Những bất thường trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ “có vấn đề”; công tác chuyên môn, quản lý nhiều bất cập… là những nội dung chính được nêu trong đơn gửi đến các cơ quan báo chí của một cán bộ từng công tác tại Trường Quản trị Kinh doanh - TKV về chính ngôi trường này.

CôngThương - Bổ nhiệm cán bộ sai nguyên tắc! Năm 1998, trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành, Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - TKV) đã thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực quản lý (sau đây gọi tắt là Trung tâm) có trụ sở tại phố An Hòa, Hà Đông, Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Tháng 5/2008, Trung tâm được đổi tên thành Trường Quản trị Kinh doanh - TKV (sau đây gọi tắt là Trường QTKD - TKV). Sau nhiều năm hoạt động, Trường QTKD - TKV cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của TKV giao. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2007, khi ông Nguyễn Cảnh Nam được TKV bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm, thì cũng là lúc đơn vị này nảy sinh nhiều vấn đề bất thường. Phó trưởng phòng Giáo vụ đào tạo: Chưa tốt nghiệp đại học, vượt tuổi quy định Trường QTKD – TKV có 4 phòng chức năng, gồm Phòng Giáo vụ - Đào tạo (GV-ĐT); Tổ chức hành chính tổng hợp (TC-HC-TH); Kế toán và Phòng Kế hoạch đầu tư (KHĐT), trong đó Phòng Giáo GV-ĐT được xem là phòng có vai trò trọng yếu quyết định hiệu quả hoạt động của đơn vị. Nhưng theo đơn thư bạn đọc phản ánh thì người phụ trách phòng này không đáp ứng được cả yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ và năng lực công tác. Tại cuộc họp cấp ủy ngày 03/10/2007 về việc kiện toàn tổ chức và nhân sự của Trung tâm với thành phần gồm ông Nguyễn Cảnh Nam – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm - chủ trì; bà Nguyễn Thị Nga – Phó Bí thư Chi bộ và bà Tô Thúy Nga là Ủy viên. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Cảnh Nam đã đề xuất bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Xuân chức danh Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng GV-ĐT. Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp có ý kiến cho rằng: “Việc bổ nhiệm Trưởng, Phó phòng phải tuân thủ quy chế cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam” vì vậy đã “Không nhất trí ý kiến đề xuất chị Nguyễn Thị Xuân là Phó phòng, phụ trách Phòng Giáo vụ - Đào tạo” với lý do “Không đảm bảo các tiêu chuẩn về quy chế cán bộ, trong đó về chuyên môn năm 2004 chị Xuân còn thuộc diện nợ bằng” (Biên bản cuộc họp). Tìm hiểu về ý kiến này, chúng tôi được biết tại Trường QTKD - TKV bà Nguyễn Thị Xuân không được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, năng lực công tác, mà nguyên nhân chính là bà Xuân chưa học qua đại học – một trong những tiêu chí bắt buộc do TKV quy định đối với chức danh mà bà Xuân được đề xuất bổ nhiệm. Nhưng ngay sau đó (ngày 04/10/2007) bà Xuân chính thức đảm nhận chức vụ Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng GV-ĐT cho đến nay. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Xuân mới chỉ học qua Cao đẳng sư phạm (Sư phạm cấp 2) hệ tại chức. Đã vậy, từ ngày 19/3/2004, bà Nguyễn Thị Xuân đã được xếp chức danh viên chức là chuyên viên giáo vụ, hưởng lương hệ số 3,23. Việc xếp ngạch lương này đã vi phạm đồng thời cả Quyết định số 48 QĐ/HCTH do Trung tâm ban hành ngày 19/3/2004, trong đó quy định rất rõ chức danh Giáo viên chính – Chuyên viên giáo vụ phải tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học và vi phạm quy định tại Tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên môn, nghiệp vụ do Tổng Công ty Than Việt Nam ban hành tháng 6/2004. Cụ thể, phải: “Tốt nghiệp đại học sư phạm dạy nghề hoặc đại học kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành sản xuất của đơn vị, đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực”. Có lẽ tại thời điểm đó, trong hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên của Tổng Công ty Than Việt Nam có không ít trường hợp tương tự như bà Xuân, nên việc thực hiện Tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên môn, nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, ngày 28/2/2005, Tổng Công ty Than Việt Nam đã ban hành Công văn số 630/CV-TCCB-NTX hướng dẫn xử