Những ánh lửa

Có một lần, bên đống lửa đang bừng rực cháy, dưới tán cây cổ thụ giữa đất trời Tây Nguyên, chợt nhận ra: Tại sao tôi lại ngồi đây và mải miết với ngòi bút. Tiếng lửa kêu lép bép. À, phải rồi, vì có lửa.

Tại báo Tiền Phong, có một người hàng chục năm nay vẫn nhóm lửa. Lửa nhen buổi sáng, buổi tối lại khơi bừng lên. Ấy là cách nói ví von với Tổng Thư ký Tòa soạn (năm 2019, anh lên chức Phó Tổng Biên tập) Minh Toản-một người cầm tinh con Rồng, nhưng có giàn ria và đôi mắt tướng tinh con Cọp.

Hầu hết những bài điều tra gai góc trong hơn 10 năm gần đây trên Tiền Phong đều có sự tiếp lửa của Phó Tổng Biên tập Minh Toản. Đi lên từ phóng viên thường trú khu vực Quảng Bình, Quảng Trị; lại xuất thân từ thầy giáo dạy Văn, làm chủ cả chục võ đường thì đủ thấy bút lực và thể lực của anh thế nào rồi.

Làng báo vẫn đồn đại, thời tuổi trẻ, Minh Toản dọc ngang trên chiếc xe 67 xoáy nòng cùng cặp côn nhị khúc, với nhiều giải thưởng lớn (giải A báo chí toàn quốc). Đùng một cái, làng báo ngã ngửa khi “người hùng 67” xuống núi, chịu đút chân gầm bàn tại 15 - Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Nhiều người có ý chờ xem, cá tính ấy có tồn tại được lâu trên cương vị mới?

Quả nhiên, cũng không cần đợi lâu. Một buổi chiều đâu đó quãng đầu tháng 3 năm 2010, khi tôi đang thực hiện bài về hiện tượng xe ô tô hiệu Ford bỗng dưng vù ga, bỗng dưng có một nhân vật khá nổi tiếng xuất hiện. Ban Biên tập hồi đó phân công Phó TBT Tô Nam, Tổng Thư ký Minh Toản và tôi tiếp cựu chủ Vũ trường New Century Nguyễn Đại Dương. Ông Dương lúc đó đang rất đình đám sau vụ công an đột kích vũ trường do mình làm chủ. Ông Dương cũng làm chủ 1 đại lý xe Ford và bài viết của tôi đụng tới sản phẩm nơi ông bán.

Ông Dương bước vào phòng làm việc đầy tự tin với quần lanh trắng, đội mũ trắng, nách kẹp túi nâu. Vừa gặp, ông Dương làm một tua về cách viết bài sao cho đúng mà không đưa ra bất cứ thông tin nào liên quan bài vở. Hết đâu đó khoảng 40 phút kiên nhẫn nghe “ông chủ” dạy viết báo, đến lượt tôi nêu ý kiến thì liên tục bị chặn.

Cuối cùng, tôi đành nói rõ quan điểm: Đề nghị anh làm văn bản phản ánh cụ thể, đại diện cơ quan sẽ phản hồi. Tôi quan sát đôi mắt sắc lạnh của Tổng thư ký và kỹ hàng ria như dựng ngược nói: “Tôi tin phóng viên của mình”. Loạt bài sau đó tiếp tục phản ánh hiệu quả và đón nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc nhờ câu nói trên. Phải kể thêm, từ dấu vết này, tôi còn phát hiện những liên kết làm ăn động trời khác, nhưng xin kể hầu bạn đọc một dịp thích hợp.

Nhà báo Minh Toản cùng nhà báo Xuân Ba

Cũng năm 2010, câu chuyện “quả đấm thép” Vinashin bị tan chảy bắt đầu rúng động. Thông tin Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình vừa bị cách chức và sắp bị bắt ập đến. Tôi gọi ngay cho Tổng thư ký Minh Toản: “Ta phải có tin này sớm nhất”. “Sao không gặp phỏng vấn sinh động, thay vì tin thông tấn”, anh Toản nói. Câu chuyện Vinashin vô cùng phức tạp, viết theo lối nào đây? Phán xét một con người chưa có bản án thì mình không phải Chúa Trời. Tôi không giấu giếm: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết như chơi anh ơi”. Hai anh em trăn trở mãi. Tôi đề xuất cứ mượn chuyện đời mà viết thôi anh. Tôi bốc máy gọi ông Bình và ngay lập tức có mặt tại trụ sở gần Giảng Võ (Hà Nội).

