'Những ai còn sống dặn nhau bám chặt tấm ván'

'60 giờ bị những con sóng quăng quật, lần lượt từng người đã buông tay. Những ai còn sống dặn nhau phải bám chặt tấm ván, cạp từng miếng xốp ăn cầm cự', anh Hoài kể.

Sáng 3/11, 2 tàu kiểm ngư KN490 và KN473 (thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4) đã về đến Quân cảng Cam Ranh, đưa 6 ngư dân Bình Định gặp nạn trong cơn bão số 9 vào bờ an toàn.

3 trong số 6 ngư dân được cứu là thuyền viên trên tàu BĐ 97469 TS, do chủ tàu Võ Ngọc Đô (ngụ thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, bị chìm chiều 27/10.

3 thuyền viên này gồm anh Lê Minh Don (20 tuổi), Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi) và Võ Văn Hoài (35 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Định).

"Đừng ai buông tay nhé"

Sức khỏe đã hồi phục, nhưng ngư dân Võ Văn Hoài (35 tuổi) vẫn chưa tan nỗi sợ khi nghĩ lại lúc toàn bộ sức lực dồn hết vào 2 bàn tay, bám chặt lấy tấm ván để không bị sóng đánh bật.

"Sóng cao 8-9 m trồi lên, dập xuống liên tục. Rất sợ. Lúc đó anh em chỉ biết bảo nhau cố gắng bám chặt. Đừng ai buông tay nhé", anh Hoài kể.

Ngư dân Võ Văn Hoài vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ cảnh đấu tranh sinh tồn với những con sóng cao 8-9 m trên biển. Ảnh: A.B.

Anh Hoài thuật lại chiều 27/10, tàu BĐ 97469 TS, do anh trai mình là Võ Ngọc Đô làm thuyền trưởng, đang hướng vào đất liền để tránh bão số 9. Nhưng cơn bão đến quá nhanh, sóng biển cao hàng mét đã làm tàu bị hỏng máy.

"Người thì tát nước, người khởi động máy nhưng bất thành. Sóng đánh vỡ mạn tàu, 30 phút sau thì chìm hẳn”, anh Hoài nhớ lại.

14 thuyền viên gọi nhau nhanh chân nhảy xuống biển để không bị tàu cuốn chìm theo.

Sóng cao 8-9 m vẫn dồn dập đổ xuống nơi các ngư dân bị nạn. Lúc đó ai cũng nghĩ mình sẽ chết. "Đúng lúc này thì may mắn có một tấm ván vỡ ra từ thân tàu trôi đến. Anh em bám vào và điểm danh thì thiếu anh Phương, anh Toàn”, anh Hoài nói.

Những cơn sóng vẫn quăng quật nhóm ngư dân đang trôi dạt. Trời bắt đầu tối dần, sự sống trở nên mong manh như những ánh sáng của từng đợt chớp lúc đó.

"Ai cũng sợ. Nhưng ai cũng hiểu nếu không cố gắng bám trụ, cái chết sẽ đến ngay tức thì. Anh em mỗi người một câu, động viên nhau đừng buông tay và nuôi hy vọng ai đó sẽ đi ngang cứu”, ngư dân Lê Minh Don kể.

Cả đêm 27/10, nhóm 8 ngư dân sống sót nhờ bám vào tấm ván gỗ. Những lúc tưởng chừng sức lực cạn kiệt, anh Don lại nghe thấy tiếng anh Hoài: “Don ơi! Cố lên nhé. Phi ơi, đừng buông tay!”.

Cứ cứ vậy, họ cùng nhau sống sót qua ngày tiếp theo giữa biển cả sóng dữ.

8 con người bám vào tấm ván gỗ. Lúc đói, người bên cạnh nắm chặt tay người kia, tay còn lại với tấm xốp cạp ăn cầm hơi. Khi khát quá họ uống một ngụm nước biển cầm cự.

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 4 Hải quân động viên các ngư dân. Ảnh: T. Anh.

Sóng vẫn cao hàng mét trồi lên, dập xuống. Qua 2 đêm chịu đựng, lần lượt các ngư dân bám vào tấm ván gỗ buông tay, chìm theo những con sóng. Lúc này chỉ còn anh Hoài, Phi và Don, nhưng mọi người cũng bắt đầu lả dần vì đuối sức.

“Tàu kìa. Don vẫy phao đi", anh Hoài hét lớn. 3 ngư dân được tàu Fortune Iris (Hong Kong) đang trên hải trình đi Nhật Bản cứu vớt.

Lúc đó là chiều 29/10. Ba ngư dân thay nhau dùng chút sức tàn còn lại vẫy chiếc phao màu vàng. Và rồi một chiếc tàu rất lớn cũng dừng lại, cứu 3 ngư dân lúc sức chịu đựng đã cạn.

“Anh em lúc đó gần như hết hy vọng và sức cũng đã cạn kệt. Chỉ khoảng một giờ đồng hồ nữa nếu không được cứu, 3 anh em tôi chắc cũng buông tay theo những con sóng”, anh Hoài quay mặt, giấu đi những giọt nước mắt.

Đến rạng sáng ngày 30/10, tàu Fortune Iris (Hong Kong) bàn giao 3 ngư dân cho lực lượng hải quân Việt Nam.

Nước mắt ngày trùng phùng

Được cơ quan chức năng tạo điều kiện, từ sáng sớm, ông Lê Quang Tiếp (cha của ngư dân Lê Minh Don) có mặt tại Quân cảng Cam Ranh.

Cha con ngư dân Lê Minh Don ôm chầm nhau khóc ngày trùng phùng. Ảnh: A.B.

Gần một tuần nay, không chỉ ông mà cả dòng họ không ai ngủ được khi hay tin tàu cá của Don bị bão đánh chìm.

Vừa được các cán bộ, nhân viên tàu KN490 dìu lên cầu tàu, bước đi vẫn khập khiễng, vết thương ở cổ chân chưa lành. Nhưng khi thấy bố, anh Don quên hết đau đớn ôm chầm lấy. Hai cha con cùng nhau khóc.

Ông Tiếp sờ nắn từ đầu đến chân đứa con trai mà ông tưởng sẽ không bao giờ gặp lại. “Vết thương sao không con. Về nhà rồi mẹ chăm cho nhé”.

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy Vùng 4 Hải quân, cho biết trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở Chỉ huy cứu nạn, cứu hộ Quân chủng Hải quân, các lực lượng không quân, hải quân, kiểm ngư đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong việc tìm kiếm, cứu nạn.

"Các lực lượng tìm kiếm xác định cứu hộ, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, với tinh thần cứu người dân như cứu người thân của mình", ông Thuân nói.

Ông cũng mong sau khi sức khỏe tốt lên, các ngư dân vẫn tiếp tục bám biển, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các ngư dân khác để những chuyến đi biển tiếp theo được an toàn hơn; bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

'Tàu bạn gặp nạn, chúng tôi quay lại cứu ngay' “Giá nào chúng tôi cũng quay lại, anh Minh không chỉ là bạn tàu mà còn là đồng hương, anh ấy gặp nạn cũng như mình khi ở hoàn cảnh đó”, thuyền trưởng Toàn nói.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ai-con-song-dan-nhau-bam-chat-tam-van-post1149122.html