Những bức tranh 'giãn cách để gần nhau'

Chỉ trong vòng một tháng phát động, hơn 120 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng đã được tập hợp lại trong một triển lãm vô cùng đặc biệt: triển lãm 'Tranh trong mùa giãn cách'. Không chỉ là tranh, không chỉ là triển lãm, mà đây còn là biểu hiện sâu sắc nhất, rõ nét nhất tình yêu nước, trách nhiệm công dân cũng như tình cảm của con người với con người trong những tháng ngày cả nước cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19.

Tác phẩm "Ngày tươi đẹp của họa sĩ Bình Nhi.

NDĐT – Chỉ trong vòng một tháng phát động, hơn 120 bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng đã được tập hợp lại trong một triển lãm vô cùng đặc biệt: triển lãm “Tranh trong mùa giãn cách”. Không chỉ là tranh, không chỉ là triển lãm, mà đây còn là biểu hiện sâu sắc nhất, rõ nét nhất tình yêu nước, trách nhiệm công dân cũng như tình cảm của con người với con người trong những tháng ngày cả nước cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19.

Đây là triển lãm đầu tiên và duy nhất trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật từ đầu năm đến nay chỉ bao gồm những tác phẩm được sáng tác trong thời gian cách ly xã hội, cả nước chung tay chống dịch bệnh. Bắt đầu bằng một lời kêu gọi của nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban Nhân Dân Hằng tháng, Báo Nhân Dân trên mạng xã hội, “Những ngày cách ly, bạn nghĩ gì”, những bức tranh liên tiếp được các họa sĩ gửi đến, như một hiệu ứng tốt đẹp về những giá trị tốt đẹp trong lúc xã hội cần nhất sự chung tay, đồng lòng.

Tiếng của đất 2 - Phạm Hà Hải.

Tham gia triển lãm là rất nhiều họa sĩ tên tuổi, như Lê Thiết Cương, Phạm Hà Hải, Nguyễn Thị Hiền, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Trương Tiến Trà, Đinh Quân, Phạm An Hải, Lê Trí Dũng, Lê Anh Vân… Hầu hết các họa sĩ đều gửi đến cả chùm gồm từ 3-4 tranh. Có những họa sĩ chưa từng cộng tác với Nhân Dân Hằng tháng như họa sĩ Lê Anh Vân cũng gửi tranh tham dự. Những bức tranh “trong mùa giãn cách” có đề tài rất phong phú, từ ghi lại cuộc sống thường ngày “bị đảo lộn”, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về khoảng thời gian chưa từng có, thể hiện sự lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống

Về nhà 2- Đào Hải Phong.

Chính vì thế, triển lãm ngay từ lúc ra mắt đã nhận được nhiều sự đồng cảm, tình cảm của các văn nghệ sĩ, họa sĩ, những người có tranh và không có tranh tham gia triển lãm. Họa sĩ Phạm Hà Hải, một trong những người cùng các nhà báo của ấn phẩm Nhân Dân Hằng tháng gây dựng, lựa chọn tác phẩm để hình thành nên triển lãm này chia sẻ: “Triển lãm bắt nguồn từ ý tưởng của Nhân Dân Hằng tháng, tiếp nối chương trình trước đó, kêu gọi các họa sĩ các tác phẩm mỹ thuật để gây quỹ ủng hộ các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Hầu hết các họa sĩ tham gia triển lãm này đều đã đóng góp từ đợt đầu đó, cho nên khi vận động, triển lãm cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các anh em họa sĩ, nhất là ở phía bắc”.

Ngoài kia hoa vẫn nở - Trần Hoàng Sơn.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết, triển lãm này có một điều sâu sắc hơn nữa, đó là chủ đề hướng anh em họa sĩ tới một mục đích là dành tâm huyết, cảm xúc của mình với tâm trạng của môt công dân và của một nghệ sĩ, thể hiện những cảm nghĩ của mình trong một bầu không khí mà cả nhân loại đang phải đối dầu. Đây cũng là một thách thức không nhỏ trong sáng tác, làm sao nghệ sĩ vừa thể hiện được bản ngã nghệ thuật của mình, nhưng cũng phải nói lên được vấn đề của con người đương thời.

Khúc khải hoàn - Lê Trí Dũng.

Họa sĩ Phạm Hà Hải cũng cho rằng, thành quả của cuộc triển lãm hôm nay là một quá trình đáng trân trọng. Báo Nhân Dân Hằng tháng đã khơi gợi ra được suy nghĩ cũng như công sức lao động nghệ thuật của giới văn nghệ nói chung. Và bản thân anh em họa sĩ cũng đã thêm một lần nữa góp được tiếng nói, sự chia sẻ của mình đối với xã hội.

Đường làng - Lê Anh Vân.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, một trong những vị khách có mặt tại triển lãm, đã hết sức bất ngờ khi được chứng kiến một sự kiện nghệ thuật tự do và bay bổng như vậy tại một tờ báo mà trong quan niệm của chị “chỉ nói về chính trị”. Chị chia sẻ đã “đường đột” trở thành nhà sưu tập với ba tác phẩm trong triển lãm và cảm thấy rất hạnh phúc về điều này. Nữ đạo diễn nói: “Chúng ta hạnh phúc hơn rất nhiều người vì vào trong những ngày như thế này, vẫn được tham dự một triển lãm, được gặp gỡ nhau. Điều đó cũng đánh thức chúng ta rằng, vẫn còn đâu đó trên hành tinh này vẫn còn nhiều người đang phải trải qua mùa thực sự đặc biệt, một quãng thời gian mà không ai mong muốn lặp lại lần nữa. Nhưng cũng đã có rất nhiều điều chúng ta không thể trải nghiệm và cảm nhận được nếu như không có quãng thời gian đặc biệt vừa qua. Chưa khi nào sự giãn cách một cách thực tế lại khiến cho chúng ta gần nhau đến vậy. Chưa khi nào sự chia xa một cách rất thực tế lại khiến cho chúng ta ngồi lại, nghĩ về nhau và dành cho nhau những tình cảm thân thương đến vậy”.

Nữ đạo diễn cho rằng, triển lãm đã tạo ra được một mối giao tình đẹp đẽ, kêu gọi được các họa sĩ, những người vì nghệ thuật mà đóng góp không vụ lợi, vô điều kiện. Triển lãm mềm mại, như thể một ngọn gió xanh, khiến cho những thứ xưa nay có vẻ rất khô khan, xa rời với công chúng lại được kéo gần lại, nói lên được rất nhiều vấn đề.

Tranh trong những ngày giãn cách, mặc dù cách xa về mặt không gian thực, nhưng lại kéo mọi người lại gần nhau, như lời của họa sĩ Phạm Hà Hải: “Tên của triển lãm là “Tranh trong mùa giãn cách nhưng lại cho thấy sự gần gũi”.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/44877602-nhung-buc-tranh-%E2%80%9Cgian-cach-de-gan-nhau%E2%80%9D.html