Tôi biết chắc nếu chỉ chậm phút nào sẽ không liên lạc được với nhân vật, hơn nữa đồng nghiệp các báo sẽ cạnh tranh. Tôi bước vào phòng Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình thì nghênh diện 1 bức bình phong hình con hổ đỏ rực chặn giữa cửa ra vào. Tiến sâu hơn chút, bên tay phải là tượng Quan Công mặt đỏ lựng, bên trái là bức tranh với những cột sóng bạc đầu và mô hình con thuyền đang giương buồm ra khơi.

Ngôi giữa chĩnh chện chiếc bàn làm việc của ông Bình, nếu phải ngày thường, quân tướng vào làm việc chắc phải rén lắm trước những dương khí bừng bừng. Tôi mở lời: “Đằng nào anh cũng bị bắt, cho em cuộc phỏng vấn nhé”. Ông Bình từ chối như điều hiển nhiên, nhưng lại vẫn kể chuyện đời mình.

Tôi mặc cả: “Vậy khi nào anh bị bắt, em xin đăng”. Và ông gật đầu. Bài “Cuộc chuyện với Chủ tịch Vinashin trước ngày bị bắt” khỏi phải nói về sự độc quyền: Thông tin, hình ảnh (ảnh ông Bình đứng cạnh con tàu đang giương buồm). Đêm duyệt bài đó, anh Toản đọc sướng rơn, gọi điện liên tục; anh em trao đi, đổi lại. Cả tôi và anh đều không ngủ chờ trời sáng, báo ra sạp, đợi hiệu ứng từ bạn đọc. Tầm khoảng 8g sáng, như vỡ òa, tin nhắn của đồng nghiệp tới tấp hỏi về thông tin độc quyền; bạn đọc điện tử hồi đó ít hơn báo giấy nên thư viết tay gửi về tòa soạn tới tấp, nhưng quan trọng là…an toàn. Bởi vì cả bài, như đã bàn sẵn, anh em tôi chỉ mượn chuyện phong thủy nói về tình huống chính trị; còn câu chuyện riêng của ông Bình diễn ra theo mạch kể.

Tác giả (giữa) cùng nhóm PV đầu tiên sang Bắc Phi năm 2011

Sau cú “ăn đậm” trên, tôi và anh Toản dự đoán sẽ còn nhiều lãnh đạo Vinashin xộ khám nên tiếp tục chuẩn bị các phương án lấy tin. Và, liên tục Tiền Phong có seri bài phỏng vấn riêng các nhân vật khác như TGĐ Vinashin Trần Quang Vũ (“Cùng lắm tôi nhập kho”, “Nhận cảm ơn đủ rồi, tham nhũng làm gì”…); kể cả sau này lãnh đạo Vinalines cũng thế. Thông tin nối tiếp thông tin và cảm giác được đi trước báo bạn thật khó tả. Tổng thư ký Minh Toản thì vẫn vậy, nửa đêm có chi tiết hay, gọi điện chia sẻ, thậm chí cùng tưởng thưởng. Thói quen của anh vẫn còn nguyên cho đến nay. Đó như một thứ lửa ấm áp.

Sang đến năm 2011, tôi còn phải đối diện với một chuyến đi kéo dài 10 ngày khi bám sát đoàn “giải cứu” lao động Việt Nam đang mắc kẹt tại vùng chiến sự mấy nước thuộc Bắc Phi. Tình hình cơ quan khi đó không thuận lợi lắm (chuyện nội bộ, có dịp sẽ kể), cánh phóng viên chúng tôi chỉ còn biết bấu víu vào những người như Tổng thư ký Minh Toản. Chuyến đi có lộ trình tới Cairo (Ai Cập)-nơi tổng thống vừa bị phế truất, thành phố trong tình trạng giới nghiêm, súng đạn tua tủa. Trước chuyến đi vài ngày, một nữ phóng viên của hãng thông tấn lớn Hoa Kỳ bị hiếp giữa ban ngày trên quảng trường hỗn loạn. Tôi thuộc số ít nhà báo được đi chuyến đầu.