lý các vướng mắc khi chuyển xếp lương mới trong Tổng công ty và các đơn vị thành viên, trong đó quy định: “…Nếu người nào làm công việc thuộc chức danh kỹ sư, chuyên viên có yêu cầu trình độ là từ cao đẳng trở lên thì được xếp lương kỹ sư, chuyên viên. Kỳ nâng lương tiếp theo phải đủ tiêu chuẩn (tốt nghiệp đại học)”. Tức là, những trường hợp được xếp lương thuộc chức danh kỹ sư, chuyên viên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trình độ đối với chức danh đó thì được phép “nợ” trong thời gian không quá 3 năm (mỗi kỳ nâng lương là 3 năm). Ấy vậy, đến tận bây giờ, bà Xuân vẫn chưa “trả nợ” được bằng đại học theo quy định của Tổng Công ty than Việt Nam. Như vậy, trong cả hai trường hợp: xếp lương ngạch chuyên viên giáo vụ (tháng 3/2004) và việc được bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng phòng GV-ĐT (tháng 10/2007) của bà Xuân đã vi phạm cả quy định của Trung tâm và của Tổng Công ty than Việt Nam. Không chỉ có vậy, khi được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Phòng GV-ĐT (tháng 10/2007) bà Nguyễn Thị Xuân đã 51 tuổi (sinh ngày 01/3/1956). Việc bổ nhiệm này lại cũng vi phạm Quy chế Quản lý cán bộ do Hội đồng quản trị TKV ban hành kèm theo Quyết định số 2918/QĐ-HĐQT ngày 27/12/2006, trong đó quy định về độ tuổi bổ nhiệm lần đầu: “Các chức danh khác thuộc diện công ty con và các đơn vị trực thuộc Tập đoàn quản lý thì độ tuổi bổ nhiệm lần đầu do đơn vị quy định cụ thể, nhưng không cao hơn 40 tuổi”. Người có 1 bằng cao đẳng, 3 bằng đại học được làm… nhân viên lưu trữ Trong quá trình tìm hiểu việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo đơn thư của bạn đọc, chúng tôi được biết tại Trường QTKD có những cán bộ khác không chỉ có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm công tác, phù hợp với chuyên môn đào tạo lại không được sử dụng, bổ nhiệm một cách hợp lý. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nga. Qua tìm hiểu, bà Nga có các học vị, như: Cao đẳng sư phạm khoa Toán - Lý; Đại học Công đoàn phần; Cử nhân kinh tế chính trị; Cử nhân tài chính ngân hàng. Ngoài ra, bà Nga còn tốt nghiệp 2 khóa đào tạo quản lý giáo dục cho đối tượng hiệu trưởng và trưởng phòng giáo dục. Về kinh nghiệm công tác, bà Nga làm việc tại Trung tâm từ đầu năm 2003, nhiều năm là Phó Bí thư chi bộ. Sau 4 tháng làm việc, qua bỏ phiếu tín nhiệm của lãnh đạo và cán bộ, viên chức, bà Nga đã được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Giáo vụ và đảm nhiệm chức vụ này cho đến cuối năm 2004, khi TKV có quyết định chuyển mô hình phòng thành bộ phận giáo vụ. Sau đó, từ tháng 01/2008, bà Nga được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Kinh tế và Quản lý (không có trưởng phòng). Ngoài chức vụ chuyên môn, bà Nga nhiều năm là Phó Bí thư chi bộ Đảng của trường. Tháng 01/2010, cũng không hiểu vì sao phòng này bị giải thể theo quyết định của Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Nam. Sau khi phòng bị giải thể, ngày 21/6/2010, bà Nguyễn Thị Nga nhận quyết định làm nhân viên lưu trữ thuộc Phòng Tổ chức hành chính tổng hợp với nhiệm vụ: lập phương án xây dựng thư viện và phòng truyền thống; kiểm tra, giám sát việc duy trì vệ sinh môi trường khu vực khuôn viên trường (?). Than, khoáng sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với chiến lược phát triển mà TKV đặt ra là: “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, trong đó nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự thành, bại trong sự nghiệp phát triển Tập đoàn. Thế nhưng, Trường QTKD – TKV - trung tâm phát triển nguồn nhân lực duy nhất của Tập đoàn TKV, với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Tập đoàn - lại bố trí người đứng đầu Phòng GV- ĐT- một phòng nghiệp vụ quan trọng bậc nhất của các cơ sở đào tạo, lại không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực công tác và vi phạm chính các quy định của TKV đề ra. Trong khi đó, có những cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, quy định về bằng cấp… thì lại được phân công những công việc không đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhóm phóng viên điều tra

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/phap-luat-phong-su/nhung-bat-thuong-trong-tuyen-dung-bo-nhiem-can-bo/32/0/35696.star