tác phẩm này.

Họa sĩ Phan Kế An lúc sinh thời. (Ảnh: Ban tổ chức triển lãm cung cấp)

Họa sĩ Phan Kế An (1923-2018) từng là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l'Indochine (1944-1945), là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông còn được biết đến với bút danh Phan Kích với các tác phẩm biếm họa, được đánh giá là một họa sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20.

Họa sĩ thành công ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” (1950), bức tranh đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc “Nhớ một chiều Tây Bắc”. Ông cũng chính là họa sĩ đầu tiên được vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc với khoảng 20 tác phẩm.

Các tác phẩm của họa sĩ Phan Kế An, sau khi ông qua đời, đã được gia đình cất giữ cẩn thận, giữ nguyên từ lớp bọc giấy bên ngoài của ông. Những bức tranh tưởng chừng “ngủ yên” bao nhiêu năm nay đã lần lượt được họa sĩ Vũ Đỗ mở ra, và phát hiện cả một kho báu chưa hề được biết đến. Họa sĩ chia sẻ, mẹ anh và bà Phan Thanh Thúy con gái họa sĩ là bạn thân của nhau từ thuở đi học. Tháng 4/2015, anh tìm đến thăm nhà họa sĩ Phan Kế An (khi đó anh vừa về nước được 1 năm sau khi đi du học). May mắn anh vẫn gặp được họa sĩ, mặc dù nằm liệt giường nhưng mắt cụ vẫn sáng, chỉ không nghe rõ. Khi đó, anh có đưa tranh cho họa sĩ xem và được khen. Sau đó, họa sĩ Phan Kế An ra đi vào năm 2018.

Khoảng tháng 5/2020, được biết là gia đình họa sĩ Phan Kế An chuyển nhà, trong số đồ đạc có rất nhiều hiện vật của họa sĩ để lại, họa sĩ Vũ Đỗ ngỏ lời muốn qua xem để giúp gia đình bảo quản, sàng lọc vì tranh vẽ cần có sự bảo quản phù hợp.

Hai trong số các bức tranh của họa sĩ Phan Kế An mà gia đình đang lưu giữ.

Họa sĩ Vũ Đỗ kể lại, khi đến, anh ngỡ ngàng trước những gì tìm thấy. Tranh của họa sĩ Phan Kế An dặn xếp như thế nào, bọc như thế nào, gia đình giữ nguyên như vậy. Một số tranh sơn mài rất nặng, được bọc và xếp rất cẩn thận, vì nếu không, tranh tựa vào nhau sẽ bị cong hoặc nứt.

Bà Phan Thanh Thúy cho biết, sinh thời họa sĩ Phan Kế An thường tự tay bọc, cất giữ những tác phẩm của mình. Phần lớn các bức tranh được ông bọc lại bằng nhiều lớp giấy báo, sắp xếp theo ý riêng của mình vào một thùng. Khi dọn dẹp chỉ di chuyển cả thùng tranh chứ không xếp riêng. “Khi chuyển nhà, tôi làm cẩn thận theo đúng những gì bố tôi đã đặt từ trước. Tất cả tranh đều sắp xếp theo ý bố tôi, giữ nguyên trong thùng như thế cho đến khi bố tôi mất” - bà Phan Thanh Thúy chia sẻ.

Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa sen".

“Hôm đó tôi vô tình mở ra xem một số bức tranh sơn mài và khi nhìn thấy, tôi đã rất xúc động. Những bức tranh vô cùng tinh tế, xuất sắc, vẽ người phụ nữ quyến rũ đến vậy (Thiếu nữ bên hoa sen). Tôi nói với cô Thúy rằng đây là một bức tranh tuyệt vời, và sẽ rất đáng tiếc nếu công chúng không được xem” - Vũ Đỗ chia sẻ.

Hai bức tranh "Thiếu nữ bên hoa sen".

