Những cảnh khổ sở chưa từng thấy đang diễn ra ở miền Tây

Mất ăn mất ngủ vì hoa màu chết khô, phải tắm giặt bằng nước mặn chát hay mua nước ngọt với giá rất cao... là cuộc sống mà người dân miền Tây đang phải hứng chịu.

Người dân khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Thế Giới Tiếp Thị

Mất ngủ cả tháng vì lo hoa màu mất trắng

Những ngày này, đi đến đâu ở các tỉnh miền Tây cũng nghe người dân than vãn về tình trạng hạn, mặn khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Nhiều tỉnh miền Tây bị mặn xâm nhập sâu. Đồ họa: Phương Nguyên/Zing.vn

Ông Hai Hùng (ở TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) vừa cắt mớ lúa non cho bò ăn vừa chia sẻ trên tờ Vietnamnet rằng, cả tháng nay ông không ăn ngủ được vì phải nghĩ cách cứu lúa nhưng đến nay thì 5 công lúa đã chết gần hết.

“Bữa trước tôi còn mua dầu về dùng máy bơm nước dưới kênh lên cứu lúa nhưng nước dưới đó mặn chát, bơm vô làm lúa chết, tốn tiền, tốn công nên thôi. Giờ lúa chết hết, không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu”, ông Hùng tâm sự.

Đồng ruộng ở miền Tây khô hạn do ảnh hưởng của tình trạng hạn, mặn. Ảnh: Vietnamnet

Chị Phạm Minh Thư ở tỉnh Trà Vinh xót xa bên 4 công lúa bị chết khô và hy vọng đến ngày thu hoạch có chút đỉnh lo cho con cái đi học đã tiêu tan. Ảnh: Vietnamnet

Mua nước ngọt với giá "cắt cổ" để sinh hoạt, sản xuất

Tình trạng hạn mặn khiến hoạt động sản xuất bị tê liệt, đời sống sinh hoạt đảo lộn, một số nơi ở miền Tây nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm, người dân phải mua nước bình loại 20 lít với giá 10.000-15.000 đồng để sử dụng.

Một số gia đình khác thì chấp nhận mua nước ít nhiễm mặn với giá “cắt cổ” từ 30.000-100.000 đồng/m3 để sử dụng.

Người dân phải mua nước ngọt với giá rất cao để sử dụng trong sinh hoạt.

Ở Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 75km, sớm hơn các năm trước gần hai tháng nên phần lớn dân ở tỉnh nàybuộc phải xài nước máy mặn chát.

Cũng chia sẻ trên tờ này, bà Hai (ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) nói: “Trước còn xuống sông tắm được nhưng giờ thì thua, nước đã mặn chát, muốn tắm phải ra ao nước sau nhà mới có ít nước ngọt.

Chuyện ăn uống của 5 người trong nhà tôi đều mua nước bình.

Chưa đầy 2 ngày là hết bình nước, tiết kiệm lắm thì được 3 ngày. Mỗi tháng phải chi hàng trăm ngàn đồng để mua nước ngọt. Sống ở vùng sông nước mà không dám xài nước thì trớ trêu quá”.

Cùng cảnh ngộ với bà Hai, chị Đoàn Ngọc Thẫm bán quán cơm ở xã Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Nam) cho biết trên tờ Zing.vn, nước mặn đã khiến mọi sinh hoạt của gia đình chị đảo lộn kể từ trước Tết Nguyên đán:

"Tắm nước mặn khiến mặt tôi dị ứng, nổi mẩn ngứa nhưng ráng chịu. Thương các con, tắm xong nước nhiễm mặn, tôi xả lại cho chúng vài ca nước lọc nhưng, con nói vẫn khó chịu lắm.

Từ khi nước máy bị mặn, mỗi ngày tôi dùng cả thùng nước lọc 10.000 đồng để nấu súp".

Nước máy tại nhà chị Đoàn Ngọc Thẫm ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) rất trong nhưng mặn đắng. Ảnh: Việt Tường/Zing.vn

Không chỉ cuộc sống của người dân bị đảo lộn mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần nước ngọt cũng có thể phải ngừng hoạt động.

Do nước máy quá mặn nên Công ty Thế Giới Việt chế biến các sản phẩm từ dừa tại Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) phải mua nước ngọt của các doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai để duy trì sản xuất.

Công ty này phải mua với giá 270.000 đồng/m3 và phải trả thêm tiền thuê xe chở nước 58.000 đồng/m3, tổng cộng 328.000 đồng/m3 nước.

Nhiều doanh nghiệp cho biết phải tự cứu mình bằng cách mua máy xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt. Công ty Thế Giới Việt đang nhập tiếp hai máy xử lý nước mặn với giá 50.000 USD từ Thái Lan, ghi nhận trên tờ Tuổi trẻ.

Cơ quan khí tượng dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016. Khả năng nắng nóng sẽ xuất hiện sớm, ít mưa, và nền nhiệt chung trên cả nước sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Hạn hán tiếp tục nghiêm trọng cho tới tháng 5-6. Một số nơi ở Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, thiếu nước và hạn hán nhiều khả năng kéo dài cho tới tận các tháng 8-9.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Nam Bộ cũng chỉ có thể được cải thiện khi những đợt mưa mùa hè (tháng 5) bắt đầu.

Dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát xâm nhập mặn, nhưng thời gian qua đời sống của người dân ở nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng lúa bị thiệt hại; Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng từ cuối năm 2015 với tổng diện tích lúa bị thiệt hại của hai tỉnh này gần 85.000 ha.

Về nước sinh hoạt, khoảng 155.000 hộ gia đình với 575.000 người dân bị thiếu nước.

Tổng hợp

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/xa-hoi/nhung-canh-kho-so-chua-tung-co-dang-dien-ra-o-mien-tay-2016030915134457.htm