Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển (*): Chồng chất khó khăn

Với người dân miền biển, trong những chuyến vươn khơi nếu không may tàu, thuyền gặp nạn coi như tài sản mất trắng, nợ nần chồng chất bởi đa phần tiền đầu tư phương tiện đi biển là từ vay mượn

Để giúp các chủ tàu, thuyền yên tâm bám biển, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ ngư dân.

Mất trắng tài sản

Đã 3 năm trôi qua, 23 ngư dân thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đi trên 2 con tàu BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn và BĐ 97469 TS của anh Võ Ngọc Đô (cùng ngụ thị xã Hoài Nhơn) vẫn biệt vô âm tín kể từ khi gặp nạn trong cơn bão số 9 vào ngày 27-10-2020.

Trong căn nhà nhỏ ven làng chài xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn), chị Huỳnh Thị Phượng (43 tuổi) ràn rụa nước mắt mỗi khi nói về người chồng là chủ tàu Võ Ngọc Đô sau chuyến biển ấy đã không trở về. Anh Đô là thế hệ thứ 5 trong gia đình có 5 đời làm nghề biển. Năm 2015, vợ chồng anh dành dụm đóng được chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Làm ăn suôn sẻ, đến năm 2017, tàu của anh bị cháy rụi. Do tàu không có bảo hiểm nên vợ chồng anh mất trắng tài sản.

Sau đó, vợ chồng anh Đô vay ngân hàng 2 tỉ đồng đóng mới tàu BĐ 97469 TS và mua sắm lại ngư cụ với tổng chi phí 4 tỉ đồng. Mới làm được mấy năm thì tàu chìm, lại mất trắng tài sản, nợ nần càng chồng chất. Đến giờ, khoản nợ hơn 2 tỉ đồng của ngân hàng chuyển thành nợ xấu, chị Phượng đành bất lực vì không có khả năng trả. "Thà tàu cháy như lần trước, trắng tay lần nữa tôi cũng cam lòng. Đằng này tàu chìm, tôi vừa mất chồng, vừa mất của" - chị Phượng nghẹn ngào nói.

Hiện nay, dù sức khỏe kém nhưng hằng ngày chị Phượng vẫn phải vượt quãng đường hơn 15 km từ nhà đến xưởng làm thuê. Ngày cuối tuần được xưởng cho nghỉ, chị ra cảng cá giúp việc vặt, đan lưới thuê để kiếm thêm tiền chăm lo cho cha mẹ chồng và 3 con nhỏ.

Chợ cá Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC

Mất đi người chồng thương yêu và là trụ cột chính của gia đình, chị Phạm Thị Nga (40 tuổi, ở làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) tưởng chừng như gục ngã. Suốt gần một năm qua, 4 mẹ con chị đối diện với hàng loạt khó khăn, phần vì số nợ vay mượn đóng tàu, phần vì con nheo nhóc, cha mẹ già yếu. Song nhờ vay mượn người thân, bạn bè, chị mở một hàng nước nhỏ bên trong chợ Cảnh Dương để kiếm sống qua ngày.

Bên hàng nước lụp xụp, mắt chị Nga đượm buồn khi kể câu chuyện đời của mình với giọng ngắt quãng. "Từ nhỏ, gia cảnh nghèo khó, tôi phải bươn chải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Đến năm 18 tuổi gặp anh Võ Anh Đức rồi kết hôn. Tuy cuộc sống không dư dả nhưng đầy ắp tiếng cười. Sau thời gian dài làm thuê, năm 2020 vợ chồng bàn bạc với nhau vay mượn sắm tàu mưu sinh, nuôi các con ăn học. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, anh Đức gặp nạn trên biển để lại một khoản nợ khổng lồ nên tôi đành bán tàu nhằm trang trải bớt nợ nần" - chị Nga nghẹn ngào.

Hằng ngày, chị Nga ra chợ dọn hàng từ 5 giờ sáng đến tối mịt mới trở về nhưng số tiền kiếm được khoảng 100.000-120.000 đồng chẳng thấm vào đâu khi nhà có 4 miệng ăn. Năm vừa rồi, cậu con trai lớn của chị vào đại học, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Thương mẹ vất vả, ngoài việc học ở trường, em còn chủ động tìm việc làm thêm để đỡ đần giúp mẹ, trang trải việc học hành.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng trao sổ tiết kiệm và động viên chị Trần Thị Hiếu (vợ ngư dân Nguyễn Văn Hoài) bị mất tích trong cơn bão số 9 năm 2020 Ảnh: ANH TÚ

Cần chính sách hỗ trợ

Đã hơn 1 năm sau vụ chìm tàu trên biển ngày 26-8-2022 nhưng anh Trần Văn Sơn (SN 1981, ngụ tổ dân phố Phú Mậu, thị trấn Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa hết ám ảnh về những giây phút đối mặt cái chết. Sơn cho biết sau vụ chìm tàu đó anh tính bỏ nghề đi biển bởi bao nhiêu tài sản gia đình tích góp đã theo tàu chìm vào biển khơi, nợ nần chưa trả hết, nghề biển ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, anh bàn với vợ đi vay mượn anh em họ hàng thêm khoảng 200 triệu đồng cùng với 70 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ tiếp tục sắm thuyền mới nhỏ hơn để ra khơi. Tính cả nợ cũ lẫn nợ mới, gia đình anh đang nợ gần 600 triệu đồng, trong đó có những khoản nợ được đưa vào nợ xấu.

