Nhớ ông ngoại

Nhà ông ngoại có một cái sân rộng. Trước sân, ông trồng hai cây bưởi, tán lá xanh che kín mặt sân. Chúng tôi, những đứa trẻ nương tuổi thơ mình bên tán bưởi già như mái nhà thứ hai của tuổi ấu thơ mưa nắng.

Ông ngoại như ông tiên với bộ râu dài, trắng như cước. Ông hay ngồi bên hiên, kể những câu chuyện nơi ông từng qua, tai ông từng nghe, mắt ông từng thấy. Bên hiên bóng mát phủ kín sân, hương bưởi đưa thoang thoảng dấu thơm nơi khứu giác ngọt ngào.

Mấy chị em chúng tôi thường hay nghịch ngợm. Ông có một chiếc áo măng-tô được may từ vải Ga-ba-đin, màu gụ, dài ngang gối. Ông quý chiếc áo ấy lắm! Nhà nghèo không có tủ nên ông treo áo gọn gàng trên chiếc móc sắt. Khi nào có sự kiện gì quan trọng ông mới mặc nó.

Một lần ông đi vắng, tôi lấy chiếc áo của ông mặc vào. Chiếc áo dài quá chân, quết đất lấm lem vết bẩn. Sự vô tư của trẻ con khiến chiếc áo vướng vào đinh sắt từ cánh cửa làm rách một vệt dài. Ông không mắng chúng tôi câu nào, nhưng đôi mắt ông buồn lắm! Vết rách dài bằng một gang tay, ông nhờ bà khâu hộ. Bà ngoại khâu lại rất khéo nhưng mỗi lúc nhìn vào vết sẹo của nó, chúng tôi lại thấy đau.

Làng quê tôi nghèo vật chất nhưng giàu tình người. Mỗi buổi chiều, mặt trời khuất dần sau đám mây trắng từ phía chân trời. Từng chiếc xe trâu chở những đụn cỏ to đùng, kẽo kẹt, như chở cả buổi chiều trôi chầm chậm theo từng vòng quay bánh xe. Ông tôi vót thật đẹp những chiếc nan tre màu trắng để đan rổ, rá, đòn gánh, quang trành, quang chạc... Đó là những sản phẩm phục vụ đời sống và nông nghiệp ở các làng quê xưa.

Mỗi buổi chợ phiên, bà ngoại và bác gái tôi lại quẩy những thứ đó trên vai mang đi bán. Đồ đạc thì nhẹ nhưng lồng cồng. Họ gánh đi khuất sau ngõ vắng, trông xa xa như những bông hoa bằng nan tre đang di chuyển. Cả làng tôi làm nghề đan nan tre, nên mỗi buổi chợ phiên, nhà nào cũng gồng gánh nối đuôi nhau lên chợ. Chẳng biết họ có bán được hết hàng không nhưng bọn trẻ chúng tôi thấy hình ảnh đó thật đẹp mắt.

Ông tôi còn có một kho truyện cổ tích. Tôi thích nhất mỗi đêm nghe ông kể chuyện cổ tích Núi Thiên Thai miền Kinh Bắc quê mình. Chàng trai đi kiếm củi về nấu cơm cho mẹ, bị lạc vào cõi Thiên Thai không thấy đường về. Chàng trai không biết rằng một ngày trên trời bằng trăm năm dưới hạ giới. Đã ba tháng trôi qua, chàng nhớ nhà, nhớ mẹ già đang đợi. Cõi Thiên Thai đủ đầy cũng chẳng níu nổi bước chân chàng ở lại. Chàng trở về quê, cảnh cũ, người xưa không còn ai. Nỗi nhớ xen lẫn nỗi lạc lõng nhân tình thế thái, chàng trai đến bên núi tựa lưng và khóc. Núi Thiên Thai có tên từ dạo đó. Nơi đây có những gốc hồng gọi là hồng đào tuyệt ngon và tuyệt đẹp mọc trên đỉnh núi.

Câu chuyện ông kể như thời gian quá khứ hiện tại đan xen nhau. Tôi còn quá nhỏ để nhớ hết chi tiết, ông thì chẳng còn để tôi hỏi lại. Chỉ biết rằng mỗi khi nhắc đến ngọn núi Thiên Thai, tôi lại nhớ ông theo từng lời kể phảng phất như sương như khói của tuổi thơ đã trôi xa rồi.

Một buổi sáng mùa thu năm tôi mười bảy tuổi. Ông ra đi sau một thời gian căn bệnh lao phổi hoành hành. Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông lần cuối, nước mắt lã chã rơi. Cậu tôi mặc chiếc áo măng-tô cho ông. Rất đông người tiễn ông đi ngày cuối thu hôm ấy. Cánh đồng lúa chiêm đang vào vụ gặt, lúa mới thơm cả cánh đồng nơi ông qua. Tôi nhìn lên trời nghe vi vu trong gió sớm, lòng thầm mong ở nơi nào rồi ông cũng sẽ bình yên.

Tôi bước ra khoảng sân rộng trước nhà. Vẫn cây bưởi ông trồng bóng mát phủ kín sân. Những trái bưởi chín vàng óng ả. Tôi chợt nhận ra những chuyển hóa của luân hồi. Ông chẳng mất đi đâu mà ở ngay bên cạnh. Khắp mọi không gian đều chất chứa những gì thuộc về ông. Bên hiên nhà, bên giếng nước và khoảng sân. Ông cười hiền từ như ông tiên trong câu chuyện cổ tích. Ngày ông ra đi, một ngày bình yên như cỏ, thơm tho dệt kỷ niệm vọng về.

Nguyễn Thanh Nga

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/nho-ong-ngoai-20230402205625624.htm