Nhức nhối thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn, nhất là giai đoạn gần Tết, đang bủa vây các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, quán ăn, len lỏi vào cả những bữa cơm gia đình. Nếu ra các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm, nơi sự kiểm soát về an toàn thực phẩm còn chưa chặt chẽ, có thể dễ dàng bắt gặp khá nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, nhãn mác, bày bán công khai. Thực trạng thực phẩm bẩn đang là một vấn nạn gây nhức nhối cho người tiêu dùng hiện nay.

Nhức nhối thực phẩm bẩn

Cách đây hơn một tháng, vào ngày 29/11, 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm đã xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn một kẹo lạ, có nhãn mác nước ngoài, được bày bán ở gần cổng trường.

Trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe tới 2 nghìn người và khiến 28 trường hợp tử vong. Số vụ ngộ độc và số người bị ảnh hưởng tăng so với năm 2022, rất may là số trường hợp tử vong giảm.

Trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm

Hồi tháng 9 vừa qua, một số khách mua bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng Hội An ăn, sau đó có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Ghi nhận tổng cộng gần 150 trường hợp ngộ độc từ nguồn này. Còn tại Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, 61 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh su kem tại một bữa tiệc trung thu.

Ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, vượt quá nồng độ chất bảo quản, chất phụ gia cho phép.

Vì sao thực phẩm bẩn vẫn có khách?

Đã có nhiều câu chuyện có hậu quả đáng tiếc liên quan đến thực phẩm bẩn. Mỗi năm vẫn có tới hàng nghìn người bị ảnh hưởng từ việc ăn phải các thực phẩm ko đảm bảo chất lượng.

Mỗi năm vẫn có tới hàng nghìn người bị ảnh hưởng từ việc ăn phải các thực phẩm không đảm bảo chất lượng

Trong số các nạn nhân có cả các em nhỏ, thế hệ tương lai. Nhiều em đã phải nhập viện điều trị tích cực dài ngày, giành giật lại sự sống. Và có em đã ra đi mãi mãi. Nguyên nhân chỉ vì một cái bánh ngọt hay một món ăn nào đó, được chế biến từ thực phẩm bẩn. Điều đó quả thực là đau xót.

Đó cũng nên là hồi chuông để kêu gọi mọi người hãy mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn, để bảo vệ sức khỏe của chúng ta, của thế hệ trẻ. Vì loại hàng hóa độc hại này, đâu chỉ ảnh hưởng ngay tức thời, mà còn chứa nhiều chất độc hại, sau khi đi vào cơ thể, gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư. Nhưng tại sao thực phẩm bẩn vẫn có mặt ở khắp nơi, vẫn có người tiêu thụ, mặc dù ít nhiều mọi người cũng hiểu về tác hại của nó?

Tại sao thực phẩm bẩn vẫn có mặt ở khắp nơi, vẫn có người tiêu thụ, mặc dù ít nhiều mọi người cũng hiểu về tác hại của nó?

Trước hết, phải kể đến là thói quen tiêu dùng thích mua bán ở các chợ dân sinh hơn là đi vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Và tiếp đến là nhận thức của người mua. Chưa thực sự lo lắng về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hãy thử ghé qua một khu chợ đông khách, đủ các loại hàng hóa, từ bánh kẹo màu sắc bắt mắt, hàng khô đến thịt cá, rau củ quả. Người mua hàng không có vẻ gì ngập ngừng khi mua các thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thịt tươi sống. Mặc dù không có bao bì, nhãn mác, hay giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm dán ở quầy.

Một lý do nữa để thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn có khách mua, là vì giá rẻ hơn hàng qua kiểm định, hàng chính ngạch. Tiêu chí đó đáp ứng được điều kiện thu nhập còn nhiều khó khăn của một bộ phận người dân lao động. họ chỉ có thể đến mua tại các chợ kiểu này. Nên họ cũng có lo lắng về chất lượng thực phẩm, nhưng không biết phải làm sao.

Một lý do khác để thực phẩm bẩn vẫn có chỗ đứng, là thói quen ăn uống của người trẻ. Nhất là học sinh, cứ thấy vị tẩm ướp đậm đà của các loại xiên nướng bày vỉa hè, ở cổng trường là mua ăn, hình bao bì xanh đỏ, bắt mắt là thích.

