Những bông hoa giữa đời

Mệ năm nay đoán chừng cũng gần bảy mươi rồi. Lưng còng, dáng người nhỏ thó, khắc khổ chừng ba chục ký lô nên có cảm giác chiếc xe đạp điện mệ đang đi còn có vẻ to lớn và nặng cân hơn cả mệ.

Mệ dừng lại trước hàng tôi:

- Con uống nước chi mệ đưa cho nì!

- Dạ, trưa ni con có rồi mệ, con cám ơn mệ, mệ để dành cho mấy người khác mệ hý!

Mệ cười hiền từ nhìn tôi rồi đi. Mệ run run dắt xe có đựng nhiều chai nước trước chiếc giỏ, mỗi chai là mỗi màu của một loại nước khác nhau: nước chè, nước lá, nước sôi nguội. Trời nắng mệ còn bỏ những chai nước vào tủ lạnh cho mát trước khi đem đi biếu mọi người trong chợ nữa. Cứ thế thỉnh thoảng gặp những o, những dì buôn thúng bán bưng xem chừng vất vả là mệ mời, bốn mùa xuân hạ thu đông hình ảnh quen thuộc của mệ là như vậy. Người cần thì lấy người không cần thì thôi, nhưng đa số rất vui và biết ơn mệ vì chai nước mát giữa trưa hè oi bức và tấm lòng nhân ái của mệ.

Chừng giữa trưa, lúc bà con tiểu thương cũng đã bán buôn được khá nhiều hàng hóa cũng là lúc chú Hiên có mặt. Nghe đâu người thân của chú đều đã xuất ngoại hết và chú sống một mình trong ngôi nhà to lớn, sang trọng cùng con chó nhỏ bầu bạn và lẫm chẫm theo chú mỗi lần chú ra khỏi nhà.

Hàng ngày, chú như một người cho vay tiền đích thực, ghé từng quầy và thu tiền góp hàng ngày. Chỉ có điều chú không bao giờ lấy tiền lãi mà chỉ lấy đúng số tiền chú đã cho bà con tiểu thương mượn mà thôi.

Có lần tôi hỏi chú cho mượn vậy lỡ họ không trả thì biết làm răng (vì tôi thấy chú hiền quá) nhưng chú nói: "không lo chị à, tôi chỉ muốn làm phước, chỉ mong họ trả lại tôi đàng hoàng để tôi còn có tiền cho người khác mượn nữa. Còn bao nhiêu người cần tiền để xoay sở bán buôn mà vay tụi cho vay lấy lãi nặng quá, chịu sao nổi!".

Chú ăn mặc giản dị, nụ cười hòa nhã luôn nở trên môi, gặp ai cũng cười chào xởi lởi. Mà cũng hay, tôi sống ở đây đã lâu, đã chứng kiến rất nhiều vụ giật nợ, vỡ nợ ở cái chợ này thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai không trả tiền cho chú đàng hoàng cả.

Họ bán buôn đôi lúc giật gấu vá vai, bán buổi sáng trả tiền buổi tối nhưng dường như họ cũng ý thức được việc làm đầy nhân ái của chú nên họ vẫn thường nhắc nhở nhau phải trả tiền sòng phẳng, đúng hẹn cho chú.

Phải chăng trước những con người như mệ, như chú Hiên, những con người trong cảnh khốn khó đôi khi thường hay liều lĩnh, buông xuôi và suy nghĩ "lấy được của ai là cứ lấy" cũng có những phút giây buộc phải nhìn vào sự tử tế, nhân đức của người khác để cố sống một cách tốt hơn, đẹp hơn? Nên có những người hôm nay có nước rồi sẽ không nhận nữa để còn cho người khác cần hơn mình, đồng tiền người ta cho mình mượn khi ngặt dù không bị ràng buộc bởi một chữ ký hay giấy tờ gì cũng được hoàn trả lại bằng một sự biết ơn.

Cuộc sống vốn muôn màu, đen và trắng, thiện và ác, lương tâm và phản trắc, nên đôi khi muốn nhìn cuộc sống qua lăng kính trong veo cũng phần nào nhuốm màu xám xịt, nhưng tôi vẫn muốn nói lên đây hay đúng hơn tôi muốn kể ra đây những người thật việc thật mà tôi đã tận mắt chứng kiến và tôi gọi những người như mệ, như chú Hiên là những người tử tế.

Những con người đó rất dung dị ở vẻ ngoài, ở những công việc tưởng chừng như rất đỗi bình thường nhưng ẩn sâu trong tim họ là cả một tấm lòng nhân ái bao la. Chính họ chứ không ai khác là những người thắp lên ngọn lửa nhân ái và niềm tin vào cuộc đời. Họ không ở đâu xa vời, họ hiện diện quanh ta và đang chăm sóc những cánh hoa trong vườn hoa nhân ái.

Trang Thùy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nhung-bong-hoa-giua-doi-136158.html