Câu chuyện về bức “Thiếu nữ bên hoa sen” cũng là một câu chuyện thú vị được họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ. Anh kể, khi đó anh nhìn bức tranh thấy rất quen. Và sau khi tra cứu, anh đã tìm ra bức tranh sơn mài “Thiếu nữ bên hoa sen” với mô típ tương tự trong bộ sưu tập tư nhân Witness của Malaysia. Ở bức tranh này, hình ảnh thiếu nữ bị đen là do cẩn bạc lâu ngày bị ngả màu. Các đồ vật, cách chia tỷ lệ và nhân vật tương đồng với bức tranh tìm thấy ở nhà họa sĩ Phan Kế An. “Tôi xem bức tranh này ở trong một bài báo nghiên cứu khoa học, sau này tra cứu thêm thì thấy có một video clip quay chắc phải tầm 20 năm có hình ảnh của cả hai bức này ở hai góc phòng khi họa sĩ còn minh mẫn. Đồng thời tôi cũng tìm thấy một bức phác thảo hình họa của bức “Thiếu nữ bên hoa sen này”. Những điều này cho thấy cách họa sĩ xây dựng nhân vật, cách ông tả giàn mướp, quả mướp rất tinh tế và có độ chuyển. Họa sĩ có kiểu vẽ sơn mài rất khác so với các họa sĩ cùng thời” - họa sĩ Vũ Đỗ phân tích.

Phác thảo bức tranh "Thiếu nữ bên hoa sen".

Ngoài di sản là các bức tranh, họa sĩ Vũ Đỗ cũng tiếp quản một kho tàng đồ sộ các tư liệu, hiện vật, tài liệu gồm bút ký, bút tích, ký họa, lưu bút… của họa sĩ Phan Kế An, cùng nhiều loại giấy quý dành cho vẽ mà cố họa sĩ đã cẩn thận cất giữ. Họa sĩ Vũ Đỗ cho biết, họa sĩ Phan Kế An lưu giữ rất nhiều sách, cuốn nào cũng có một mẩu giấy kẹp bên trong, thường là tờ lịch hoặc tờ giấy bên trong bao thuốc, vẽ tranh lên đó, có cả bút tích sửa năm sinh, thậm chí ghi cả lời bình. Gần như cuốn sách nào của ông cũng có những bức tranh như thế. “Họa sĩ cũng lưu giữ nhiều sách quý về hội họa thế giới, từ những cuốn sách đó, tôi hiểu gu của họa sĩ là gì” - họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ.

Phác thảo một bức tranh hoàn thiện khác của họa sĩ.

Vũ Đỗ là họa sĩ trẻ, nhưng rất quan tâm đến di sản của các thế hệ họa sĩ đi trước. Anh đã từng rất tò mò trước cách xử lý bảng màu trong tranh sơn mài của họa sĩ Phan Kế An. Ở bức tranh “Nhớ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng của họa sĩ Phan Kế An, anh nhận thấy sắc xanh ở nhiều sắc thái trong tranh. Điều này khiến anh rất ngạc nhiên và muốn tìm hiểu, bởi bảng màu sơn mài chỉ có các màu đỏ, đen, trắng… “Thế hệ tôi và thế hệ họa sĩ như họa sĩ Phan Kế An có một khoảng mất kết nối. Tôi rất tò mò không biết cha ông ta ngày xưa, trong thời gian chiến tranh gian khổ, đã học tập và sáng tác ra sao. Tôi mong muốn có một hệ thống dữ liệu, tài liệu để tra cứu, để hiểu về quá khứ, để có sự kế thừa. Đây là triển lãm đầu tiên về một cách cư xử và tiếp cận, kế thừa di sản nghệ thuật như thế nào. Tôi hy vọng đâu đó vẫn có những gia đình vẫn đau đáu, gìn giữ những di sản nghệ thuật này sẽ kết nối, chúng ta sẽ xây dựng một kho tàng nghệ thuật dày dặn từ những di sản của quá khứ”.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/di-san/nhung-chuyen-chua-ke-ve-cac-tac-pham-chua-cong-bo-cua-hoa-si-phan-ke-an-692287/