Những chiến sỹ Điện Biên trên quê hương cách mạng Cao Bằng (kỳ 3)

Kỳ 3: Nhớ về một thời hoa lửa

Trong 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Mông Thanh Học, hiện ở xóm Nà Niển, xã Bình Dương (Hòa An) đã trực tiếp tham gia đợt tấn công thứ ba. 70 năm trôi qua, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay mái đầu đã bạc trắng nhưng vẫn minh mẫn, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng. Những trận đánh cùng ký ức hào hùng năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ông.

Bản hùng ca Điện Biên

Sinh năm 1931, năm nay, ông Học đã bước sang tuổi 93 và có 68 năm tuổi Đảng. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh; đặc biệt, khi chúng tôi hỏi về hồi ức một thời máu lửa, giọng ông bỗng trở nên minh mẫn lạ thường, rành rọt kể về một thời “nằm gai nếm mật” những ngày tham gia cách mạng đầy gian truân nhưng hào hùng.

Đã ngoài 90 tuổi, nhưng những hồi ức năm đó được cựu chiến binh Mông Văn Học nhớ như in từng nhiệm vụ đã tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 2/1951, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Học đang làm nhân viên Ty Bưu điện Cao Bằng. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ông tình nguyện xin nhập ngũ, tham gia đơn vị Đại đoàn 316, Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 6, Đại đội 5 đi đánh trận ở Phố Mới, Bắc Ninh. Năm 1952, đơn vị lên Phú Thọ, đóng quân tại Đồn Vàng 1 tháng rồi hành quân đi Tây Bắc, sang Sầm Nưa (Lào) đánh trận. Khi về Nà Sản (Sơn La) chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cấp trên lệnh cho đơn vị trở lại Lào để đánh đuổi thổ phỉ, không cho chúng quấy phá mặt trận Điện Biên. Sau đó, đơn vị trở về Lai Châu, đến năm 1953, ông được tham gia đánh trận ở Mường Pồn (Điện Biên).

Nhắc đến trận đánh Mường Pồn, ông Học không khỏi xúc động, giọng nói có phần run run. Bởi trong trận chiến này, anh hùng Bế Văn Đàn - người con của quê hương cách mạng Cao Bằng đã lấy thân mình làm giá súng và hy sinh khi khẩu súng vẫn được gá chặt chân đế trên vai, hướng nòng súng về phía quân thù. Ông và đồng đội vô cùng thương tiếc và cảm phục trước sự hy sinh anh dũng đó; sau khi đánh trận xong, mọi người thay nhau canh gác thi thể anh hùng Bế Văn Đàn, sáng hôm sau mới tiến hành chôn cất. Sau đó, đơn vị tiếp tục đánh đuổi giặc sang Lào.

Từng dòng ký ức của những năm tháng chiến đấu gian khổ nơi chiến trường Điện Biên như một thước phim quay chậm, cứ thế hiện lên ngày một rõ nét trong trí nhớ của ông. “Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 3, đơn vị tôi từ Lào quay trở về Việt Nam. Lúc này tại đồi A1, cuộc chiến giằng co diễn ra rất ác liệt, hai bên giành nhau từng tấc đất, ta xác định muốn giải phóng Điện Biên, bằng mọi cách phải chiếm được đồi A1. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương án đào hầm ngầm vào sâu trong lòng đồi tới tận chân lô cốt địch để đánh bộc phá. Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn 351. Tôi cùng đồng đội phụ trách gói và vận chuyển bộc phá”. Kể đến đây, ông Học lấy ra chiếc khăn mềm lau thật cẩn thận những tấm huân, huy chương chiến đấu mà ông xem như “báu vật”. Trái tim người lính thổn thức theo từng dòng hồi tưởng.

Ông bảo, gói bộc phá không khó, chỉ cần gói như gói bánh chưng; lấy vải dù cắt ra để gói thuốc nổ nhưng phải thật chặt tay mới nổ được hết, sau đó đục lỗ để đấu nối dây cháy chậm cho những quả bộc phá. “Mỗi gói bộc phá nặng khoảng 20 kg. Cứ thế, 2 người gói 1 gói, trung bình 1 đêm gói được 2 bộc phá. Nhưng không phải lúc nào cũng có đủ thuốc nổ để gói, trong kho hết thuốc nổ, chúng tôi phải chờ lực lượng công binh đi tìm và tháo gỡ bom từ máy bay quân địch bị bắn rơi hay những quả bom địch thả xuống nhưng không nổ để lấy thuốc nổ về gói, mỗi tối có khi chỉ được 1 ống bơ sắt thuốc nổ là anh em chúng tôi đã mừng lắm rồi. Những đêm nào sáng trăng có thể gói nhanh, nhưng những đêm trời tối trăng, chúng tôi phải mò mẫm gói hoặc để đến sáng mới làm, không dám đốt lửa. Cứ như vậy, sáng làm xong, tối vận chuyển, tối làm xong, sáng lại vận chuyển qua đường hầm để tránh địch phát hiện, có khi 2 - 3 đêm mới vận chuyển được 1 gói. Việc vận chuyển bộc phá rất vất vả, nhất là những khi trời mưa, nước trong hầm ngập đến tận cổ, chúng tôi vừa phải lội nước vừa phải giơ bộc pháo lên cao quá đỉnh đầu để tránh không cho nước vào thuốc nổ. Phải mất đến 15 ngày, chúng tôi mới gói và vận chuyển xong những quả bộc phá”.

