Những cái "bẫy" trẻ nhỏ

Vừa qua, cháu Huỳnh Thanh Quang (7 tuổi, trú xã Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam) trong lúc chơi bất ngờ rơi xuống mắc kẹt trong hố bê-tông dùng để chôn cột điện. Sau hơn 3 tiếng, Phòng Cảnh sát PCCC CA tỉnh Quảng Nam có mặt tại hiện trường triển khai các biện pháp cứu nạn thì cháu Quang mới được đưa ra an toàn. Qua tai nạn trên, một lần nữa cho thấy, đây là hệ lụy của việc thi công công trình không có rào chắn, biển cấm... khiến nhiều cháu nhỏ thiệt mạng trong thời gian gần đây.

Theo chị Trần Thị Thọ (35 tuổi, mẹ cháu Quang), lúc 10 giờ 30 ngày 12-11, trong lúc ra khu vực công trình thi công cột bê-tông trụ điện để chơi, bất ngờ cháu Quang bị ngã và mắc kẹt trong hố chôn cột điện rộng gần 0,5m, sâu gần 1m. Dù đã dùng nhiều biện pháp, song gia đình và chính quyền địa phương không thể đưa cháu Quang ra được. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC CA tỉnh Quảng Nam điều xe cứu nạn cùng 9 CBCS nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Tại hiện trường, lực lượng cứu nạn sử dụng thiết bị và máy khoan bê-tông đào sâu xung quanh móng trụ, phá từng mảng nhỏ bê-tông trụ. Sau nhiều nỗ lực, đến 14 giờ cùng ngày, cháu Quang đã được cứu an toàn.

Cháu Huỳnh Thanh Quang được lực lượng cứu hộ CA tỉnh Quảng Nam đưa ra khỏi nơi bị nạn.

Trường hợp cháu Quang may mắn hơn những cháu khác khi không may bị rơi xuống hố công trình. Mới đây, ngày 28-8, UBND xã Tam Anh Nam (H. Núi Thành) tổ chức buổi bóng đá giao lưu tại sân vận động của xã. Lúc đó cháu Nguyễn Quốc Thái (3 tuổi) cùng mẹ đến xem bóng đá. Tại đây, cháu Thái rơi xuống một hố nước sâu khoảng 2m, rộng khoảng 1m. Sau khi phát hiện và vớt lên, cháu Thái được đưa đến Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam cấp cứu. Tuy nhiên, cháu đã không qua khỏi.

Theo lãnh đạo xã Tam Anh Nam cho biết, hố này do Cty CP Tư vấn kiểm định xây dựng Delta (trụ sở Tam Kỳ, Quảng Nam) đào lên để phục vụ việc khảo sát kiểm định xây dựng khán đài sân vận động. Những ngày trước khi xảy ra vụ việc, do trời mưa nên hố đọng nước. Đặc biệt, do hố không có rào chắn, biển báo nguy hiểm nên đã dẫn đến tai nạn đau lòng trên.

Trước đó, cũng tại H. Núi Thành, cháu Phạm Thị Nhàn (2003, trú xã Tam Nghĩa) dắt bò ra khu đất trước đây được một Cty khai thác titan để chăn thả. Đến tối cùng ngày, gia đình không thấy cháu Nhàn về nên tổ chức tìm kiếm, đồng thời trình báo sự việc lên cơ quan chức năng. Sau khi tìm kiếm, người dân phát hiện cháu Nhàn rơi xuống hố sâu gần chục mét. Lúc này, thi thể của cháu Nhàn nằm cách bờ khoảng 5 mét, tuy nhiên vì hố nước quá sâu nên không ai dám bơi ra để trục vớt nên mọi người chỉ biết dùng cây kéo thi thể của cháu vào bờ rồi bàn giao lại cho gia đình đưa về nhà lo hậu sự.

Hố nước do khai thác titan để lại khiến cháu Nhàn tử vong.

Được biết, gia đình cháu Nhàn là hộ nghèo đặc biệt của xã Tam Nghĩa. Nhàn là chị thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em. Ông Phạm Sáu (42 tuổi, cha em Nhàn) dù bị mất một tay nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên hằng ngày vẫn phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền lo cho gia đình. Chính vì hoàn cảnh quá nghèo và thương cha mẹ nên học hết cấp 1, cháu Nhàn đã phải nghỉ giữa chừng ở nhà đi chăn bò và phụ giúp việc cho gia đình.

Ngoài ra, tại H. Thăng Bình, chiều 9-6, cháu Nguyễn Thanh Nga (2006, trú xã Bình Trung) đi chơi chẳng may bị trượt chân, rơi xuống hồ thu gom nước sâu hơn 2m thuộc công trình thủy lợi thôn Tứ Sơn. Mặc dù được mọi người phát hiện, tổ chức cứu vớt nhưng cháu Nga đã tử vong do bị ngạt nước...

Có thể thấy, những vụ tai nạn đau lòng trên ngoài nguyên nhân chủ quan của các đơn vị thi công công trình thì các bậc phụ huynh cũng cần phải nhắc nhở, để ý con em mình nhiều hơn. Đặc biệt với những trẻ còn nhỏ, cần có người lớn giám sát khi đi qua những khu vực có ao, hồ, sông, suối.

B.B

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157797_nhu-ng-ca-i-ba-y-tre-nho-.aspx