"Giờ nhiều chuyến đi biển về đôi khi phải bù lỗ, nhưng không đi không được. Đôi khi cũng hoang mang vì cuộc sống quá khó khăn nhưng nghề cha ông truyền lại nên phải bám trụ. Ngoài việc tham gia sản xuất kinh tế mình cũng góp một phần công sức để bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - anh Sơn chia sẻ.

Không gặp sự cố như anh Sơn, nhưng hoàn cảnh gia đình chủ tàu Lê Đức Long (SN 1976, ngụ thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) còn túng quẫn hơn. Hiện anh Long đang sở hữu một con tàu nhỏ 110 CV. Để đóng con tàu trên cũng như mua ngư cụ và duy trì nghề đi biển, anh phải vay ngân hàng cũng như anh em, bạn bè hơn 1 tỉ đồng. "Mỗi tháng riêng tiền lãi đã hơn 16 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí khác, cộng với việc ngư trường ngày càng thu hẹp và cạn kiệt khiến cho kinh tế gia đình ngày càng khó khăn" - anh Long cho biết.

Theo anh Long, hiện tại phần lớn các chủ tàu như anh ở xã Thạch Kim đang đứng bên bờ vực vỡ nợ do giá xăng dầu lên cao, ngư trường khai thác ngày càng bị thu hẹp nên mỗi chuyến đi biển nhiều lúc phải bù lỗ. "Nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ cho ngư dân thì sắp tới sẽ có rất nhiều người phải bán tàu để trả nợ, mà cái khó là giờ cũng không biết bán cho ai" - anh Long mong muốn.

Vợ chồng ngư dân Trần Văn Sơn - ngụ thị trấn Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh - chia sẻ những khó khăn của gia đình Ảnh: VĨNH GIA

Ông Lê Tiến Hải - nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà - cho hay điều mà các chủ tàu, thuyền mong muốn là làm sao giảm lãi suất ngân hàng, kéo dài thời gian đáo hạn để ngư dân yên tâm bám biển.

Ông Văn Thành Đô - Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà - cho biết toàn thị trấn hiện có 83 tàu, thuyền lớn nhỏ đăng ký hoạt động. Gần như tất cả các chủ tàu đều phải vay mượn để đóng tàu, mua ngư cụ và trang trải các chi phí khác nên kinh tế rất khó khăn. Vì vậy, mong cơ quan chức năng có những giải pháp để giúp các chủ tàu yên tâm bám biển, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Quyết bám nghề

Hai năm trước, anh Nguyễn Văn Trường (phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đi lưới ghẹ một mình gặp trời giông sét khiến thuyền anh bị sóng đánh úp. May mắn hôm ấy có 2 thuyền thúng ở gần kịp thời ứng cứu nên anh thoát nạn.

Sau sự cố, chị Trần Thị Lệ và chồng tính chuyện chuyển nghề lên bờ. Tuy vậy, nghiệp biển như ăn vào máu nên anh vẫn tiếp tục đi thúng, chị phơi cá thuê. Gần đây, chị Lệ động viên con trai 19 tuổi vừa nghỉ việc ở khu công nghiệp để theo cha đi biển. "Đi biển tuy cực nhưng chủ động được thời gian, cũng là để chồng con nối nghiệp cha ông" - chị Lệ chia sẻ.

Sau vụ chìm tàu mang số hiệu BL1047TS của ngư dân Phan Văn Nam chở theo 10 ngư dân xuất phát từ cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) giữa tháng 12-2014, xác con tàu nằm lại dưới lòng biển. Không có tiền đóng tàu mới, ông Nam phải đi làm thuê cho tàu khác kiếm sống.

Còn những ngư dân may mắn sống sót trong vụ tai nạn năm ấy vẫn tiếp tục gắn bó với biển khơi. "Sau vụ chìm tàu, tôi rất sợ và đã từng thử ở nhà đi làm mướn 2 năm nhưng không làm được. Đã dấn thân vào nghề này thì không còn nghĩ đến cái chết nữa. Từ cõi chết trở về thì còn điều gì đáng sợ hơn nữa"- ông Phan Văn Xuyên, người lái con tàu số hiệu BL1047TS gặp nạn năm 2014 trải lòng.

Chung tay hỗ trợ

Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), cho biết xã là một trong những làng chài có đội tàu, thuyền hùng hậu nhất tỉnh với hơn 650 chiếc, trong đó có hơn 350 tàu cá đánh bắt xa bờ.

Trong 10 năm qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của nhiều ngư dân, một số may mắn sống sót bị thương tật, ốm yếu. Mỗi lần như vậy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình, thân nhân người bị nạn vượt qua mất mát, cố gắng nỗ lực vươn lên.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), cho hay hiện toàn thị xã có hơn 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. "Hầu hết người dân vùng biển địa phương, đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ ở nhà chăm con. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ gia đình những ngư dân mất tích khi gặp tai nạn trên biển ổn định cuộc sống" - ông Công nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-10

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhoc-nhan-hiem-nguy-nghe-di-bien-chong-chat-kho-khan-20231027214951691.htm