Càng về dịp cuối năm, cận Tết thì những vụ vân chuyển, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thi, nhập lậu càng gia tăng

Càng về dịp cuối năm, cận Tết thì những vụ vân chuyển, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thi, nhập lậu càng gia tăng. Các cơ quan chức năng mặc dù thường xuyên ra quân, kiểm tra nhưng vẫn không xuể. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp quản lý địa phương cũng còn lỏng lẻo. Tất cả khiến thực phẩm bẩn ngày càng len lỏi vào cuộc sống, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Chân gà, tràng lợn, trứng non, lòng lợn, lườn ngỗng. Những thực phẩm này sẽ được các chủ nhà hàng, quán ăn vỉa hè thêm gia giảm, hương liệu, hô biến trở nên thơm ngon, hấp dẫn thực khách.

Xu hướng người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm sạch

Đa số người tiêu dùng hiện nay đều lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Vì vậy, việc đến mua hàng tại các cửa hàng thực phẩm an toàn được người tiêu xem là cách tốt nhất để hạn chế nỗi lo, nhất là trong thời điểm chuẩn bị tới Tết Nguyên đán.

Vào những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, những người nội trợ đã có cách lựa chọn thực phẩm ở những địa điểm bảo đảm an toàn vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng.

Đa số người tiêu dùng hiện nay đều lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực tế cho thấy thực phẩm sạch đang có giá cao hơn thực phẩm cùng loại từ 20%-30%, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả để có được sản phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe gia đình. Thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn là những mặt hàng được nhiều người ưu tiên lựa chọn cho bữa ăn của gia đình.

Những năm trở lại đây, xu hướng dùng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Các cơ sở kinh doanh, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn ngày càng nhiều với đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Những lưu ý để lựa chọn thực phẩm an toàn

Lựa chọn thực phẩm là khâu quan trọng đầu tiên trong quá trình chế biến thức ăn. Lựa chọn thực phẩm không tốt không những ảnh hưởng đến bữa ăn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Vào thời điểm cuối năm, tình trạng thực phẩm "bẩn" lại trở nên nóng. Nhiều mặt hàng dễ và thường xuyên bị làm giả, làm nhái với chất lượng kém. Đặc biệt, với nhu cầu rất lớn trong dịp lễ Tết, thì lượng hàng giả, hàng nhái này được các đối tượng tuồn vào thị trường càng lớn.

Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng tự cần kiến thức lựa chọn thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.

Mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

- Lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu.

- Tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu.

- Quan sát kỹ thông tin trên bao bì

- Phẩm màu, phụ gia thường được các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sử dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Cần thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt do những sản phẩm có màu không tự nhiên thường chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

- Chủ động báo ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Lựa chọn mua rau củ quả

- Chọn các loại rau, củ, quả đúng theo mùa, tránh ăn loại trái mùa. Không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây có thể gây ngộ độc cho người ăn.

- Chọn rau củ quả loại có màu tự nhiên, còn tươi, nguyên không dập nát, héo úa hay có đốm màu lạ.

- Khi mua về cũng nên rửa sạch, ngâm nước muối trước khi sử dụng để hạn chế được tàn dư thuốc trong rau củ quả.

Lựa chọn đồ tươi sống

- Chọn các loại thịt phải có màu tươi đặc trưng của loại thực phẩm đó, thịt có độ đàn hồi, thớ thịt mịn bóng, không nhão và không có biểu hiện bơm nước, không có mùi lạ.

Thịt lợn: Nên chọn thịt có màu hồng tươi, thớ thịt săn, da mỏng, lớp mỡ có màu sáng bóng, có độ rắn.

Thịt bò: Chọn loại thịt có thớ khô ráo, màu đỏ tươi.

- Đối với các loại thủy hải sản tuyệt đối không chọn những loại có mùi hôi.

Chọn thực phẩm đóng gói

- Phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất. Nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm gồm: tên sản phẩm, nơi sản xuất, số lô sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thành phần cấu tạo chính.

- Thực phẩm còn hạn sử dụng. Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu. Lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.

- Được bảo quản ở điều kiện phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhuc-nhoi-thuc-pham-ban-212805.htm