NOAA: Hơn 60% rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, gần 2/3 số rạn san hô trên thế giới đã phải chịu áp lực nhiệt độ nghiêm trọng đến mức gây ra tình trạng tẩy trắng trong năm qua.

San hô bị tẩy trắng được nhìn thấy ở Costa dos Corais ở Japaratinga thuộc bang Alagoas, Brazil ngày 16/4/2024. Ảnh: Reuters

San hô bị tẩy trắng được nhìn thấy ở Costa dos Corais ở Japaratinga thuộc bang Alagoas, Brazil ngày 16/4/2024. Ảnh: Reuters

Tháng trước, NOAA cảnh báo các rạn san hô trên thế giới đang phải đối mặt với đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư. do biến đổi khí hậu kết hợp với kiểu khí hậu El Nino đã đẩy nhiệt độ đại dương lên mức cao kỷ lục.

Hiện nay, cơ quan này báo cáo, khoảng 60,5% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị ảnh hưởng và con số đó vẫn đang tăng lên.

Trong một cuộc họp ngắn hàng tháng, Tiến sĩ Derek Manzello, điều phối viên của Cơ quan theo dõi rạn san hô của NOAA, cho biết: “Tôi rất lo lắng về tình trạng của các rạn san hô trên thế giới. Chúng ta đang thấy (nhiệt độ đại dương) hiện đang diễn ra ở mức rất khắc nghiệt”.

Bị kích thích bởi áp lực nhiệt, hiện tượng tẩy trắng san hô xảy ra khi san hô trục xuất các loại tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng. Nếu không có những loại tảo hữu ích này, san hô sẽ trở nên nhợt nhạt và dễ bị đói và bệnh tật.

Các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng tẩy trắng hàng loạt ở ít nhất 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Ấn Độ và Sri Lanka gần đây đã báo cáo những tác động.

Sự kiện toàn cầu gần đây nhất diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017 đã chứng kiến 56,1% diện tích rạn san hô bị tẩy trắng vì phải chịu áp lực nhiệt độ. Các sự kiện trước đó vào năm 1998 và 2010 lần lượt chiếm 20% và 35% diện tích rạn san hô.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy san hô bị tẩy trắng trên rạn san hô ở Costa dos Corais, Japaratinga, thuộc Bang Alagoas, Brazil, ngày 16/4/2024. Ảnh: Reuters

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy san hô bị tẩy trắng trên rạn san hô ở Costa dos Corais, Japaratinga, thuộc Bang Alagoas, Brazil, ngày 16/4/2024. Ảnh: Reuters

Mặc dù sự kiện hiện tại đã ảnh hưởng đến phạm vi rộng hơn, Tiến sĩ Manzello cho biết sự kiện 2014-2017 vẫn được coi là sự kiện tồi tệ nhất được ghi nhận do mức độ nghiêm trọng và dai dẳng của nó. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, năm 2023-24 có thể sớm vượt qua nó.

NOAA cho biết, san hô ở Đại Tây Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiệt độ đại dương tăng cao, với 99,7% rạn san hô ở lưu vực phải chịu áp lực nhiệt độ tẩy trắng trong năm qua.

Tiến sĩ Manzello nói: “Đại Tây Dương đã nằm ngoài bảng xếp hạng".

Một đánh giá được công bố vào tháng 4 vừa qua cho thấy, cho đến nay tỷ lệ san hô chết từ 50% đến 93% tại Huatulco, Oaxaca, ở Thái Bình Dương thuộc Mexico.

Tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè này khi sức nóng một lần nữa lại gia tăng ở Nam Caribe. Tiến sĩ Manzello nói: “Đây là điều đáng báo động vì điều này chưa bao giờ xảy ra sớm như vậy trong năm trước”.

Các nhà khoa học dự đoán, tình trạng tẩy trắng tiếp tục xảy ra ở Nam Caribe, xung quanh Florida và tại Rạn san hô Mesoamerican Barrier - rạn san hô lớn thứ hai thế giới - vào mùa hè này.

"El Nino đang tan nhưng đại dương vẫn nóng bất thường. Kể cả nhiệt độ không ấm lên nhiều nữa cũng đã đẩy nhiệt độ vượt quá ngưỡng tẩy trắng", ông nói.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noaa-hon-60-ran-san-ho-tren-the-gioi-da-bi-tay-trang-trong-nam-qua-post809869.html