Nhớ làng quê thơm mùi rơm rạ

BHG - Quê tôi năm 2 vụ lúa, chúng tôi lớn lên từ những mùa vàng và cánh đồng quê thơm mùi rơm rạ. Ai có lẽ cũng sẽ tự hào về nơi mình sinh ra, chúng tôi cũng tự hào được sinh ra ở giữa những hương vị đồng quê đầy thi vị, chân chất mùa màng. Ở đó, mùi rơm thơm của những vụ gặt lan tỏa từ đồng về đến đường làng, đến tận sân nhà, là thứ gắn chặt vào tâm hồn mỗi người.

Tôi còn nhớ, một vụ lúa ở quê vừa dài lại vừa nhanh, từ khi những gánh mạ non của các bà, các mẹ còng lưng cấy xuống ruộng, cho đến khi lúa đẻ nhánh, vươn thì con gái, làm đòng và gục đầu chắc bông. Khi những sóng lúa vàng thơm là thời điểm những cánh đồng bắt đầu nghe ríu rít tiếng chim trời tìm về; đất trời thêm nồng nàn với hương thơm của lúa xen lẫn những âm thanh rộn rã của ngày mùa vui đến nức lòng. Mùa lúa chín là mùa đẹp nhất, phấn khởi nhất ở mỗi làng quê, đó là lúc mọi người cảm thấy sự no đủ, sung túc nhất. Cái cảm nhận ấy khiến cho lòng người lâng lâng, khỏe khoắn đến lạ.

Trẻ thơ vui đùa trên cánh đồng sau vụ gặt thơm mùi rơm mới.

Mùa gặt quê tôi ngày trước không khí vui như hội, nhà nào cũng rộn ràng cười nói. Nhà nhà bận rộn đập, tuốt lúa dưới ánh trăng đêm vằng vặc. Thời điểm mùa gặt mệt nhưng vui, những gánh thóc kĩu kịt, những xe bò kéo lúa đồng về làng, vất đấy, nhưng ai gặp nhau cũng đều nở nụ cười tươi. Những mùa gặt giữa nắng gắt mùa Hạ, sự óng ả của nắng vàng Thu, là thứ tiếp thêm sức sống cho mỗi gia đình ở những miền quê thi vị. Nhưng đặc biệt nhất, giữa những khoảnh khắc rộn ràng ấy, có một thứ hương thơm mà bất cứ ai từng qua những năm tháng tuổi thơ ở làng quê đều nhớ - hương của rơm lúa mới.

Ngày mùa quê tôi ngày ấy, nhà nào cũng phơi đầy rơm trên đường, trong sân nhà. Nắng sấy vàng những cọng rơm tỏa hương nhẹ nhàng trong gió. Đặc biệt, nhà nào phơi rơm lúa nếp lại càng đượm hương. Mùi của rơm chẳng phải là mùi nước hoa, mùi của những thứ cao sang, nhưng nó thực sự thấm đẫm trong tâm hồn của mỗi người quê tôi. Những ngày ấu thơ, ai chẳng qua những trò nô đùa cùng đám bạn trên những con đường phơi đầy rơm thơm phức. Ai còn nhớ cảnh rơm phơi dày trên sân, êm bồng bềnh như tấm nệm, có thể nhảy lên giẫm xuống, lăn lộn đầy thích thú trên rơm mà không sợ bị đau, nhặm người. Những đêm trăng sáng, đám trẻ chúng tôi nô đùa, chơi trốn tìm quanh những đống rơm thơm. Không thể quên những trưa Hè đạp xe trên đường làng phơi rơm, xích, líp, may ơ xe quấn kẹt rơm nặng trĩu. Rơm phơi dày trên những đường làng mà chẳng ai cảm thấy phiền. Ngược lại, có đi trên những con đường bồng bềnh rơm thơm như vậy, người ta mới cảm nhận được hương vị thanh bình của quê hương.

Sau những mùa gặt, rơm phơi được các gia đình chất thành từng đống to để làm nguyên liệu đun nấu, hoặc để dành cho gia súc trong mùa rét dài. Mùi rơm vì thế còn lan tỏa, gắn bó gần như quanh năm với mỗi hộ dân ở làng quê. Những cây rơm khô còn là nơi mỗi lần hạ buồng chuối trong vườn nhà vùi vào, lũ trẻ chúng tôi háo hức, hàng ngày cứ thục tay vào đống rơm để sờ, nắn, hóng chuối chín. Đặc biệt vào dip Tết, sau những ngày Đông giá kéo dài, những ngày quây quần gia đình bên bếp rơm ấm áp là những ký ức đầy ngọt ngào. Mùi rơm, mùi thơm của khói rơm và hương vị của Tết cùng hòa quện trong không gian gia đình ấm áp đến khó tả. Không gian làng quê được gắn chặt với hình ảnh của cọng rơm, của hương vị rơm rạ như thế, không thể tách rời.

Ai cũng qua những năm tháng của một thời nào đó. Chúng tôi lớn dần và cũng xa dần những mùi rơm rạ, xa những con đường quê thân thương và những cánh đồng làng đầy kỷ niệm. Giữa phố xá ồn ào, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, muốn tiếp thêm năng lượng, chỉ cần hòa vào một góc làng quê nào đó ngoại thành, hoặc tìm lên các làng bản vùng cao, để sà vào giữa mùa lúa vàng chín, hít hà cái hương của lúa, của rơm là sẽ tìm thấy cái hương vị quê nhẹ nhõm đến lạ thường.

Nhân Trần

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202310/nho-lang-que-thom-mui-rom-ra-d184a63/