Đêm 6/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót phải đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướn De Castries (Đờ Cát-xtơ-ri) cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Kể đến đây, giọng nói vốn đã hào sảng của ông như vang hơn, những tia sáng của súng đạn và pháo nổ thời khắc đấy như đang nhấp nháy, nhảy múa trong đôi mắt người chiến sỹ năm xưa. “Khi cho nổ bộc phá, tôi cùng đồng đội đứng trên khu đông nhìn xuống, hỏi nhau “Hôm nay nổ bộc phá có được giải phóng không?”. Sau khi lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, chỗ nào có địch đóng quân đều treo cờ trắng, chúng tôi vui mừng phấn khởi, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng rồi”.

Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ, toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh. Sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ giải tù binh về đến Mộc Châu, một sĩ quan quân địch hỏi chúng tôi “Các anh, nhìn người nào cũng nhỏ bé như này mà sao đánh ác thế?”. Tôi liền trả lời rằng: “Chúng tôi đã bị xiềng xích đô hộ 80 năm rồi, vì vậy, chúng tôi phải đánh, phải đấu tranh đòi độc lập, quyền tự chủ cho đất nước” - ông Học vui vẻ nói.

Những tấm huân, huy chương kháng chiến được ông Học giữ gìn cẩn thận.

Ông chia sẻ, đi chiến đấu, trải qua nằm gai nếm mật, khi băng rừng, vượt suối, lội đèo, vượt các bãi vắt rừng già, qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới, nỗi nhớ nhà không sao kể xiết. Nhất là thời gian ở Lào không có muối, phải đốt cây nứa rồi lấy về giã và pha với cơm để ăn, ông cùng đồng đội luôn động viên nhau cố gắng, lạc quan. Ông bị thương 2 lần, một lần ở bên Lào do cối 60 đánh; một lần ở Điện Biên đào hầm công sự trúng mảnh bom còn sót lại nổ. Trong ngôi nhà của ông hiện nay, những thứ quý giá nhất là những tấm huân huy chương chiến thắng. Đó chính là ký ức không thể quên và cũng là nỗi niềm của những người góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Người cán bộ gương mẫu, nhiệt huyết

Tháng 9/1957, ở trong quân ngũ, ông Học giữ các chức vụ: A phó, A trưởng. Từ tháng 10/1957 - 1/1960, đi học tại Trịnh Sáy (Trung Quốc) và Trường dạy nghề thuộc Cục quản lý xe máy, sau đó trở về làm thợ sửa chữa xe máy của Đại đoàn 316 (nay là Sư đoàn 316). Năm 1963, xuất ngũ trở về địa phương, nhận công tác tại Huyện ủy Hòa An. Tháng 5/1964, tăng cường làm Chủ tịch UBND xã Bình Dương; tháng 10/1966, làm Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Hòa An. Đến tháng 4/1968, tái ngũ vào Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc làm giáo viên dạy lái xe, sau đó đi Quảng Bình giao quân, quay về bị bom từ trường đánh trúng vào tai nên bị điếc, không được lái xe nữa, trở về làm thợ sửa chữa xe của trường”. Ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, ông Cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 1973, khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, ông đi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong 2 tháng; sau đó về Huyện ủy Hòa An làm công tác xây dựng Đảng… Năm 1978, tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương; lúc đó, tình hình biên giới Việt - Trung cực kỳ căng thẳng, các xã cung cấp gạo cho chiến trường. Xã Bình Dương có 8 xóm, nhưng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, có những lúc lương thực không đủ, người dân phải đi mua ở chỗ khác. Ông kiên trì đi đến từng xóm, các hộ gia đình, hợp tác xã, động viên người dân chi viện cho chiến trường. Năm 1983, ông nhận quyết định nghỉ hưu, cùng với gia đình phát triển kinh tế, nuôi bò, trồng cây keo, cây ăn quả.

Khi được hỏi về cựu chiến binh Mông Thanh Học, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Nông Văn Hữu cho biết thêm: Sau khi nghỉ hưu, ông Học còn làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thin Tản (lúc trước gọi là tổ đội công) khoảng 2 năm. Ông tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương; đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương kính trọng.

Dù tuổi cao, nhưng cựu chiến binh Mông Thanh Học vẫn phụ giúp gia đình phát triển kinh tế.

Sau những câu chuyện về một thời hoa lửa, ông Học dẫn chúng tôi thăm quan vườn cây ăn quả của gia đình; trong chuồng những con lợn béo căng tròn; cánh đồng thuốc lá xanh mướt; lò sấy thuốc lá vừa cho ra mẻ mới thơm lừng.

Hằng ngày, người cựu chiến binh tuổi 93 vẫn vào rừng lấy rau về chăn nuôi gia súc, gia cầm, phụ con cháu chăm sóc vườn cây. Vui vẻ, an nhiên bên con cháu, kỷ niệm về những năm tháng hào hùng nơi chiến trường Điện Biên với bom rơi lửa đạn, nơi có những đồng đội luôn vững chí bền lòng, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp giành độc lập, thống nhất nước nhà mãi mãi là một ký ức đẹp và tự hào, được ông trân trọng và gìn giữ.

Kỳ 1: Vinh quang người chiến sỹ Trung đoàn Pháo cao xạ 367

Kỳ 2: Tự hào chiến sỹ Điện Biên anh hùng

Thu An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-dien-bien-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-ky-3-3168648.html