Nhức nhối vấn nạn hủy hoại tài sản nông nghiệp

Qua thống kê, từ năm 2019 đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ hủy hoại tài sản là cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, năm 2019 xảy ra 4 vụ, năm 2020 xảy ra 2 vụ, năm 2021 xảy ra 2 vụ, năm 2022 xảy ra 1 vụ, 8 tháng năm 2023 xảy ra 3 vụ.

Lực lượng chức năng kiểm đếm diện tích cây trồng bị một số người dân hủy hoại tại xóm Ba Lầm, xã Nuông Dăm (Kim Bôi), xảy ra ngày 5/9/2021. Ảnh tư liệu

Từ lén lút đến công khai

Phát hiện con bò 2 năm tuổi trị giá khoảng 12 triệu đồng của gia đình bị chết tại nương nhà hàng xóm, anh Hà Văn Ch., xóm Pheo, xã Cun Pheo (Mai Châu) đã báo cáo cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng làm rõ con bò của gia đình anh Hà Văn Ch. bị chết do ngộ độc ure, người đầu độc là Hà Thị Nh. Với hành vi hủy hoại tài sản, Hà Thị Nh. bị Tòa án nhân dân huyện Mai Châu xử phạt 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo... Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị khởi tố, đưa ra xét xử và xử phạt tù về hành vi hủy hoại tài sản trong nông nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cố ý hủy hoại tài sản là cây trồng, vật nuôi và các sản phẩm nông nghiệp gây thiệt hại lên tới cả trăm triệu đồng. Vấn nạn này trở thành thực trạng nhức nhối trong xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Qua thống kê, từ năm 2019 đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ hủy hoại tài sản là cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, năm 2019 xảy ra 4 vụ, năm 2020 xảy ra 2 vụ, năm 2021 xảy ra 2 vụ, năm 2022 xảy ra 1 vụ, 8 tháng năm 2023 xảy ra 3 vụ. Điển hình như vụ phun thuốc diệt cỏ triệt hạ hàng chục cây cam, quýt đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình chị Lê Thị H. ở khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong); vụ đổ thuốc trừ sâu vào ao cá của gia đình ông Hà Văn N. ở xã Nà Phòn (Mai Châu) gây thiệt hại hàng chục triệu đồng; vụ chặt phá khoảng 800 gốc mía trồng được 5 tháng của gia đình chị Trịnh Thị Th., xã Mỹ Hòa (Tân Lạc); vụ gia đình bà Phạm Thị H, tổ 10, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) bị kẻ xấu đầu độc làm chết 3 con bò trị giá khoảng 70 triệu đồng; vụ việc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình phát hiện khoảng 3.000 cây bạch đàn trồng tại khu vực đồi H9, thuộc tổ 4, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) bị phá hoại gây thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Hoặc như ngày 6/3/2023, Công an huyện Lương Sơn tiếp nhận đơn trình báo của anh Nguyễn Thành Đông, trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về việc tại vườn của gia đình ở thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn bị kẻ gian xâm hại chặt phá 18 cây mít, 3 cây bưởi Diễn, 2 cây hồng xiêm, 1 cây chay, tổng trị giá tài sản khoảng 30 triệu đồng. Ngày 5/5/2023, Công an huyện Kim Bôi tiếp nhận vụ việc tại xóm Mý Đông, xã Mỵ Hòa, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai, Bùi Thanh Hương và Bùi Văn Giáp, cùng trú tại xóm Đồng Hòa, xã Mỵ Hòa đã nhổ 42 cây bưởi của gia đình ông Phạm Ngọc Thủy, trú ại xóm Mý Đông trị giá khoảng 5,5 triệu đồng...

Tác động lớn nhưng khó đấu tranh, xử lý

Đối với những vụ việc đã rõ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã, đang có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với những vụ việc diễn ra lén lút thì việc đấu tranh, giải quyết, xử lý gặp nhiều khó khăn. Theo Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, hành vi hủy hoại tài sản, chặt phá cây nông nghiệp, đầu độc, triệt hạ vật nuôi là hành vi rất đáng lên án. Vấn đề này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế về lâu dài cho các gia đình nạn nhân mà còn nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, làm mất ổn định an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy vậy, công tác đấu tranh, điều tra, làm rõ các vụ việc còn gặp không ít khó khăn. Các đối tượng thường lén lút thực hiện vào ban đêm, lợi dụng lúc vắng người. Trong quá trình điều tra, về phía người bị hại cũng chưa thông tin đầy đủ về các mối quan hệ, mâu thuẫn xã hội cho lực lượng Công an phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ. Thế nên các vụ việc hủy hoại tài sản nông nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong thực tế, nhiều vụ việc hủy hoại tài sản nông nghiệp có thể liên quan đến những mâu thuẫn tranh chấp đất đai, trả thù cá nhân hoặc bức xúc do việc chăn thả gia súc gây ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân. Do vậy, "để làm tốt công tác phòng ngừa, không để tái diễn tình trạng này thì cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh, vướng mắc ngay từ cơ sở; giữ vững ổn định an ninh nông thôn. Người dân khi chăn thả gia súc cần có người giám sát, trông coi cẩn thận, không để gia súc vào khu vực sản xuất phá hoại cây trồng. Có như vậy mới góp phần giải quyết dứt điểm vấn nạn này” - Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/181552/nhuc-nhoi-van-nan-huy-hoai-tai-san-nong-nghiep.htm