Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/10/2016

Tăng trợ cấp hằng tháng cho quân nhân đã xuất ngũ; Hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC; Thời gian nghỉ phép năm của quân nhân chuyên nghiệp… là những chính sách có hiệu lực từ 1/10 này.

Hướng dẫn mới về xếp lương và phụ cấp lương

Từ ngày 10/10/2016, Nghị định 121/2016/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với tập đoàn viễn thông quân đội giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với: Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ; Tổng công ty và công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Đồng thời đề cập đến việc xếp lương và phụ cấp lương phải thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 52/2016/NĐ-CP, Nghị định 49/2013/NĐ-CP, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Quy định này được thực hiện từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2020.

Thời gian nghỉ phép năm của quân nhân chuyên nghiệp

Từ ngày 8/10/2016, Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hằng năm là 20 ngày (dưới 15 năm phục vụ); 25 ngày (từ đủ 15 đến dưới 25 năm phục vụ); 30 ngày (từ đủ 25 năm phục vụ trở lên).

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ở đơn vị đóng quân cách xa gia đình được ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau: Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm; Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm.

Chế độ tiền lương của quân nhân sẽ có một số thay đổi từ 1/10/2016. Ảnh minh họa

Tăng trợ cấp hằng tháng cho quân nhân đã xuất ngũ

Từ ngày 25/10/2016, Thông tư 130/2016/TT-BQP về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, từ ngày 1/1/2016, mức trợ cấp hằng tháng mới đối với các đối tượng nêu trên = Mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 12/2015 + 150.000 đồng

Mức hưởng cụ thể theo số năm công tác sau khi đã điều chỉnh như sau: Từ đủ 15 đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.535.000 đồng/tháng; Từ đủ 16 đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.605.000 đồng/tháng; Từ đủ 17 đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.674.000 đồng/tháng; Từ đủ 18 đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.743.000 đồng/tháng; Từ đủ 19 đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.812.000 đồng/tháng.

Mức thưởng cho VĐV thể thao quân đội lập thành tích

Từ ngày 27/10/2016, Thông tư 138/2016/TT-BQP về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) thể thao quân đội (TTQĐ) được tập trung tập huấn và thi đấu sẽ có hiệu lực thi hành.

Theo đó, VĐV các đội TTQĐ lập thành tích tại các giải thi đấu sẽ được thưởng theo quy định mới, tiêu biểu khi đạt được huy chương vàng sẽ được mức thưởng như sau: Đại hội TTQĐ các nước thế giới: 75 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước thế giới, Châu Á: 50 triệu đồng/VĐV; Giải TTQĐ các nước Đông Nam Á: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quốc: 30 triệu đồng/VĐV; Giải thể thao Vô địch Quốc gia: 25 triệu đồng/VĐV; Đại hội TDTT toàn quân: 10 triệu đồng/VĐV; Hội thao thể thao toàn quân: 7.5 triệu đồng/VĐV.

Hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC

Theo thông tư 11/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ ngày 01/10/2016.

Theo đó Thông tư này hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu EPC đối với gói thầu của dự án thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật đấu thầu năm 2013.

Đối với các gói thầu EPC sử dụng vốn ODA, nếu được các nhà tài trợ chấp thuận thì vẫn được áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư này.

Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BKHĐT là sơ đồ chi tiết quy trình thực hiện và những mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu EPC.

Quy định nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Vừa qua, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 19/2016/TT-BTNMT về báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm: Đánh giá chung về các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, các loại hình chất thải đặc trưng và các vấn đề môi trường chính (nếu có) của ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường; Định hướng công tác bảo vệ môi trường trong năm tới và đề xuất, kiến nghị.

Thông tư 19/2016/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

Hoạt động khuyến khích đầu tư phát triển rừng ven biển

Nghị định 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 10/10/2016.

Theo đó, quy định một số hoạt động nhằm khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển như sau: Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển; Đầu tư công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục vụ rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái; Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Vạn Xuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-chinh-sach-quan-trong-co-hieu-luc-tu-1102016-post210334.info