Suốt 10 ngày, tôi và nhóm nhà báo đã vượt biên giới Ai Cập qua Tunisia, rồi tiến sát tới biên giới Libya. Chúng tôi chốt sát biên giới để đưa tin người lao động Việt theo dòng người tị nạn tránh bom đạn, trong bối cảnh Libya hỗn loạn. Tin tức được gửi có khi giữa sa mạc bỏng rát, ngay dưới gốc ô liu, mỗi ngày 2 lượt do chênh lệch múi giờ. Hết tin, đến chùm ảnh, phóng sự, phản ánh ào ào đổ về trước sự gợi ý lẫn chăm chút bài vở từ xa của Tổng thư ký.

Tôi chưa thấy vị thư ký nào chắt chiu câu chữ như anh Toản, nhất là trước những chuyến đi xa dữ dội. Sau này, khi lên làm quản trị Ban Kinh tế hay Tây Nguyên, tôi cũng học anh điều tương tự. Có việc này, cũng cần kể lại, do nguyên gốc là thầy giáo dạy văn nên nhà báo Minh Toản là một cây phóng sự giỏi dụng và rất yêu các chi tiết đắt. Trong vài cuộc trà dư tửu hậu, anh vẫn kể về một chi tiết đắt giá trong phóng sự của đồng nghiệp về nỗi cực nhọc của diêm dân. Muối mặn thế nhưng cây xương rồng vẫn sống tốt, nhưng nó không thể nào chịu nổi trước những giọt mồ hôi bám trên áo diêm dân, mà họ cởi ra phủ lên (cây xương rồng) mỗi khi ra đồng làm muối.

Nhà báo Minh Toản (áo kẻ giữa) cùng đồng nghiệp phòng Thư kí tòa soạn

Hôm nọ, anh em chúng tôi cũng nói về Tiền Phong như 1 gốc đa 70 năm tuổi. Cụ Đa luôn đứng cạnh mái đình, thuộc diện cây di sản; có chỗ đứng trong tâm tưởng con người. Mạch nguồn văn chương hay lửa trong mỗi bài viết được nối từ đời nọ sang đời kia, lớp già sang lớp trẻ. Mọi sự đổi mới cần thiết nhìn về nguồn cội để phát huy.

Thời còn làm phóng viên, phải thú thực rằng, tôi vẫn xem lịch hôm nào Tổng thư ký Minh Toản trực để chọn gửi bài “nóng”. Có 2 việc: Lửa tiếp lửa; khi bài đăng, nếu có áp lực xin xỏ cũng không dễ. Nhiều loạt bài nhập vai điều tra về mãi lộ giữa Thủ đô, mãi lộ trên sông, mang thai hộ, phu cửu vạn vùng biên, khuân vác hành lý sân bay, ăn bẩn tại phòng cấp hộ chiếu, điều tra về buôn lậu vùng biên, hai năm bám đuổi đường dây đội lốt siêu xe biếu tặng… mà chính tôi và các phóng viên (thuộc 2 ban chuyên môn quản lý) tham gia thành công, có hiệu ứng cao là nhờ được tiếp lửa.

Nhiều đề tài thậm chí báo cáo riêng với các sếp, phần nhiều với sếp Toản. Đương nhiên, một người giỏi võ như “giáo Toản” có thể đồng cảm trước những cá tính mạnh. Nhiều khi tôi nói đùa, nếu là giấy sao gói được lửa. Làm quản trị mà ngại va chạm, ngại cá tính thì suốt ngày thổn thức. Có lẽ đó, căn phòng làm việc ấm cúng của anh luôn được chọn lui tới của những phóng viên bị xem như “kiêu binh”. Thực ra, những cuộc lưu tới đó, chủ yếu đàm đạo về trà, thưởng hương và cả sự buông bỏ trong triết lý nhà Phật.

Những lao động Việt Nam đã vượt qua bom đạn, sa mạc bỏng rát của Libya tới biên giới Tunisia năm 2011

Nói về sự buông bỏ, Tổng thư ký Minh Toản có lần định “bẻ bút” (cách dùng từ của anh khi nói về sự đoạn tuyệt với nghề) để về hưu tại quê nhà. Tôi không hiểu sâu xa chuyện gì nhưng chợt thấy nếu điều này xẩy ra, tờ báo sẽ chông chênh. Cũng may, hiện nay, căn phòng nơi tầng 6, tại tòa soạn phố Hồ (Xuân Hương) vẫn đủ trà, hương và cả chất giọng trầm bổng của “giáo” Toản (khác xa lúc chỉ đạo đề tài) để mạn đàm. Nghe nói ở đây có “kho thóc Nhật”, anh em phóng viên “phá” bao năm không hết.

Đình Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-anh-lua-post1586538.tpo