Nhớ khách đa tình

17 năm tiếng hát mê đắm xa rời nhân thế nhưng hình ảnh của ông trong một chiều xuân tàn vẫn sống trong tôi, như mới vừa hôm qua. Khi tôi gặp ông, ông đã ở buổi hoàng hôn cuộc đời, nhưng vẫn nhất định đề nghị: Không được gọi bằng bác, phải gọi bằng anh. Yêu cầu của tài tử vang danh một thời khiến nữ phóng viên mới chập chững vào nghề như tôi hơi bị sốc.

Cảm hứng về hương nước hoa

Đề nghị ấy được tài tử Ngọc Bảo đưa ra ngay khi tôi gọi điện cho ông: “Con chào bác Ngọc Bảo”. Tôi muốn gặp ông để viết một bài cho ấn phẩm Tiền Phong cuối tháng khi đó. Tài tử Ngọc Bảo sẵn sàng gặp gỡ chỉ có điều buộc tôi phải chuyển xưng hô. Dù bất ngờ và hơi ngại, song tôi chấp nhận, một phần vì bài vở cần hoàn thành nhưng phần chính vì tôi muốn có cơ hội được trò chuyện với ông, một giọng ca vượt thời gian, lắm giai thoại.

Tiếng hát vượt thời gian, tài tử Ngọc Bảo. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đúng hẹn, tôi đến nhà ông. Ông ra đón tôi trong trang phục chỉn chu, mời tôi uống nước, ăn bánh, rồi ông mở ca nhạc với những tình khúc vượt thời gian do chính ông trình bày. Phàm là người, ai cũng bị ám ảnh ít nhiều về thời gian. Ai cũng mong mình mãi mãi tuổi 20, nhất là mỹ nhân và nghệ sĩ. Có vẻ, xưng hô “bác, cháu” của tôi khi gọi điện cho tài tử, vẫn khiến ông ấm ức. Ông chỉ lên màn hình ti vi và hỏi tôi: “Đáng gọi người ấy là ông hay cụ?”. Tôi cười để trốn câu trả lời. Ông tự nói: “Gọi bằng bác đã là quá lắm rồi”. Từ ấy, tôi “đút túi” kinh nghiệm, gặp nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, ca sĩ, diễn viên dù họ lớn tuổi, cũng phải cân nhắc xưng hô, không khéo lại khiến họ buồn không tiếp chuyện.

Nếu bỏ qua vẻ ngoài thì tài tử Ngọc Bảo còn trẻ hơn những người đang độ phơi phới. Những năm đầu thế kỷ 21, đám con trai, con gái là bạn tôi, chưa mấy đứa biết xài nước hoa, cả tôi cũng vậy. Ngọc Bảo ngồi cạnh tôi, khoác tay lên vai tôi, tôi ngửi thấy mùi nước hoa phảng phất, bất giác hít hà một hơi và nức nở khen: “Thơm quá!”. Ông bật mí: “Nước hoa Pháp đấy. Bạn anh tặng”. Nói rồi, ông vào phòng lấy lọ nước hoa và xịt lên tóc tôi. Chính ông là người đầu tiên trong cuộc đời tạo cho tôi cảm hứng về mùi hương và sức mạnh của nó. Mới hiểu, vì sao Nguyễn Bính lại viết: “Tôi muốn mùi hương của nước hoa/Mà cô thường xức chẳng bay xa/Chẳng làm ngây ngất người qua lại/Dẫu chỉ qua đường khách lại qua”.

