Vấn nạn thực phẩm bẩn làm 'nóng' nghị trường

'Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan': không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy'.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh

Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1/4, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ lo ngại trước vấn nạn thực phẩm bẩn.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam.

“Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới”, ông Trần Ngọc Vinh nói.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng phản ánh: Cử tri rất lo lắng về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng, thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) khẳng định thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã đến mức “rất báo động”, “gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài”.

“Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan': không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, mặc dù hành lang pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm hiện nay rất đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Nguyên nhân bao trùm chính là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém.

Đơn cử như trong việc sử dụng Salbutamol, chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấm nhập, nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập.

Với số lượng lớn, hơn 9 tấn trong 2 năm, sau khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này.

"Hiện chưa ai trả lời được là có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc? Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành làm rõ để trả lời công luận và báo cáo Quốc hội", bà Nga đề nghị.

Sắp tới Việt Nam sẽ áp dụng Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 317 Bộ luật Hình sự mới với mức phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 20 năm, bà Nga đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung, quy định rõ ràng, minh bạch hơn về danh mục chất cấm, quy chuẩn ngưỡng cho phép tồn dư hóa chất, kháng sinh, phương thức giám định xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe do thực phẩm bẩn gây nênđể vừa xử lý nghiêm minh nhưng cũng tránh oan sai và hình sự hóa các vi phạm hành chính.

MẠNH NGUYỄN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/van-nan-thuc-pham-ban-lam-nong-nghi-truong-1658238.html