80 là tuổi ăn chơi

Vợ chồng tài tử Ngọc Bảo khiêu vũ. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trong cuộc trò chuyện, Ngọc Bảo không nói với tôi về âm nhạc, chỉ kể những hồi ức đời thường. Tài tử trải lòng, từ khi còn nhỏ ông đã bâng khuâng buồn khi ngắm mưa phùn giăng mắc, khi thấy xác pháo trên đám cỏ xanh. Ở tuổi 80, tóc bạc, lông mày cũng bạc nhưng tâm hồn ông vẫn xanh. Ông cất tiếng hát đùa tôi: “Em như cô gái hãy còn xuân/Trong trắng thân chưa lấm bụi trần… Đôi tám xuân đi trên mái tóc/Đêm xuân cô ngủ có buồn không”. Ông không ngại ngần nhận mình đa tình, có số đào hoa, được nhiều phụ nữ yêu thương. Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1926, có khi ghi Ngọc Bảo sinh năm 1924 nhưng trong buổi trò chuyện với tôi, ông lại chia sẻ: “Khi anh sinh ra các cụ xem số tử vi, anh cầm tinh con trâu, đẻ hồi giờ chiều, tháng Chạp. Các cụ bảo: Cái thằng này số đào hoa. Nó được sung sướng và an nhàn. Bởi tháng Chạp trâu không phải đi làm đồng, chỉ nằm vẫy đuôi và gặm cỏ”. Theo lời kể trên thì tài tử sinh năm 1925 mới đúng.

Tài tử nói, ông được nhiều phụ nữ yêu là số của ông, số đào hoa. Nhưng từ khi trái tim biết rung lên ông đã lấy vợ. Ngọc Bảo đàng hoàng thừa nhận khi đã lập gia đình, ông vẫn có những phút xao lòng. Có lần, ông và một phụ nữ gặp nhau ở công viên, vừa ngồi xuống chưa kịp làm gì thì đã thấy vợ ông đến, choàng thêm cho ông chiếc áo còn dặn người phụ nữ kia: “Lần sau nếu rủ anh ấy đi chơi thì nhớ bảo anh mặc áo vào, kẻo lạnh ảnh hưởng đến giọng hát”. Tôi gật gù tán thưởng: “Hành xử đỉnh cao thế này thì người đàn bà nào còn dám tơ tưởng đến Ngọc Bảo, cần gì phải đánh ghen cho ồn ào, mệt mỏi?”. Chưa hết, lần khác, bà lái xe, tài tử ngồi bên cạnh. Bà bảo ông: “Nếu anh không còn thương yêu em nữa em nhường cho cô ấy”. Ông nhớ cả những giọt nước mắt lén rơi của bà khi bà làm bữa sáng cho ông. Những giọt nước mắt len lén của người đầu gối tay ấp khiến cả đời ông không quên được. Vợ ông thường nói với ông: “Em sợ anh ngã. Thứ nhất là ngã về tâm hồn”. Ông hiểu nỗi lo của vợ và đã giữ để không trượt ngã, dù đời đầy cám dỗ. Tuy có những phút xao lòng nhưng người đàn bà đặc biệt nhất, ân tình nhất trong lòng tài tử vẫn là vợ. Khi tôi gặp tài tử Ngọc Bảo, vợ ông đã đi xa. Nhưng ông không cô độc. Ông cho biết, các con ông hết lòng chăm sóc ông.

Chuyện trò một hồi, tôi chuẩn bị ra về, lại nghe tài tử tự trào: “60 là tuổi dậy thì, 70 là tuổi mới đi vào đời, 80 là tuổi ăn chơi”. Tôi định khi nào bài viết được in sẽ mang báo đến biếu người đang tuổi ăn chơi. Nhưng ngay hôm sau đã thấy tài tử alô: “Mời em đi ăn chả cá Lã Vọng”. Được mời đi ăn đặc sản Hà thành, với người không dư dả tài chính như tôi lúc ấy, thật là vui thích. Thế mà tôi lại từ chối, vì ngại. Đi cùng một người đáng tuổi ông, bà lại còn xưng hô “anh, em”, người ta nghĩ sao? Nhưng Ngọc Bảo vẫn tiếp tục gọi điện, tôi không nghe máy. Ông nghĩ ra một cách khác, dùng sim điện thoại mới gọi cho tôi, tôi tưởng người lạ nên mở máy: “Alô”. Lập tức đầu dây bên kia vang lên giọng nói đầy hờn trách: “Tại sao em không nghe máy của anh? Anh đã chuẩn bị để mời em đi ăn…”. Tôi chẳng biết nói sao. Nhưng ông cũng cúp máy ngay sau đó. Từ đó, tài tử không còn gọi điện cho tôi. Một thời gian ngắn sau, tôi theo chân nhà báo, nhiếp ảnh gia Hồng Vĩnh đến trường quay Đài truyền hình Việt Nam, lại tình cờ gặp tài tử Ngọc Bảo. Ông tỏ thái độ giận tôi thực sự, khiến Hồng Vĩnh hỏi: “Em làm gì để cụ giận thế?”. Hóa ra, Hồng Vĩnh gọi tài tử Ngọc Bảo là ông. Họ có quan hệ họ hàng. Chẳng bao lâu, tôi đọc báo, hay tin ông ra đi mãi mãi bởi bạo bệnh. Lúc này, nước mắt tôi tự dưng rơi xuống. Đôi khi người ta chỉ vì những chấp niệm vớ vẩn, đã để lỡ những điều đáng quý trong đời. Khi tài tử Ngọc Bảo nói “80 là tuổi ăn chơi” có thể ông đã biết bệnh của mình, đã biết quỹ thời gian đời còn hạn hẹp. Ông muốn gặp lại tôi, cùng tôi ăn chả cá, chẳng qua vì niềm khát khao giao cảm với đời ở những ngày tháng cuối. Đơn giản vậy thôi. Ứng xử non kém và quê kệch của một phóng viên mới vào nghề như tôi, đã khiến người đa cảm, lịch lãm, hào hoa như ông buồn lòng nhưng tôi không còn cơ hội để sửa sai…

17 năm trôi qua, tôi hình thành sở thích nghe nhạc xưa, nghe tiếng hát Ngọc Bảo. Những tình khúc gắn với tên tuổi Ngọc Bảo như “Anh đến thăm anh một chiều mưa” (Tô Vũ); “Biệt ly” (Dzoãn Mẫn); “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong), “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương), “Lá đổ muôn chiều” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh); “Ai về sông Tương” (Thông Đạt)… lãng mạn, man mác buồn. Rất nhiều ca sĩ đã hát những tình khúc vượt thời gian nhưng dấu ấn của tài tử Ngọc Bảo vẫn đậm nét. Bởi ông đa sầu, đa cảm, đa tình từ trong máu thịt. Nhiều người đánh giá, riêng với nhạc phẩm “Biệt ly” không giọng ca nào vượt qua Ngọc Bảo: “Biệt ly, nhớ nhung từ đây/Chiếc lá rơi theo heo may/Người về có hay/Biệt ly, sóng trên dòng sông/Ôi còi tàu như xé đôi lòng/Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi, càng lướt trôi…”. Mỗi khi nghe “Biệt ly” tôi lại nhớ đến cuộc gặp đầu tiên với ông, mùi nước hoa xưa hình như còn vương vấn…

Không còn cơ hội sửa sai với Ngọc Bảo nhưng tôi đã có kinh nghiệm để không phạm lỗi với những nghệ sỹ tài năng, lớn tuổi khác. Khi tôi biết điêu khắc gia Lê Công Thành ông cũng đã ngoài 70, gần 80 tuổi. Cũng như tài tử Ngọc Bảo, ông muốn tôi gọi ông là “anh” ngay trước mặt vợ ông, họa sĩ Kim Thái. Sau cuộc phỏng vấn, Lê Công Thành cũng mời tôi đi ăn nhưng đề nghị tôi chở ông bằng xe máy, tiện thể để ông dạo phố phường Hà Nội. Điêu khắc gia nổi tiếng ngồi sau xe máy, bám chặt vào tôi, hứng thú, hồn nhiên như một đứa trẻ. Chúng tôi cùng vào quán ăn trưa, chuyện trò vui vẻ. Tôi không quan tâm tới ánh mắt của những người xung quanh nhìn chúng tôi bởi để ý quá sẽ làm cuộc đời mình co hẹp lại. Ngồi ăn với Lê Công Thành bỗng nhớ khách đa tình năm ấy biết bao!

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nho-khach-da-tinh-post1587070.tpo